Trượt ĐH là... con đường khác đến thành công

author 07:06 09/08/2013

(VietQ.vn) – Các bạn đỗ ĐH phải mất 4 – 6 năm trên giảng đường và khoảng 1 – 2 năm cọ sát với thực tế. Còn các em, ngay bây giờ, đã có thể bắt tay xây dựng cuộc đời mình, không phải lệ thuộc vào ai. Có thể các em đang hoang mang nhưng hãy nhìn Bill Gate, Steve Jobs, Đặng Lê Nguyên Vũ…

Lời Tòa soạn: Hôm qua, Bộ Giáo dục đã công bố điểm sàn các khối. Nhiều thí sinh đã bị “loại khỏi cuộc đua” ĐH bởi các mốc điểm này. TS Lê Hùng Thắng (Mỹ) gửi tới Chất lượng Việt Nam một góc nhìn khác biệt về chuyện "trượt-đỗ" này.

Đừng thất vọng khi trượt ĐH. Ảnh; Hoàng Hà
Đừng thất vọng khi trượt ĐH. Ảnh; Hoàng Hà

Cảm ơn…1 cái lắc đầu

Tôi có một anh bạn từng học một trường kỹ thuật. Hồi sinh viên, khác với những người bạn suốt ngày cặm cụi bên các cuốn sách chuyên môn, anh này lại hay lên thư viện đọc…báo và sách kinh doanh.

Nhiều môn thi bị…trượt lia lịa. Có những môn mà khi thi lại, phần hỏi – đáp, anh đã nói thẳng với giám khảo: “Thưa thầy, thực sự em không thích ngành này”…

Cuối khóa ra trường, bảng điểm toàn thi lại và trung bình, người thầy phát bằng nhìn anh và…lắc đầu.

Đến hôm nay, khi tâm sự với bạn bè, chàng trai giờ đã là “đại gia” - chủ của chuỗi đồ ăn nhanh nổi tiếng, vẫn luôn cảm ơn cái lắc đầu năm xưa của người thầy. Nó như một lời thúc giục, rằng anh sẽ phải thành công để người ta thấy, anh đã đi và dám đi đúng con đường mình lựa chọn.

Cảm ơn…600.000 cái lắc đầu

Hôm qua, khi thông báo về mức điểm sàn, Bộ Giáo dục  dường như đã phát đi 600.000 cái “lắc đầu” cho từng ấy học sinh, khi muốn bước chân vào đại học, cao đẳng.

Các em có thể sẽ hoang mang vì chưa thực hiện được giấc mơ trở thành kỹ sư, cử nhân, bác sĩ…Các em có thể buồn vì không được bằng bạn, bằng bè.

Nhưng các em không nhận thấy, điểm sàn đã cho các em đi một con đường khác đến đích Thành Công.

Khi mà chất lượng giáo dục của chúng ta còn lạc hậu thì tại sao các em lại muốn học những nơi mà thế giới ít công nhận bằng cấp?

Khi mà kinh tế đang gặp khó khăn, “ra đường gặp người thất nghiệp” thì tại sao các em lại muốn 4 – 6 năm nữa, mình cũng gia nhập đội ngũ đấy?

Khi mà bố mẹ ở nhà còn khó khăn, chắt bóp từng đồng nuôi các con, sao các em không nghĩ, mình phải tìm con đường khác ngắn hơn, để kiếm tiền chính đáng, phụng dưỡng mẹ cha? (Những người mải mê công danh, đến khi thành đạt thì đã không còn thời gian để nuôi dưỡng bố mẹ nữa đâu).

Trượt ĐH là…lợi thế

Hiệu trưởng một ĐH nổi tiếng ở Mỹ từng nhận định: “ĐH là quãng nghỉ của cuộc đời” (sau này, ông Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ FPT đã từng nói lại điều này với các bạn trẻ).

Các bạn đỗ ĐH phải mất 4 – 6 năm trên giảng đường và khoảng 1 – 2 năm cọ sát với thực tế. Còn các em, ngay bây giờ, đã có thể bắt tay xây dựng cuộc đời mình, mà không phải lệ thuộc vào ai.

Đội quân có bằng ĐH nhưng thất nghiệp đang gia tăng.
Đội quân có bằng ĐH nhưng thất nghiệp đang gia tăng. Ảnh: WT

Ở Mỹ, có những trường cao đẳng cộng đồng, vừa học – vừa làm, học phí rẻ mà chất lượng cũng đảm bảo. Nhưng ở Việt Nam chắc vẫn còn thời gian mới có được. Cách bắt chước giáo dục Mỹ, áp dụng dập khuôn vào Việt Nam là sai lầm.

Thay vào đó, hãy đọc các bài báo về những người trượt ĐH nhưng thành công (rất nhiều trên các báo vào dịp này). Hãy bắt tay lao động, làm mọi công việc có thể (nhưng không trái pháp luật) để có đủ tiền nuôi bản thân, chứ đừng dựa vào bố mẹ nữa.

Học hỏi bạn bè, tìm trên mạng các khóa đào tạo tin học, ngoại ngữ cơ bản. Hãy tìm mua những cuốn sách dạy về kinh doanh để nuôi dưỡng khát khao, để tin rằng, người ta có thể làm giàu bằng đôi bàn tay sạch, dù có bị chai sạn.

Hãy thử kinh doanh bất cứ thứ gì mà mình am hiểu và tiết kiệm những đồng tiền kiếm được và không ngừng mơ ước để mở rộng chúng…

Lời kết

Đã có nhiều người thành công nói với tôi rằng, nếu được làm lại, họ sẽ…không học đại học, mà tự học và quăng mình vào đời ngay. Bill Gate, Steve Jobs, Đặng Lê Nguyên Vũ…đã không cần một tấm bằng nào mà vẫn nên nghiệp lớn.

Nên nếu ngày mai, có một giấy mời của trường ngoài công lập nào đó, với mức học phí “trên Trời”, ngoài mức chi trả của gia đình, thì các em hãy mạnh dạn nói “KHÔNG”, để nắm lấy cơ hội mang tên “Trượt Đại học” mà cuộc sống đã ban tặng…

TS Lê Hùng Thắng


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang