TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Nên giữ nguyên lãi suất USD ở mức 0%'

author 10:46 31/03/2016

"Theo tôi vẫn nên giữ lãi suất USD ở mức 0%, vì có tăng lãi suất tiền gửi USD lên lại càng làm thu hẹp sự hấp dẫn của VND, càng làm tăng thêm tình trạng đô la hóa"..

PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế về vấn đề này.

Lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đã tạo ra tình trạng tiền gửi USD trong ngân hàng có thể được rút bất ra bất kỳ lúc nào. Tới đây, Thông tư 24 về siết cho vay USD là một bước tiếp theo trong việc chống đô la hóa tại Việt Nam.

Thưa ông, lãi suất tiền gửi USD 0%/năm đã không giảm được tình trạng găm giữ USD của người dân, tại sao?

Lãi suất tiền gửi USD về mức 0%/năm không ảnh hưởng nhiều đến tiền gửi bằng USD hay tâm lý găm giữ USD của người dân, rất nhiều người dân không quan tâm đến lãi suất vì họ muốn giữ đồng tiền USD.

Ảnh hưởng đến đồng USD hiện nay là tỷ giá trung tâm. Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi USD được nâng lên 1%-2%/năm, nhưng nếu tỷ giá trung tâm biến động 3% thì người nắm giữ USD vẫn kỳ vọng có chênh lệch giữa việc giữ VND và USD.

Nếu muốn tác động mạnh tới việc nắm giữ USD của người dân có thể đưa lãi suất tiền gửi USD về mức âm. Tuy nhiên, tác động ngược lại của nó sẽ làm cho nguồn USD “chảy” ra thị trường tự do mạnh hơn.

Theo tôi vẫn nên giữ lãi suất USD ở mức 0%, vì có tăng lãi suất tiền gửi USD lên lại càng làm thu hẹp sự hấp dẫn của VND, càng làm tăng thêm tình trạng đô la hóa.

Ông Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia kinh tế

Vậy làm sao để “xóa” tâm lý nắm giữ USD trong dân?

Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách Việt Nam phải xuất siêu, thặng dư cán cân tổng thể, dự trữ ngoại hối dồi dào, nền kinh tế tăng trưởng tốt và ổn định, lạm phát ở mức 3% - 5%...

Hiện nay, người dân vẫn kỳ vọng USD tăng giá do những điểm yếu của nền kinh tế chưa được khắc phục một cách chắc chắn. Bản thân nội tại của nền kinh tế phải thực sự thay đổi thì mới tác động và làm tăng giá trị của VND, từ đó mới “gỡ”, bỏ được tâm lý nắm giữ đồng tiền USD.

Các ngân hàng thương mại có đang thiếu hụt USD không khi mới đây Vietinbank phải vay 200 triệu USD từ 18 ngân hàng nước ngoài?

Đối với các ngân hàng thương mại thì nhu cầu ngoại tệ luôn luôn có. Nguồn USD các ngân hàng lấy sử dụng không chỉ có từ nguồn huy động mà có thể vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Việc ngân hàng vay ngoại tệ từ các ngân hàng nước ngoài không phải là không tận dụng được nguồn ngoại tệ trong nước, vì đây là hoạt động vay mượn thương mại có từ trước mà ngân hàng vẫn thực hiện.

Tất nhiên mức lãi suất vay ngoại tệ từ ngân hàng nước ngoài sẽ tùy thuộc vào thời gian vay, mối quan hệ, uy tín của ngân hàng vay…

Thường lãi suất vay ngoại tệ từ ngân hàng nước ngoài, chẳng hạn các nước Châu Âu sẽ được tính bằng lãi suất Libor + biên độ 1%/năm.

Nếu Việt Nam được đánh giá có độ rủi ro cao thì lãi suất cho vay sẽ cao.

Hiện lãi suất Libor trên thị trường London là 0,64%/3 tháng, 0,91%/6 tháng và 01 năm là 1,22%.

Hàng triệu USD tiền gửi của khách hàng ở tình trạng không kỳ hạn và có thể được rút ra bất kỳ lúc nào. Điều này sẽ gây khó khăn cho người có nhu cầu vay USD, thưa ông?

Nếu khách hàng vay USD là doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì họ vẫn có nhu cầu vay USD để xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nếu sắp tới Ngân hàng Nhà nước hạn chế doanh nghiệp vay USD thì buộc doanh nghiệp phải vay VND và đổi sang USD, đây là nghiệp vụ thực hiện mua đứt bán đoạn nên doanh nghiệp cũng sẽ gặp rủi ro nếu tỷ giá USD/VND có biến động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu lãi suất vay VND từ 9%-10%/năm, cao hơn lãi suất cho vay USD từ 3% - 5%/năm.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện cho vay USD đối với những doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện thanh toán cho các giao dịch phục vụ kinh doanh chứ không phải để doanh nghiệp bán lấy VND để hưởng chênh lệch chuyển giá từ USD sang VND.

Ông có đồng ý với quan điểm cho rằng nên phát hành trái phiếu bằng USD để hút ngoại tệ trong dân?

Không nên phát hành trái phiếu bằng USD để huy động nguồn ngoại tệ trong dân. Nếu có thì nên huy động trên thị trường quốc tế.

Nếu huy động theo hình thức này trong dân thì sẽ càng làm tình trạng USD hóa thêm trầm trọng, vì khi trái phiếu đến hạn Chính phủ sẽ phải tìm nguồn USD để trả lại dân.

Xin cảm ơn ông!

Theo DĐĐT


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang