TS Nguyễn Xuân Thủy: Người đi bộ coi không ai được động đến mình!?

author 06:55 02/02/2016

TS giao thông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: "Người đi bộ và đi xe đạp rất chủ quan và coi như không ai được động đến mình".

- Thưa ông, từ hôm nay, Hà Nội tiến hành xử phạt người đi bộ sai luật khi sang đường. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Quan điểm của tôi là việc xử phạt người đi bộ là cần thiết vì ý thức của  người đi bộ hiện nay rất kém trong tình hình giao thông hiện nay.

Ở nước ta hiện nay có hai kiểu: người đi bộ và đi xe đạp rất chủ quan và coi như không ai được động đến mình. Họ đi  lại rất tự do, thiếu ý thức và không tuân thủ Luật giao thông một cách rất là rõ ràng.

Hơn nữa, lâu nay cảnh sát giao thông không xử phạt là một sai sót. Xe đạp đi qua đèn đỏ, người đi bộ đi một cách vô tội vạ qua đường mà không ai bị phạt. Bây giờ thực hiện đúng Luật giao thông đường bộ là phải xử phạt là đúng.

Tuy  nhiên, theo tôi ngoài việc phạt  người đi bộ công an phải xem xét các trường hợp người đi xe máy, người đi ô tô thế nào. Ở nước ngoài, vạch vôi cho người đi bộ đi qua, đúng thời điểm người đi bộ đi qua thì ô tô và xe máy phải dừng lại. Còn ở nước ta, ô tô và xe  máy đi thoải mái nên gây rất nhiều khó khăn cho người đi bộ.

Việc này đòi hỏi người đi bộ một mặt phải có ý thức, phải đi đúng làn đường, vạch vôi cho mình đi hay đi lên cầu vượt dành cho người đi bộ hoặc hầm đi bộ. Tuy nhiên, mặt khác những người đi xe máy, ô tô thì phải chú ý khi có người đi bộ đi qua mà người ta đi đúng luật, kể cả đi tốc độ cao đều phải đứng lại chờ người ta đi qua. Theo tôi, công an phải chú ý cả hai việc này mới đảm bảo hiệu quả việc xử phạt và tạo ra công bằng.

Ts. Nguyễn Xuân Thủy.

- Theo ông là phải  phạt cả người đi xe máy, ô tô lấn đường của người đi bộ?

Đúng vậy. Nguyên tắc là khi người đi bộ đi qua, anh phải chú ý đi cho an toàn, thậm chí phải dừng xe, chứ cứ lao vun vút như vậy thì ai mà đi được. Thực tế nó như vậy.

- Ông vừa nói cần phải tiến hành xử phạt người đi bộ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu?

Về mặt nhà nước, phải nâng cao hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho người đi bộ qua đường và các phương tiện khác. Ví  dụ: cầu vượt, hầm chui, các vạch vôi dành cho người đi bộ qua đường cũng phải đúng vị trí hợp lý của nó, chứ  nhiều khi mình đặt ở một địa điểm tốc độ di chuyển của phương tiện đang cao thì cũng gây khó khăn cho người đi phương tiện cơ giới và đi bộ.

Hơn  nữa, việc tăng cường các ký hiệu, biển báo, chuông báo động cho những nơi đi bộ là cần phải có. Ví dụ, ở Úc, Nhật… khi anh đi qua đường đúng vạch vôi dành cho người đi bộ là vẫn có đèn xanh, đỏ, có chuông.

Ở đó, khi có tiếng chuông hoặc đèn xanh thì tất cả các phương tiện phải dừng cho người đi bộ qua, không phải mạnh ai nấy đi như ở nước ta hiện nay. Cho nên, người đi bộ không cảm thấy được đảm bảo an toàn cho nên mặc dù có vạch vôi, nhiều người khi đi qua không thấy khác những chỗ khác cho nên người ta nghĩ rằng đi ở đâu cũng thế.

Do vậy, trước hết các cơ quan chức năng phải nâng cao, hiện đại hóa cũng như hợp lý hóa các điểm đi bộ, các tuyến đường giao thông cho người đi bộ, tạo ra điều kiện an toàn cho  người đi bộ. Như vậy, sẽ thu hút người đi bộ đúng luật tốt hơn.

Ngoài ra, theo tôi, việc phạt người đi bộ cũng phải xem xét từng trường hợp, nếu người đi bộ đi qua một cách tự do, vô ý thức thì phải phạt để răn đe. Thế nhưng, nhiều trường hợp, người đi bộ ở những khoảng cách dành cho người đi bộ quá xa không thể đi đúng vạch thì cũng phải xem xét.

Tức là trước khi xử phạt phải xem xét mạng lưới giao thông của mình có phù hợp, tạo thuận lợi cho  người đi bộ chưa thì mới tiến hành xử phạt. Do vậy, hai việc này phải đồng bộ với nhau mới tạo ra hiệu quả.

CSGT Hà Nội nhắc nhở người vi phạm sáng nay.

- Là một người hay đi lại trên các tuyến đường Thủ đô, ông thấy các tuyến đường hiện nay của Hà Nội đã đủ các vạch vôi dành cho người đi bộ?

Hiện nay có  nhiều chỗ tôi muốn tìm đường qua mà không qua được vì không thấy vạch vôi dành cho người đi bộ. Nhiều tuyến đường vạch vôi dành cho  người đi bộ còn quá thưa, nhiều vị trí không hợp lý. Các hành lang cho người đi bộ, cầu đi bộ đặt không đúng vị trí cho nên người đi rất vắng.

Do đó, trước khi xử phạt chúng ta phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đường bộ của thành phố. Nếu chúng ta thấy các điểm đi bộ còn quá thưa, không hợp lý thì phải thay đổi. Cầu đường bộ quá ít, đặt không đúng vị trí thì phải điều chỉnh lại. Sau khi điều chỉnh lại chúng ta mới tiến hành xử phạt thì nó mới đi vào lòng dân và được người dân hưởng ứng hơn.

- Không chỉ thiếu vạch kẻ đường cho người đi bộ, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội hiện nay, vỉa hè bị người dân chiếm dụng để xe máy, ô tô đẩy người dân đi xuống lòng đường. Vậy với những trường hợp như vậy, nếu cảnh sát giao thông phạt người đi bộ thì họ sẽ bị phạt oan?

Ở đây có những cái mình phải vận dụng để phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện nay, công an và cơ quan chức năng vẫn nới lỏng cho người bán hàng, để xe máy trên vỉa hè là sai. Những cái đó là phải xử phạt đầu tiên nhưng chúng ta lại không xử phạt mà chỉ tổ chức ra quân vài ba ngày sau  lại đâu vào đấy. Việc này phải xem lại.

Rõ ràng, trong hệ thống giao thông chung của Hà Nội và TPHCM hiện nay có nhiều yếu tố gây khó khăn cho người đi bộ, buộc người ta phải đi dưới lòng đường, đi không đúng bị phạt thì phải xem xét lại. Tức là khi tương đối đủ các điều kiện thì chúng ta mới tiến hành xử phạt.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang