Truyện 'Thỏ trắng và Hổ xám' nội dung thô tục: Thiếu bộ lọc chuẩn cho ấn phẩm thiếu nhi?

author 21:47 09/04/2015

(VietQ.vn) - Đã tới lúc cần phải có một bộ lọc chuẩn đối với các ấn phẩm dành cho thiếu nhi bởi gần đây xuất hiện nhiều truyện ngắn, truyện cổ tích có nội dung không phù hợp, thậm chí xuyên tạc, thô tục, bạo lực.

Truyện cổ tích “Thỏ trắng và Hổ Xám” của Nhà xuất bản Hải Phòng có những câu hội thoại và ngôn từ rất thô tục không phù hợp với đối tượng là các em thiếu nhi như: “M.. mày con thỏ”, “Tôi đi ỉa”, “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d.. hổ”... Điều này đang gây bức xúc đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã từng mua cho con cuốn truyện trên. Để độc giả có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhiều chi tiết thô tục trong truyện cổ tích Thỏ trắng và Hổ Xám của Nhà xuất bản Hải Phòng

 “M.. mày con thỏ”, “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d.. hổ”... là những chi tiết rất thô tục trong truyện cổ tích "Thỏ Trắng và Hổ Xám" của Nhà xuất bản Hải Phòng. Ảnh: ngoisao.net

-Thưa bà, truyện cổ tích “Thỏ trắng và Hổ Xám” của Nhà xuất bản Hải Phòng có những câu hội thoại và ngôn từ rất thô tục không phù hợp với đối tượng là các em thiếu nhi như: “M.. mày con thỏ”, “Tôi đi ỉa”, “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d.. hổ”.... Bà có ý kiến như thế nào về các chi tiết và cách sử dụng ngôn từ trên?

TS. Vũ Thu Hương: Những câu thô tục như vậy chắc chắn là không được cho vào sách, truyện dành cho trẻ em. Người lớn biết điều gì là hay là dở để chọn lọc nhưng trẻ em chưa biết. Do đó, ấn phẩm dành cho trẻ em phải được chọn lọc và kiểm duyệt kỹ về tất cả mọi mặt. Ngôn từ phải trong sáng và hợp với quy tắc ứng xử lịch sự. Thứ hai là không được có những chi tiết nhạy cảm. Thứ ba là được không có những chi tiết bạo lực.

- Bà có nhận định như thế nào về tình trạng thời gian gần đây liên tục xảy ra những trường hợp phát hiện truyện cổ tích có những chi tiết, ngôn ngữ không phù hợp với trẻ em như “Truyện cổ tích Thạch Sanh”, “Truyện cổ tích Sọ Dừa”, cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” mà dư luận đã phản ánh thời gian qua?

TS. Vũ Thu Hương: Tình trạng này đã có từ rất lâu. Câu chuyện nhạy cảm đầu tiên dành cho trẻ em là Thủy thủ mặt Trăng. Truyện có hình vẽ rất nhạy cảm và có nhiều chi tiết bạo lực. Rất nhiều phụ huynh đã phản ánh với tôi về việc các con đọc nhiều truyện tranh quá nên có những cách ăn nói cụt lủn, trống không. Đấy là những điều có hại đã phát hiện từ thời gian trước. Công tác kiểm duyệt mảng sách, truyện này đã không được làm tốt.

- Thưa bà, cần có giải pháp như thế nào để siết chặt công tác kiểm duyệt của các nhà xuất bản, đặc biệt là đối với mảng sách, truyện dành cho thiếu nhi?

TS. Vũ Thu Hương: Theo tôi đã là sách của trẻ em thì nên để nhà xuất bản của Bộ Giáo dục đưa ra giấy phép xuất bản. Ví dụ, Cục Xuất bản cấp giấy phép phát hành, Bộ Giáo dục hoặc nhà xuất bản của Bộ Giáo dục đóng dấu lưu hành dành riêng cho trẻ. Cần có một bộ phận chuyên đọc lại các tác phẩm đó để xem xét có được phép lưu hành không.

Ví dụ, tôi thấy cơ quan xuất bản duy nhất mà Bộ Giáo dục quản lý là Nhà xuất bản Giáo dục thì tất cả các ấn phẩm đều ổn, không bị những lỗi như các trường hợp trên. Qua quá trình làm việc với nhiều nhà xuất bản, tôi rút ra kinh nghiệm rằng, cách làm việc của Nhà xuất bản Giáo dục cực kỳ “khó tính”. Chính vì vậy, tất cả những lỗi sai của tác giả đều được họ phát hiện ra và hỏi tác giả để chỉnh sửa ngay lập tức. Do đó, những sản phẩm đầu ra của nhà xuất bản này rất chuẩn mực.

Để công tác kiểm duyệt tốt hơn cũng không nhất thiết các nhà xuất bản đều phải do Bộ Giáo dục quản lý nhưng Bộ Giáo dục cần phải có quyền kiểm duyệt những sách và truyện dành cho trẻ em. Những sách nào không đạt chuẩn họ có quyền yêu cầu không xuất bản. Nếu làm được như vậy, các sách và truyện cho trẻ em sẽ tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, Cục Xuất bản kiểm duyệt nhưng không có nhiều chuyên môn về giáo dục trẻ em. Điều này là đương nhiên bởi họ kiểm duyệt tất cả các loại sách. Do đó, tôi đề xuất riêng mảng sách dành cho trẻ em nên để cho Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý và cấp giấy phép cho các nhà xuất bản.

- Truyện cổ tích Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng in dị bản truyện Thạch Sanh với chi tiết mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con đã phải thu hồi, chỉnh sửa. Truyện Sọ Dừa in dị bản mẹ Sọ Dừa uống nước trong sọ người cũng bị thu hồi tiêu hủy. Bà có nhận định gì về hình thức xử phạt là thu hồi và tiêu hủy trên?

TS. Vũ Thu Hương: Bản thân các hình thức xử phạt như thời gian qua không đem lại nhiều tác dụng.

TS. Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Bà có lời khuyên như thế nào đối với các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn các đầu sách, đầu truyện và các nhà xuất bản để tránh được việc con mình đọc phải những chi tiết và ngôn ngữ không phù hợp như những trường hợp nêu trên?

TS. Vũ Thu Hương: Có hai cách để lựa chọn.

Thứ nhất là khi con đề xuất cần mua sách, bố mẹ đọc kỹ nội dung quyển sách đó. Nếu thấy điểm nào không hợp lý, bố mẹ cần nói rõ với con. Ví dụ: “Con thấy câu nói của nhân vật này như thế nào?”. Khi được hỏi như vậy, trẻ sẽ nói lên suy nghĩ của chúng. Sau đó, bố mẹ sẽ hướng dẫn cho con các kỹ năng để phát hiện ra những vấn đề tương tự như thế. Con sẽ có thái độ biết phân biệt và tránh những tác phẩm không tốt để lựa chọn những tác phẩm tốt hơn.

Một cách nữa là bố mẹ hướng con đến các dòng sách có giá trị nghệ thuật cao bằng cách bố mẹ lựa chọn sách thật kỹ trước rồi mang về tủ sách nhà mình, kích thích con đọc bằng trí tò mò. Ví dụ, bố mẹ mở ra đọc một đoạn cho con nghe rồi lại cất đi. Con sẽ cảm thấy tò mò và tự lấy sách ra đọc tiếp.

Những cách như vậy sẽ hướng con học được tính chăm chỉ đọc sách và dần biết lựa chọn các đầu sách đảm bảo tính giáo dục và không bị gượng ép.

-Ở khía cạnh khác, cũng có những trường hợp nhà xuất bản không sai mà do truyện cổ tích có từ thời xa xưa nên đôi khi những chi tiết và ngôn ngữ không còn phù hợp với trình độ nhận thức của xã hội hiện nay. Vậy, theo bà nên làm thế nào để sàng lọc được những chi tiết hoặc những câu truyện đó ra khỏi các đầu truyện?

TS. Vũ Thu Hương: Một khi đã phân công cho một bộ phận chuyên trách kiểm duyệt mảng sách, truyện dành cho thiếu nhi, họ sẽ sàng lọc và chỉnh sửa những nội dung như vậy. Vấn đề là mình chưa có những cơ quan như vậy.

Xin cảm ơn bà!

Trần Hoài (thực hiện)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang