Những dị bản cổ tích Việt Nam 'gây sốc' khiến độc giả bức xúc

author 16:35 10/04/2015

(VietQ.vn) - Trong thời gian gần đây, nhiều cuốn truyện cổ tích bị phát hiện có những dị bản với nội dung không phù hợp với trẻ em bị thu hồi đã đặt ra câu hỏi về sự sàng lọc nội dung trước khi đưa một tác phẩm đến với thiếu nhi của các Nhà xuất bản.

Thời gian qua, nhiều cuốn truyện cổ tích bị phát hiện có những dị bản không phù hợp với trẻ em. Truyện cổ tích Việt Nam Thánh Gióng có chi tiết Thánh Gióng tắm Hồ Tây gây nhiều tranh cãi. Truyện Sọ Dừa in dị bản mẹ Sọ Dừa uống nước trong sọ người bị thu hồi tiêu hủy. Ngôn từ phản cảm, thô tục trong cuốn truyện cổ tích 'Thỏ trắng và Hổ xám' mới đây là sự nối dài các sai sót, cẩu thả trong khâu biên tập sách cổ tích.

Truyện cổ tích "Thỏ trắng và Hổ xám" dùng ngôn ngữ dung tục

Theo VnExpress, trong tập truyện "Cổ tích Việt Nam" ghi của Nhà xuất bản Hải Phòng có truyện "Thỏ trắng và hổ xám" dùng ngôn từ thô tục, chửi bậy, phản cảm. Độc giả Thanh Sơn ở Hà Nội cho biết, con của anh (4 tuổi) được bà mua tặng cuốn Truyện cổ tích Việt Nam. Anh lấy sách đọc cho con nghe, tới truyện Thỏ trắng và Hổ xám thấy có những ngôn từ không phù hợp với trẻ nhỏ nên anh không tiếp tục đọc nữa.

Sách 'Truyện cổ tích Việt Nam' và trang truyện 'Thỏ trắng và Hổ xám'

Sách 'Truyện cổ tích Việt Nam' và trang truyện 'Thỏ trắng và Hổ xám'

"Tôi định vứt cuốn sách này đi, nhưng nghĩ cần phải đưa thông tin cho mọi người biết còn tránh", anh Sơn nói. Truyện Thỏ trắng và Hổ xám kể câu chuyện của chú thỏ bằng mưu trí đã vượt qua sự rình rập, đe dọa của hổ xám gian ác. Trong truyện, nhóm biên soạn sách dùng ngôn từ thô tục, như dùng văn nói, ngôn từ dân dã để diễn đạt việc đại tiện hay "Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d... hổ". Thậm chí, sách còn đưa cả câu chửi bậy vào truyện: "Mẹ mày con thỏ!". Sách Truyện cổ tích Việt Nam có ghi thông tin Nhà xuất bản Hải Phòng ở trang bìa. Trang xi nhê sách ghi phát hành năm 2014.

Truyện cổ tích Thánh Gióng: Thánh Gióng tắm Hồ Tây?

Theo Dân Trí, một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 chọn đoạn văn có nhắc đến Thánh Gióng để dạy về từ ngữ thay thế, trong đoạn văn có chi tiết liên quan đến nhân vật truyền thuyết này khiến phụ huynh, học sinh và giáo viên băn khoăn. Nhiều phụ huynh có con em đang theo học lớp 5 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về một bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A (sách thử nghiệm).

Cụ thể trong cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 tập 2A, tại bài 26C “Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế” ở phần 1 đưa ra 2 câu hỏi (a và b) là: Những từ in đậm trong đoạn văn dưới đây dùng để chỉ nhân vật nào? và việc dùng nhiều từ ngữ thay thế cho nhau như vậy có tác dụng gì? "Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc Quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết."

Sách Tiếng Việt lớp 5 cũng có đoạn văn tương tự

Sách Tiếng Việt lớp 5 cũng có đoạn văn tương tự trong truyện cổ tích Thánh Gióng

Ngoài hai câu hỏi này, còn có hình ảnh về một nhân vật đang cưỡi ngựa, hai tay cầm chắc một khóm tre đánh giặc. Qua tìm hiểu, đoạn văn trên là nói đến Thánh Gióng - một nhân vật trong cổ tích của dân gian Việt Nam. Theo sự tích kể lại, Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là “người trời” đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân ta đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan giặc Ân, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn ông, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.

Sau khi đọc đoạn văn trong sách Hướng Dẫn học Tiếng Việt lớp 5, phụ huynh B.V.T ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) phân vân: “Theo truyền thuyết và nhiều tài liệu về chuyện cổ tích Thánh Gióng tôi được biết thì không hề thấy có đề cập đến việc Thánh Gióng đánh giặc xong ăn bữa cơm, nhảy xuống Hồ Tây tắm, ôm vết thương đó vào rừng giấu kín nỗi đau mà chết. Không hiểu sao trong sách lại ghi như vậy”. Không chỉ mình anh T và nhiều phụ huynh khác có con em đang theo học lớp 5 ở Thanh Hóa cũng tỏ ra bất ngờ về đoạn văn này.

Trao đổi với Dân trí, bà Tạ Thị Ánh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa cũng khá bất ngờ về đoạn văn trên. Bà Ánh cho hay, cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 nhà trường được Bộ GD-ĐT đưa về để giảng dạy theo chương trình VNEN (Dạy học theo mô hình mới Việt Nam). Về việc Thánh Gióng đánh giặc xong, ăn cơm, nhảy xuống Hồ Tây tắm.. Bà Ánh cũng chỉ biết về việc Thánh Gióng đánh giặc xong bay về trời chứ chưa nghe có chuyện như đoạn văn trên.

Ông Hoàng Việt Cường - Phụ trách chuyên môn bậc Tiểu học Phòng GD-ĐT huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi chưa tin vào đoạn văn này, có sự khác xưa rất nhiều. Thông tin về bài văn của học sinh còn chấp nhận được chứ đoạn văn trong sách thì khó tin lắm. Trong nhiều văn bản trước có khác nhưng đối với đoạn văn này khác xưa rất nhiều”.

Liên quan việc SGK tiểu học lớp 5 đưa vào một bài học về Thánh Gióng gây tranh cãi trong dư luận, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách, khẳng định đoạn văn trên là của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và được trích dẫn đúng, Người Lao Động đưa tin.

Truyện cổ tích biến tấu 'sọ dừa' thành 'sọ người'

Cuối tháng 3, VTC News đưa tin, trong tập truyện dành cho trẻ nhỏ của Nhà xuất bản Hồng Đức, Sọ Dừa - nhân vật cổ tích quen thuộc - được mẹ sinh ra sau khi uống nước đựng trong chiếc sọ người. Nhân dịp sinh nhật con gái nhỏ, chị Hồng Anh, nhà ở quận 1, TP HCM đến một nhà sách lớn để tìm mua các tập truyện cổ tích tặng con.

Bìa tập truyện cổ tích 'Sọ dừa'

Bìa tập truyện cổ tích 'Sọ dừa'

Sau khi về, tình cờ mở truyện Sọ Dừa ra xem, ngay từ trang đầu tiên, chị giật mình với dòng dẫn: "Xưa có hai vợ chồng kia đi ở cho phú ông, ngoài năm mươi vẫn chưa có mụn con. Một hôm trời nắng gắt, người vợ vào rừng lấy củi, khát nước quá mà không tìm đâu ra nước, nên đành liều uống nước trong cái sọ người ở một gốc cây". Truyện còn  dùng ngôn từ khá "mạnh" với trẻ nhỏ như: "quái thai", "đem chôn sống nó đi...". Không chỉ có lời kể khác biệt so với nhiều bản truyện cổ tích về Sọ Dừa trước đây, hình ảnh minh họa trong sách còn khá rùng rợn với cảnh người đàn bà cầm trên tay chiếc đầu lâu.

Tập Sọ Dừa nằm trong bộ Truyện cổ tích Việt Nam, do NXB Hồng Đức ấn hành. Bộ sách được in khổ nhỏ 13x19cm, theo dạng truyện giản lược kèm hình minh họa bắt mắt cho nhiều sự tích phổ biến trong kho tàng truyện cổ Việt Nam như: Sự tích con muỗi, Sự tích Chú Cuội, Sự tích Trầu cau... Mỗi tập truyện, trong đó có tập Sọ Dừa, được in khoảng 1.000 cuốn, nộp lưu chiểu từ cuối năm 2013, nhưng đến nay vẫn còn trên kệ sách.

Một trang trong tập 'Sọ Dừa' trong ấn bản của một nhà xuất bản khác

Một trang trong tập 'Sọ Dừa' trong ấn bản của một nhà xuất bản khác

Chị Hồng Anh còn cho biết, một người bạn của chị từng chia sẻ bức xúc về việc chi tiết "sọ dừa" trong truyện cổ bị biến thành "sọ người" đầy phản cảm trong một cuốn sách khác. Chi tiết "sọ người" dị bản trong truyện cổ tích tiếp tục nối dài những biến tấu gây tranh cãi trong các tập truyện dành cho thiếu nhi. 

Mới đây ấn phẩm Truyện cổ tích Việt Nam quyển I của Nhà xuất bản Kim Đồng (tái bản vào tháng 10/2014) bị phát hiện mang dị bản lạ đồng thời có những chi tiết không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Trong đó, truyện Thạch Sanh khiến độc giả ngỡ ngàng với chi tiết mẹ nhường quần cho con. Bộ truyện "Thần thoại Hy Lạp" cũng của NXB này gây sốc với những hình vẽ lõa thể.

Những sai sót và chi tiết gây tranh cãi trong các truyện cổ nói trên là những sai phạm mới nhất được phát hiện của ngành sách những năm qua. Năm 2014, Cục Xuất bản đã xử phạt gần 400 vụ vi phạm lớn nhỏ. Trong đó có những ấn phẩm sai phạm nghiêm trọng như sách in hình minh họa không phù hợp, sách xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức; hoặc tác phẩm sai nhiều về nội dung như Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất.

Trang Mạc (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang