TS. Nguyễn Đình Cung: 'Rủi ro càng lớn, cơ hội doanh nghiệp thành công càng cao'

authorNgọc Xen 06:54 11/02/2019

(VietQ.vn) - TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định 'rủi ro càng lớn, cơ hội doanh nghiệp thành công càng cao', đồng nghĩa với việc quy mô và không gian hoạt động của doanh nghiệp sẽ ngày càng được mở rộng.

Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) về cơ hội cũng như thách thức doanh nghiệp (DN) Việt phải đối mặt trong năm 2019, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ hi vọng cũng như trăn trở về vấn đề làm sao để DN Việt đứng và đứng vững.
 
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Thưa ông, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia mới được ban hành. Vậy Nghị quyết này có điểm gì khác biệt rõ ràng so với Nghị quyết 19 trước đó?

Nghị quyết 02 (trước đây là Nghị quyết 19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia có hiệu lực từ 01/01/2019. Nghĩa là từ nay trở đi, Nghị quyết 02 sẽ thay thế cho Nghị quyết 19, nhưng bản chất của nó vẫn là trọng tâm của Chính phủ về việc thực hiện những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Nghị quyết 02 được ban hành ngay ngày đầu tiên của năm 2019 cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, chứng tỏ Chính phủ ngày càng quan tâm sát sao vấn đề này.

Cùng với đó, Nghị quyết không đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho từng Bộ, mà xác định từng chỉ số, chỉ tiêu cụ thể và mục tiêu của từng chỉ số đó. Mục tiêu là phải vào được nhóm Asean 4, sau đó, từng Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu ấy. Còn làm gì, làm thế nào, làm khi nào thì do Bộ trưởng quyết định.

Như vậy, Bộ trưởng hoặc người đứng đầu các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc có đạt được mục tiêu hay không.

Thưa ông, Nghị quyết 02 nêu rất rõ ràng mục tiêu năm 2019 trong 2 lĩnh vực ‘thanh toán không dùng tiền mặt’ và ‘dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4’. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Có 2 lĩnh vực mới mà Chính phủ tập trung chỉ đạo trong năm nay là ‘thanh toán không dùng tiền mặt’ và ‘dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4’. Hai lĩnh vực này liên quan rất chặt chẽ với nhau, có thực hiện được thanh toán điện tử thì lúc đó mới có dịch vụ công cấp độ 4.

Về dịch vụ công, mục tiêu ở đây là hạn chế tối đa cơ hội tiếp xúc giữa người dân, DN với công chức nhà nước có liên quan để thực hiện các dịch vụ hành chính công, thu hẹp tối đa dư địa mà các công chức nhà nước có liên quan cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, tạo ra những khó khăn không đáng có để tư lợi và ‘tham nhũng vặt’, tạo ra sự bất định trong thực hiện chính sách trở nên rất cao.

Bên cạnh đó, thanh toán điện tử sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với Chính phủ, tài chính ngân hàng một cách thuận lợi hơn. Trong hoạt động đời sống của người dân sẽ có nhiều triệu giao dịch nhỏ được thực hiện qua thanh toán điện tử.

Thưa ông, 5 năm vừa qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, tuy nhiên, hiện còn 2 chỉ số về vấn đề ‘giải quyết tranh chấp hợp đồng’ và ‘phá sản doanh nghiệp’ vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Vậy ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này và nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải quyết được vấn đề gì?

Tôi cho rằng đây là 2 chỉ số căn bản của môi trường kinh doanh nói riêng và hệ thống thể chế kinh tế thị trường nói chung.

Thực tế, 2 chỉ số này của chúng ta không chỉ tụt hạng mà còn ở vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng. Nếu không phá sản được DN chết thì rõ ràng môi trường kinh doanh trở nên rất ‘bí bách’ và ‘méo mó’. Những DN đáng lẽ phải chết thì không chết được, nghĩa là những tài sản đó vẫn giữ ở những DN không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Tài sản cần được chuyển đổi đến những con người quản lý tốt hơn, những dự án tốt hơn sẽ giúp giải phóng tiềm lực của nền kinh tế.

Về chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, trong thực hiện kinh doanh bao giờ cũng có thế chấp. Nếu như giải quyết tranh chấp hợp đồng hiệu quả, người dân và DN tin rằng: nếu có tranh chấp thì sẽ có những nơi giải quyết công bằng, hiệu quả, nhanh chóng, thì người ta có thể sẽ chấp nhận nhiều rủi ro hơn để kinh doanh mở rộng, thiết lập giao dịch với những đối tác chưa quen biết. Điều này thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn, ‘rủi ro càng lớn thì cơ hội DN thành công càng cao’ đồng nghĩa với việc quy mô và không gian hoạt động của DN sẽ ngày càng được mở rộng. Nếu giải quyết tranh chấp nhanh chóng thì những tài sản gắn với tranh chấp cũng nhanh chóng chuyển sang một thương vụ làm ăn mới.

Ngược lại, khi chúng ta không cải thiện được 2 chỉ số này, mức độ thị trường nền kinh tế Việt Nam sẽ không được nâng cấp và tôi nghĩ chúng ta có lẽ không thể lọt vào Asean 4!

Năm 2019, Bộ tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với ngành tòa án và các bên có liên quan để cải thiện 2 chỉ số này. Tôi hi vọng với sự vào cuộc chủ động của Bộ Tư pháp, hi vọng ngành tòa án có sự phối hợp tích cực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh.

Xin cảm ơn ông với những trao đổi trên!

Chất lượng thực tế là 'thước đo' thành công quá trình cải thiện môi trường kinh doanh(VietQ.vn) - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI khẳng định, chất lượng thực tế là 'thước đo' thành công quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngọc Xen

 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang