TS. Nguyễn Minh Phong: Cần thêm nhiều kịch bản hỗ trợ để doanh nghiệp đứng vững trước đại dịch

author 06:47 23/04/2021

(VietQ.vn) - Trao đổi với Phóng viên Chất lượng Việt Nam, Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, làn sóng dịch bệnh xảy ra lần thứ 3 đã cho thấy các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, để sẵn sàng giúp doanh nghiệp chủ động và đứng vững trước những làn sóng tiếp theo, Chính phủ cần có thêm nhiều giải pháp, kịch bản hỗ trợ.

Covid-19 - thách thức song hành cơ hội

Theo đó, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, 2020 là năm có nhiều chuyển biến, đặc biệt khi dịch Covid bùng phát tại hầu hết các quốc gia, gây nên những khó khăn và thách thức không nhỏ cho nền kinh tế thế giới. Trong đó, Việt Nam là quốc gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu tác động không nhỏ, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, xã hội. Một số ngành có thể thấy ngay mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch như: dịch vụ, du lịch, nhà hàng, sân bay, xuất nhập khẩu,…

Đi cùng với đó, các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp sản xuất cũng bị trì trệ, ảnh hưởng nặng nề. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Dịch Covid-19 xảy ra và nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới làm sức mua của nền kinh tế toàn cầu giảm, hoạt động giao thương hạn chế, dẫn đến việc giãn, huỷ, hoãn các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và làm giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh nghiệp Việt cũng đã có nhiều bước tiến, cải thiện và thích nghi với khó khăn. Đây là sự nỗ lực của cả cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ. Ông Phong cho rằng, chính những sự nỗ lực này đã giữ cho nền kinh tế Việt Nam luôn giữ được đà tăng trưởng, kể cả trong năm 2020 và quý I năm 2021. Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự chuyển đổi thích ứng khi chuỗi cung ứng nguyên liệu quốc tế bị cắt giảm, bắt đầu ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng các mô hình kinh doanh mới trong sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tích cực tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Việc đẩy lùi dịch bệnh giúp Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư tin cậy và an toàn từ nhiều đối tác quốc tế, là điểm đến tiềm năng để phân bổ dòng tiền đầu tư của nhiều tập đoàn lớn. Ưu thế về thị trường lao động rẻ và dồi dào cũng là sức hút đối với những tập đoàn đang có ý định dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc.

Đợt dịch này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng và đưa ra phương án thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá phương thức kinh doanh, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu để hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, các chính sách hội nhập quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường cung ứng cũng như đầu ra cho sản phẩm phong phú và đa dạng hơn, nắm bắt thị trường kinh tế thế giới để sẵn sàng chuyển mình.

TS. Nguyễn Minh Phong: Cần thêm nhiều kịch bản hỗ trợ để doanh nghiệp đứng vững trước đại dịch

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Những nỗ lực của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Chính phủ đã và đang có những chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” đại dịch. Bằng những chính sách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, từ đó cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Chính phủ đã thực hiện song song việc hoàn thiện pháp luật về thuế, kéo dài thời gian hỗ trợ cùng các biện pháp gia hạn thuế cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời gian thuê đất. Nhà nước cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ tín dụng, cụ thể: Kể từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện giảm nhiều lần một loạt lãi suất điều hành như lãi suất tiền gửi, lãi suất qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, những gói cứu trợ an sinh - xã hội hỗ trợ tiền cho người lao động mất việc bởi ảnh hưởng của dịch covid 19 cũng phần nào giải quyết được tình trạng thất nghiệp của người dân, ổn định kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, trong đợt dịch bùng phát hồi tháng 1/2021 tại Chí Linh, Hải Dương, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa kịp thích ứng, nhất là mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiêu thụ nông sản trong tháng 2/2021 đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường nông sản chính của Hải Dương là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa ra ngoài tỉnh gặp khó khăn. Đặc biệt là nông sản xuất khẩu do các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt để ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19, khiến nhiều lượng nông sản bị tồn ứ. Đây cũng là mặt hạn chế mà các doanh nghiệp và nhà nước cần phải xem xét lại.

Một số gói giải ngân vẫn còn chậm, nhất là những gói an sinh xã hội, tính đến hiện tại mới giải ngân được khoảng 12,4 nghìn tỉ đồng, tỉ lệ giải ngân đạt 20%, thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Bên cạnh đó, chính sách cho vay và gia hạn thời gian thuê đất vẫn còn mang tính chất thủ tục, rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận.

T.S Nguyễn Minh Phong cho rằng, những chính sách hiện nay của Chính phủ đã và đang đạt được những hiệu quả nhất định, vẫn nên tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh những hạn chế vẫn còn tồn đọng như: Mở rộng chính sách và đối tượng hỗ trợ thuế, giảm bớt điều kiện để tăng tính tiếp cận cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Cải thiện vấn đề tài chính, những gói vay chậm hay những gói an sinh xã hội, giúp người dân bình ổn kinh tế, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề chậm lương, tránh thất thoát tài sản công cũng như thất thoát nguồn tiền trong quá trình nhận hỗ trợ. Chính phủ nên đồng hành, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh, nguồn cung ứng đầu vào cũng như tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Ánh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang