Truyền thông đưa khoa học và công nghệ gần hơn với đời sống sản xuất

author 12:45 20/12/2019

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, nhờ có truyền thông mà ngành khoa học và công nghệ gắn bó, gần gũi hơn với sản xuất và đời sống, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trong kỷ nguyên 4.0, truyền thông khoa học và công nghệ trở thành sức mạnh và là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia, dân tộc cũng như sự tiến bộ của xã hội.

Do đó, việc tăng cường truyền thông, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao dân trí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Qua thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều ngành khoa học, công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, trong đó, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới được ứng dụng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất nông nghiệp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu,… xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh.

Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hán Hiển 

Tại Hội thảo “Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa diễn ra, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng nhấn mạnh, trong những năm gần đây, các từ khóa như: Truyền thông khoa học và công nghệ, nhà báo khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được tìm kiếm, chia sẻ rất phổ biến trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong quá trình phát triển truyền thông khoa học và công nghệ hiện nay, bên cạnh 5 lực lượng chính làm khoa học ở Việt Nam (gồm nhà khoa học tại viện nghiên cứu, trường đại học- nhà khoa học trong doanh nghiệp- nhà khoa học làm hoạch định chính sách-nhà khoa học ở nước ngoài- người dân đam mê nghiên cứu khoa học (nhà khoa học “chân đất”), không thể không kể đến đóng góp quan trọng của những nhà báo, các cơ quan truyền thông về khoa học công nghệ.

Dẫn trường hợp của Hàn Quốc nhờ vào khoa học công nghệ từ một quốc gia nghèo, nhiều tàn tích sau chiến tranh để trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về công nghệ chỉ trong khoảng 20 năm, ông Trần Quang Tuấn cho rằng, để đạt được những thành công này, Hàn Quốc đã làm rất tốt trong công tác truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ đó, xây dựng nên văn hóa yêu khoa học, trọng khoa học trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, truyền thông khoa học công nghệ không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học đề cập những kết quả nghiên cứu của mình hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà còn hướng đến việc tạo nhận sự ủng hộ của công chúng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Trong đó, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo nhấn mạnh, việc tăng cường truyền thông, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ sẽ góp phần nâng cao dân trí phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Thực tế cho thấy, các nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông, giúp công chúng và các cơ quan quản lý có thêm nhiều thông tin chân xác hơn về khoa học và công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Nhiều thông tin khoa học và công nghệ cũng đã được dùng làm cơ sở soạn thảo các nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Lợi cũng lấy ví dụ như đề án chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội năm 2015, dư luận lên tiếng phản đối với những thông tin có tính khoa học, lập luận thuyết phục đã khiến chính quyền lắng nghe, đồng thời quyết định dừng lại đề án này. Hay mới đây nhất, vụ việc cháy ở nhà máy Rạng Đông, vụ nước Sông Đà nhiễm dầu, không khí ô nhiễm với hàm lượng bụi mịn vượt ngưỡng nguy hại tại Hà Nội... chính truyền thông đã tác động lên chính sách, là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra các quyết sách đúng đắn nhất.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo nhấn mạnh vai trò của truyền thông đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ. (Ảnh: Hán Hiển) 

Các đại biểu cũng đánh giá, truyền thông sẽ giúp điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn so với thực tiễn, đồng thời giảm thiểu chi phí thời gian và tiền bạc cho quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan Nhà nước. Thông qua truyền thông khoa học và công nghệ có thể đưa ra những dự báo tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách. Bên cạnh đó, nhờ truyền thông mà nhiều ngành khoa học và công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng...

Thông tin khoa học và công nghệ là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cho các quyết sách phù hợp. Để truyền thông tốt hơn, các đơn vị liên quan nên tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu gắn với đời sống, mời các chuyên gia thực sự có chuyên môn cao phản biện để sẽ tạo ra hiệu quả truyền thông tốt.

Hán Hiển

Kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KHCN đón nhận Huân chương Lao động hạng NhấtTrải qua 60 năm hình thành và phát triển, các cơ quan tiền thân và Bộ Khoa học và Công nghệ luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thúc đẩy nền khoa học, công nghệ nước nhà phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Huân chương Lao động hạng Nhất là kết quả xứng đáng, ghi nhận sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang