Truyền thông khoa học cần một chiến lược đột phá

author 12:39 16/08/2014

Truyền thông khoa học, công nghệ (KHCN) đang tạo ra làn sóng mới, đa dạng, liên tục, thiết thực và sinh động trong "cuộc chiến’’ chống lại rào cản tư duy cũ, sức ỳ của cơ chế cũ và hành động thực chất vì nền KHCN Việt Nam.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Chính những bước sóng đầu tiên đã góp phần tích cực đưa chính sách, pháp luật về KHCN vào cuộc sống; làm chuyển biến hành động của cộng đồng; đánh thức niềm tự hào, trí tuệ, tiềm lực, hoài bão người Việt Nam; mang lại niềm tin về sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong sự khởi đầu ấy, truyền thông KHCN vẫn đang thôi thúc tìm cho mình những phương thức hợp tác hiệu quả với từng loại hình báo chí trong đó có báo điện tử. Báo điện tử ra đời trên nền tảng của KHCN hiện đại; làm thay đổi bộ mặt nền báo chí thế giới; làm thay đổi căn bản thói quen đọc báo và tác động đến hướng phát triển báo truyền thống; tác động mạnh mẽ đến hướng đi của nền báo chí mỗi quốc gia. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức mà truyền thông KHCN phát triển trong cách mạng thông tin trên môi trường internet.

Đổi mới truyền thông KHCN trên môi trường Internet cần một chiến lược mang tính đột phá và bước đi cụ thể trong từng giai đoạn. Ở đây xin đề cập đến một số nội dung thiết thực liên quan đến tổ chức hoạt động truyền thông KHCN.

Truyền thông khoa học

Truyền thông khoa học cần một chiến lược mang tính đột phá, thiết thực. Ảnh minh họa

Trước hết là con người – những người làm công tác truyền thông KHCN. Là đội ngũ nhà báo, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh, đầu tư, là công chúng được dẫn dắt, gợi mở, khai sáng bởi nhu cầu về KHCN … Chính họ góp phần làm rõ vai trò KHCN trong đời sống hàng ngày; tạo ra một thị trường KHCN, cổ vũ cho lực lượng sản xuất mới dựa trên phương thức, nền tảng của KHCN và trên hết là xây dựng, chiếm lĩnh không gian văn hóa KHCN trong đời sống thực tiễn.

Đề cập đến những vấn đề chung có thể dễ dàng hơn là động chạm đến cá nhân, tổ chức, con người, công việc cụ thể. Hãy bắt tay vào từng bài báo, số báo… sẽ không đơn giản cho người viết, người làm truyền thông. Trước hết hãy xem tòa soạn quan tâm đến lĩnh vực KHCN như thế nào. Điều này dẫn đến việc bố trí nhân lực, dung lượng, hình thức truyền thông; quyết định sự lựa chọn; sự liên kết, phối hợp tạo làn sóng truyền thông KHCN…

Thu hút, làm thay đổi nhận thức và hành động của giới truyền thông, của mỗi tòa soạn là yếu tố quan trọng trong chiến lược truyền thông. Điều này cũng giống như trong tổ chức, hoạt động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Câu chuyện thủ trưởng nào phong trào ấy là một ví dụ.

Đào tạo chuyên sâu và tạo sân chơi qua giải báo chí về KHCN là một bước đi  khích lệ cần được duy trì và thường xuyên đổi mới theo chủ đề, ý đồ, đòi hỏi của chính sách pháp luật và đời sống thực tiễn. Chú trọng vào đội ngũ làm báo chuyên về KHCN. Về lâu dài cần có sự đào tạo bài bản ngay từ nhà trường, học viện; thu hút những người đam mê KHCN tham gia truyền thông.

Thứ hai là phạm vi truyền thông KHCN. Không nên quá bó hẹp và chuyên biệt. Có thể thấy không phải bài báo viết chuyên về KHCN mới là truyền thông KHCN.
Cần lưu ý điểm này. Trong thực tiễn phong phú có rất nhiều vấn đề khác nhau, có vấn đề tưởng chừng chẳng liên quan gì đến KHCN như xung đột lợi ích nhóm, tham nhũng, vấn đề giới… thì chìa khóa then chốt để giải quyết vẫn chính là thông tin về KHCN. Thực tế cho thấy, khi Quốc hội xem xét việc đầu tư các công trình quan trọng quốc gia thì thông tin KHCN đóng vai trò quan trọng, quyết định… Tuy nhiên, khi lý giải những vấn đề như vậy có khi khía cạnh của KHCN bị xem nhẹ, bị che mờ, bị chính sách khác lấn át...

Một bài báo phản biện về phương án xây dựng cầu vượt; phản biện về xây dựng thủy điện nhỏ; phản biện về đường sắt cao tốc; phản biện về công tác quy hoạch; phản biện về xây dựng cơ chế chống tham nhũng chống thất thu thuế, phí… dựa trên căn cứ KHCN mới, thành tựu khoa học tự nhiên và xã hội. Nó có hàm lượng thông tin KHCN đậm đặc. Thông tin đó trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của dự án… Những bài báo như vậy, cách làm như vậy cần được cổ vũ, ghi nhận trong truyền thông KHCN.

Thứ ba là đối tượng tác động của truyền thông KHCN. Có rất nhiều nhóm đối tượng cụ thể cần được xác định. Mỗi nhóm đối tượng cần có phương pháp tiếp cận và nội dung thông tin thiết thực. Ở đây chỉ xin điểm một số nhóm đối tượng truyền thông KHCN cần quan tâm. Nhóm hoạch định chính sách; Nhóm quản lý và thực thi chính sách; Nhóm kinh doanh đầu tư về KHCN; Nhóm nghiên cứu ứng dụng KHCN; Nhóm có nhu cầu áp dụng KHCN; Nhóm đối tượng thu hưởng KHCN… Nhu cầu thông tin của mỗi nhóm là khác nhau nên nội dung thông tin, hình thức thông tin khác nhau.

Hình thức và nội dung truyền thông liên hệ chặt chẽ với nhau. Tùy nội dung mà lựa chọn hình thức thích hợp, thời điểm thích hợp. Điều đặc biệt quan tâm ở đây chính là khai thác hình thức tương tác với độc giả; tập hợp ý kiến về một bài báo hay một chùm bài báo.Truyền thông KHCN trên môi trường internet đòi hỏi một chiến lược mang tính đột phá, cách mạng, thiết thực, khả thi, kiên định và cụ thể làm bệ đỡ, hướng đi lâu dài. Từ đó khơi dậy, phát huy và tập hợp mọi nguồn lực cho lĩnh vực được xác định là động lực then chốt phát triển kinh tế xã hội…

Chính truyền thông KHCN cần làm sáng tỏ yếu tố KHCN trong mọi vấn đề của đời sống xã hội. Đặc biệt là những vấn đề có tính chiến lược; vấn đề giáo dục, vấn đề đầu tư; vấn đề môi trường sống, môi trường công tác; nâng cao chất lượng cuộc sống ; vấn đề quản lý nhà nước; vấn đề xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo Đại biểu nhân dân

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang