Truy xuất nguồn gốc trực tuyến hàng hóa bằng mã QR: Lợi cả đôi đường!

author 10:00 03/02/2019

(VietQ.vn) - Nhờ các ứng dụng mã số mã vạch, đặc biệt là mã QR, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi khi sản xuất, phân phối, mua sản phẩm hàng hóa.

Truy nguồn gốc trực tuyến sản phẩm hàng hóa bằng mã QR

Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố năm 2019.

Theo đó, việc sử dụng mã hình QR nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng xác định trực tuyến nguồn gốc, thống kê, theo dõi quá trình lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố; làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển các mặt hàng, nhóm hàng cụ thể theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, gắn với đời sống; dân sinh.

Qua đó, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến hoặc mục đích khác cần ưu tiên áp dụng cho nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Để triển khai kế hoạch, Sở sẽ quản trị tài khoản theo phân cấp quản lý trên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ: www.hn.check.net.vn góp phần minh bạch thông tin đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất uy tín, chia sẻ, kết nối giao thương; phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện quy chế hoạt động Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về mã hình QR gắn trên sản phẩm, hàng hóa; phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh sử dụng mã hình QR trong các giao dịch điện tử; xây dựng chuỗi họp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp (thực phẩm), tiểu thủ công nghiệp (sản phẩm thủ công, làng nghề tiêu biểu) và công nghiệp chủ lực của Thành phố (bao gồm cả liên kết với địa phương khác có nguồn hàng đưa về Thành phố tiêu thụ) với đơn vị triển khai giải pháp xác thực chống hàng giả, có hệ thống công nghệ; CNTT hỗ trợ truy xuất nguồn gốc trực tuyến, sử dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả.

Ảnh minh họa 

Phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa kinh doanh tại các địa điểm mua sắm, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh... để kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng đều hưởng lợi

Mã QR hai chiều có thể lưu giữ hàng nghìn ký tự. Nhờ vậy, QR dễ dàng mã hóa mọi dữ liệu trực tuyến. Khi đó, bằng smartphone có kết nối Internet và cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, đảm bảo không rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi thông tin trả về từ mã QR đều được cung cấp trực tiếp bởi doanh nghiệp sản xuất. Một số loại tem còn mang thông tin cảnh báo nếu sản phẩm có nguy cơ bị làm giả hoặc đã được bán.

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, mọi người đều ủng hộ sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bởi, khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất "sạch" nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, tình trạng hàng giả, kém chất lượng sẽ từng bước được ngăn chặn. Bởi mỗi sản phẩm đều được dán một mã riêng. Một khi đã được bán ra, tem sẽ bị hủy và không thể tái sử dụng cho mục đích làm nhái.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời đại công nghệ 4.0, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều không thể thiếu. Truy xuất nguồn gốc phục vụ cho 3 đối tượng: người tiêu dùng, cơ quan quản lí nhà nước và chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn, người nông dân được tiếp cận với công nghệ một cách nhanh chóng, cập nhật quá trình tạo ra sản phẩm từ khâu bắt đầu cho đến khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp được bảo vệ uy tín.

Bà Đặng Thị Phương Ninh - Tổng giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) cho biết, việc truy xuất nguồn gốc đối với công ty là điều tiên quyết, bởi khách hàng hiện nay đòi hỏi rất cao tính minh bạch của sản phẩm. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ quét tem QR Code sẽ giúp người tiêu dùng nhanh nhất biết được: thông tin trang trại, nơi chế biến, nhà sản xuất, tên thực phẩm, giá cả, các địa điểm phân phối, thời gian cụ thể từng giai đoạn... Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm sẽ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về khâu nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm...

Nâng cao nhận thức trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng nhau ngăn chặn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc lộng hành. Quan trọng hơn, người tiêu dùng sẽ yên tâm lựa chọn những sản phẩm sạch cho gia đình và tin tưởng vào thực phẩm Việt.

Cuối tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Bảo Lâm

Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa(VietQ.vn) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang