Truyền thông về KH&CN thời 4.0 cần chủ động, sáng tạo

author 06:26 23/12/2019

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, để truyền thông KH&CN đạt hiệu quả cao, người làm công tác truyền thông phải có sự chủ động, sáng tạo về nội dung, hình thức truyền tải về các vấn đề liên quan tới ngành, lĩnh vực KH&CN.

Những khó khăn của truyền thông khoa học và công nghệ

Theo các chuyên gia, truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh, việc tuyên truyền về khoa học công nghệ, truyền thông còn có trách nhiệm trong việc động viên tinh thần, đặc biệt là trách nhiệm của nhà khoa học với đất nước, dân tộc.

Ở các nước có nền KH&CN phát triển mạnh như Nhật Bản cũng có những thời điểm người dân không mặn mà lĩnh vực này. Tuy nhiên vào những năm 1990, Nhật Bản đã đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của người dân và đã thu hút được sự chú ý đầu tư vào khoa học. Thậm chí Nhật Bản còn đặt ra mục tiêu đưa KH&CN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa. Chính phủ Nhật Bản tài trợ rất lớn cho những khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học.

Ở nước ta, trong khi hoạt động truyền thông nói chung đã được chú trọng và phát triển mạnh (đặc biệt về bóng đá, sức khỏe, tình yêu - tình dục, văn hóa), thì truyền thông KH&CN trong cả nước nhìn chung chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn.

Đánh giá về hoạt động tuyên truyền KH&CN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng từng nhận định, hoạt động này ở nước ta chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý và hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KH&CN. Công tác tuyên truyền KH&CN chưa đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan. Đó chính một trong những hạn chế làm cho KH&CN chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội.

Thông tin KH&CN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó càng khiến thông tin KHC&N không hấp dẫn như những thông tin khác trong đời sống xã hội. Trong khi đó, hầu hết các thông tin này lại được biên soạn ở dạng thức các báo cáo khoa học nên phần lớn công chúng khó tiếp nhận. Như vậy, việc tuyên truyền KH&CN là một lĩnh vực không dễ, thậm chí khô khan bởi thông tin cần đảm bảo tính đầy đủ, chuyên sâu và thận trọng.

Ảnh minh họa 

Các giải pháp cấp thiết

Theo ông Nguyễn Quân, một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN trong cả nước hiện nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KH&CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng chính đội ngũ các nhà khoa học phải coi trọng công tác truyền thông KH&CN. Đã đến lúc các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN. Thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì bản thân các nhà khoa học nên quảng bá sâu rộng hơn những gì mình làm được.

Hiện nay, có một bộ phận các nhà khoa học chưa ý thức cao cho công tác tuyên truyền KH&CN, phần lớn các nhà khoa học thường không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những kết quả mình làm. Một số nhà khoa học rất ngại các phóng viên trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện có thể làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ.

Tâm lý này đã gây không ít khó khăn cho các phóng viên trong việc tiếp cận các nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhà khoa học có ý thức song lại vấp phải vấn đề về kinh phí. Kinh phí đề tài hạn hẹp, chỉ đủ phục vụ cho nghiên cứu, làm báo cáo, họ không biết lấy kinh phí cho công tác tuyên truyền ở đâu.

Công tác tuyên truyền KH&CN không chỉ là ý thức của mỗi nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của tổ chức KH&CN, mà trong đó, các viện, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến kiến thức và tuyên truyền thành quả nghiên cứu. Một sự lãng phí lớn từ chính các viện, trường đại học có nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng không đến được nông dân, doanh nghiệp.

Các tổ chức KH&CN phải quan tâm, nhận thức cao về vai trò của công tác tuyên truyền KH&CN, không ngại tiếp xúc với cơ quan báo chí, để từ đó, cơ quan truyền thông đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất về KH&CN.

Để công tác truyền thông KH&CN hoạt động có hiệu quả hơn, phục vụ đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng cần tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí.

Bên cạnh đó, muốn làm tốt công tác truyền thông KH&CN, người làm truyền thông cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với những kiến thức theo từng lĩnh vực của KH&CN. Nhà báo viết thông tin khoa học cần kiểm tra tính chính xác và tính cân bằng của bản tin, tránh gây ra những sai sót không đáng có.

Liên quan tới vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, công tác truyền thông đã và đang khuyến khích các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà khoa học lao động, sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu của lĩnh vực KH&CN đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Do đó, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, để truyền thông KH&CN đúng, trúng và hiệu quả, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cần tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi cả chuyên môn và nghiệp vụ báo chí, có như vậy, các phóng viên, nhà báo mới có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Đồng thời, những người làm truyền thông về KH&CN phải có sự chủ động, sáng tạo về nội dung, hình thức truyền tải.

Cơ quan quản lý KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng những chương trình thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Các cơ quan báo chí cần chú trọng và tăng cường các hoạt động truyền thông KH&CN trên tất cả các kênh như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các website về thông tin KH&CN.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang