TS Nguyễn Đình Cung: Làm theo tiến độ, tiến theo quy trình không thể dẫn tới đổi mới sáng tạo

author 14:02 03/05/2019

(VietQ.vn) - TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần phải có cách quản lý mới. Việc làm theo tiến độ, tiến theo quy trình là cách cũ, không thể dẫn tới đổi mới sáng tạo.

Năm 2018 được đánh giá là năm nhiều dấu ấn của khởi nghiệp Việt Nam. Báo cáo từ Topica Founder Institute cho thấy đã có tới 92 thương vụ đầu tư với tổng giá trị gần 900 triệu USD đổ vào startup, gấp 3 lần trong năm 2017. Trong đó, Fintech là lĩnh vực hút vốn đầu tư dẫn đầu, kế đến là thương mại điện tử, công nghệ du lịch, logistics và công nghệ giáo dục.

Làn sóng khởi nghiệp cũng được "hâm nóng" với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo, tập trung giải quyết vấn đề xã hội. Khởi nghiệp công nghệ trở thành xu thế thịnh hành khi ngày càng nhiều sản phẩm ứng dụng trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI), học máy, điện toán đám mây, thực tế ảo, thiết bị thông minh, fintech, nông nghiệp công nghệ cao... Đáng chú ý, số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Những thành quả ban đầu đó trước hết là do tiềm năng con người Việt Nam được đánh thức thông qua những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy sức mạnh kinh tế tư nhân, là quyết tâm của Chính phủ xây dựng thành công chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.

Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương cho rằng, khởi nghiệp sáng tạo là cơ hội để Việt Nam thực hiện quản lí theo cách khác. “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra vô số cơ hội cho chúng ta. Nếu cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì chúng ta sẽ luôn đi sau. Với khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta phải làm khác. Làm theo tiến độ, tiến theo quy trình là cách cũ, không thể dẫn tới đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của Chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương. Ảnh: Dân trí 

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đang cần thêm rất nhiều yếu tố để thực sự hỗ trợ các startup. Hiện tại, các startup vẫn gặp nhiều rào cản về quản lí, đặc biệt trong khâu đăng ký kinh doanh. Đôi khi startup chưa thể định nghĩa họ làm mảng gì, nhưng khi đăng ký họ phải khai ngành, nghề kinh doanh cụ thể.

“Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đó vì rào cản. Kiểu quản lý ấy ngăn cản đổi mới sáng tạo. Theo tôi, chúng ta đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không nên tư duy theo kiểu nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, năng lực nhà nước đến đâu thì cho dân làm đến đấy, mà nên hướng về việc quản lý phục vụ phát triển. Chỉ như vậy, startup mới tin rằng khó khăn của họ sẽ được giải quyết”, TS Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện quản lí kinh tế Trung ương nói thêm rằng, năng lượng khởi nghiệp ở Việt Nam đang vô cùng lớn, nên chỉ cần nhà nước bỏ một rào cản, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ.

“Đừng ràng buộc, đừng bó hẹp rằng chỉ những người này mới được làm còn người kia không được, chỗ nào đang kém phát triển chính là dư địa để chúng ta phát triển”, ông Cung khẳng định.

Liên quan tới vấn đề trên, theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cũng nêu quan điểm cho rằng, nền kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo là một tiến trình tất yếu của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Vị tiến sĩ này cho hay, thay vì cấm đoán, Việt Nam nên ủng hộ các mô hình kinh tế mới nhưng đặt trong ba điều kiện bao gồm khả năng tạo công ăn việc làm, thu ngân sách và ý tưởng mới.

Chuyên gia đến từ đại học Fulbright dẫn chứng, nói đến chơi trò chơi điện tử thông thường người ta sẽ nhắc đến những tác động tiêu cực nhưng thực ra cách đây khoảng chục năm khi Việt Nam chưa có nguồn lực đầu tư, các mô hình mới trên thế giới đã “nhảy vào” và góp phần rất lớn trong việc hình thành hạ tầng công nghệ.

“Nếu chờ các quy định cho phát triển hạ tầng công nghệ thì không bao giờ làm được, trong khi đó lại là cơ hội để bắt kịp với thế giới”, ông Du nhìn nhận.

Khi ứng xử với đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du cho rằng Việt Nam nên chọn giải pháp đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển những ý tưởng mới.

Bảo Bình

 

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng cả về lượng và về chất(VietQ.vn) - Số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp. Đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh, tăng 3 lần so với năm 2017.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang