TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Truy xuất nguồn gốc phải là ưu tiên hàng đầu trong ngành bán lẻ

author 16:01 27/11/2019

(VietQ.vn) - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng các nhà bán lẻ phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng. Việc tìm kiếm các nguồn hàng tin cậy, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao… cho nhiều phân khúc thị trường sẽ là sự ưu tiên chú trọng hàng đầu.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong đó Việt Nam là thành viên chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra đối với ngành phân phối thì tác động trực tiếp của CPTPP về mở cửa thị trường là không nhiều. Tuy nhiên, tác động gián tiếp từ thực thi CPTPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong hội nhập.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung. Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.

 T.S Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

Chia sẻ về lĩnh vực phân phối đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: CPTPP sẽ có những tác động đến ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam do mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn so với trong WTO. Dù vậy, theo bà Loan, trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP cũng sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này.

Tuy nhiên, bà Loan cho rằng, các nhà bán lẻ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người tiêu dùng, của khách hàng. Việc tìm kiếm các nguồn hàng tin cậy, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý cho nhiều phân khúc thị trường sẽ là sự ưu tiên chú trọng hàng đầu.

Về phía các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam, cần phải cố gắng nhiều hơn để chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, từ đó sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà bán lẻ, bởi thực thi CPTPP hàng hóa các nước sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, tạo ra nguồn cung rất lớn, cạnh tranh công bằng với hàng hóa trong nước.

Mặc dù chúng ta đã có sự chuẩn bị khá tốt về mặt nhận thức về hội nhập quốc tế, cạnh tranh, song không phải đại đa số doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp phân phối bán lẻ) đã hiểu rõ, trong đó có việc thực thi các cam kết trong CPTPP, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn hiểu lầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để tăng cường phổ biến thông tin về CPTPP, phố biến kiến thức về hội nhập quốc tế… để các doanh nghiệp biết, nắm rõ, làm chủ tình hình, chủ động tận dụng các cơ hội, sẵn sàng đối mặt với cuộc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập CPTPP.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Phải giảm bớt chi phí vô lý nếu muốn phát triển ngành bán lẻ(VietQ.vn) - Muốn phát triển nhanh và bền vững trong hệ thống phân phối ngành bán lẻ, cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý. Đồng thời, cần có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng, tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang