Truy xuất nguồn gốc trái cây tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn

authorUyên Triệu 06:10 16/09/2020

(VietQ.vn) - Sở Công Thương Hà Nội cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, từ cuối năm 2017 đến nay, 12 quận đã cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 809 cửa hàng đáp ứng tiêu chí của đề án; đồng thời triển khai 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, 100% người kinh doanh được khám sức khỏe định kỳ; có thiết bị bảo quản trái cây; nguồn gốc trái cây được giám sát…

Đặc biệt, việc xây dựng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè kết hợp cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đạt được mục tiêu vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa tạo thói quen kinh doanh đúng pháp luật cho người bán hàng để bảo đảm văn minh thương mại, trật tự đô thị.

Tuy đã đạt những kết quả bước đầu, song thực tế tình trạng bán trái cây tại vỉa hè, lòng đường còn tồn tại ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây kinh doanh tại các cửa hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Người tiêu dùng vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, không chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây... Do đó, việc nhân rộng điểm kinh doanh trái cây an toàn và tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè là rất cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, địa phương.

Ảnh minh họa 

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025”. Đề án hướng tới mục tiêu giai đoạn 2020-2021 có 30%-50% tuyến phố văn minh không có hàng rong, hộ kinh doanh lấn chiếm hè, đường... Là cơ quan chủ trì thực hiện đề án, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, cùng với tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người kinh doanh, Sở cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh trái cây, hàng rong lấn chiếm hè, đường; công khai các cửa hàng được cấp biển nhận diện vi phạm quy định...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án bằng nhiều hình thức như phối hợp với các quận tổ chức tập huấn các cửa hàng kinh doanh trái cây về các điều kiện được cấp biển nhận diện; quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh trái cây; nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh trái cây…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang