TS. Phạm Sỹ Liêm: Hàng loạt vụ sập nhà kinh hoàng… lỗi tại dân!

authorDương Phương Ngọc 06:00 24/08/2016

(VietQ.vn) - Theo TS.Phạm Sỹ Liêm, vụ sập nhà ở số 43 Cửa Bắc hay sập nhà tại Bình Định khiến nhiều người thương vong, đều xuất phát từ những nguyên nhân đáng tiếc.

Ngay sau vụ sập nhà gây ra cái chết của 2 con người xấu số tại số nhà 43, phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), mới đây, người dân cả nước lại một lần nữa bàng hoàng khi chứng kiến vụ sập sàn nhà đang xây khiến 8 người thương vong tại Bình Định.

Hàng loạt vụ sập nhà xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều người chết và bị vùi lấp trong đống đổ nát đã khiến dư luận hoang mang, lo lắng cũng như bày tỏ băn khoăn về chất lượng các công trình nhà cửa thi công hiện nay.

Đã đến lúc 'ném tiền' đầu tư vào bất động sản?(VietQ.vn) - Ông Ben Gray, Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nói: Có những cơ hội đến trong lĩnh vực bất động sản cho những ai am hiểu về thị trường này.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Xét về quy chuẩn xây dựng, chúng ta đã có đầy đủ những quy định về quy chuẩn thiết kế, quy chuẩn thi công và quy chuẩn khảo sát, tuy nhiên, do lỗi của cả bên phía người thi công và cả phía đơn vị quản lý, giám sát nên đã gây ra những hậu quả đáng tiếc ngoài mong muốn.

Ông Liêm phân tích: Vụ sập nhà kinh hoàng trên phố cổ Hà Nội vừa qua, nguyên nhân là do việc đào sâu móng quá mức của hộ gia đình hàng xóm (nhà số 41 Cửa Bắc) khiến nhà số 43 Cửa Bắc bị đổ, họ đã vi phạm quy chuẩn về thi công.

“Khi muốn đào một móng nhà tương đối sâu, xung quanh đã có nhà ở sẵn trong điều kiện nền đất bình thường thì gia chủ phải đóng cừ (kèo, cọc) cũng như các giải pháp kỹ thuật đi kèm để khu đất xung quanh không bị chảy sụt xuống chỗ vừa đào, kéo theo nền móng của nhà bên cạnh.

 Theo TS.Phạm Sỹ Liêm: Vụ sập nhà ở 43 Cửa Bắc do mắc sai lầm về quy chuẩn thi công.

Ở đây, người ta đã không làm việc ấy. Đó là sai lầm mà sai lầm này lại thường rất hay xảy ra” – ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm: Truyền thống xây dựng của nước ta từ trước tới nay, xây nhà, gia chủ thường làm khá vững chãi. Đã từ lâu, các gia đình khá giả vẫn thường đóng cọc tre khi làm móng dù họ không có kiến thức về địa chất hay xây dựng nhưng họ luôn đóng cọc tre để yên tâm về lâu dài. Nhiều nhà chỉ có 1 tầng nhưng cũng đóng cọc tre dù nền đất của nhà đó không phải là đất ao hồ hay đất lấp sông, suối…

Ở địa phận Cửa Bắc, nến đất vốn là đất tốt vì những nơi gần khu vực Pháp thuộc xây dựng, người Pháp cẩn thận thường chọn đất tốt, hơn nữa, nơi này lại gần nhà thờ Cửa Bắc – một công trình đồ sộ, lớn như vậy chắc chắn phải được xây trên nền đất tốt.

Mặc dù như thế nhưng khu vực phố cổ cũng là nơi có nhiều dòng kênh cổ lấp lại, do vậy, khi xây móng, người dân thường phải đóng cừ (kèo, cọc tre). Nhưng nhà số 43 Cửa Bắc xây vào thời kỳ kinh tế khó khăn khoảng thập kỷ 80, họ lại thi công móng rất nông (cạn).

Thêm vào đó, “nguyên nhân của vụ sập nhà cũng còn do lỗi của người thực hiện, vì nhà hàng xóm chỉ xin phép sửa chữa nhà nhưng lại phá đi làm lại từ móng (tức là xây mới), xin một đằng lại làm một nẻo” – ông Liêm nhận định.

Trước đó, theo nguồn tin từ Công an phường Trúc Bạch, qua xác minh, chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc là bà Nguyễn Thị Vân. Nhà bà Vân đã xin phép sửa chữa và có công văn 1123/UBND - QLĐT của phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình về việc chấp thuận khôi phục nhà cũ. Tuy nhiên, chủ ngôi nhà 41 Cửa Bắc lại tiến hành đào móng nên có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công trình nhà 43 Cửa Bắc.

Liên quan tới vụ sập ngôi nhà đang xây dựng ở số 96 Bạch Đằng (khu vực 3, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, Bình Định), làm 1 người chết, 7 người bị thương, theo TS.Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Nguyên nhân do giàn giáo quá yếu, khi đổ bê tông với diện tích sàn 50m2 quá nặng đã khiến cho sàn bê tông bị sập kéo theo cốt pha tụt xuống và đổ.

Sập dàn giáo ở Bình Định khiến 1 người chết. Ảnh: Vietnamnet. 

Qua sự việc này, ông cũng khuyến cáo: chủ nhà và các nhà thầu trước khi thi công các công trình có đổ bê tông thì phải kiểm tra kỹ lưỡng giàn giáo, nếu an toàn mới được thi công.

Thêm vào đó, “khi xây nhà 5 – 6 tầng trong phố, người dân thường không thuê công ty xây dựng mà thuê cai thầu, thợ xây tư nhân (vốn là thợ nông nhàn ở nhà quê ra), những người này thi công chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, không có đào tạo thực tế. Vì vậy, các gia chủ không nên gửi một tài sản lớn cho những người thợ xây như vậy” – ông Liêm nhắn nhủ.

Mặt khác, cũng theo ông Liêm, để tránh những tai nạn trong thi công xảy ra, các cơ quan chức năng quản lý của nhà nước cần giám sát một cách chặt chẽ hơn.

“Ở những công trình xây dựng như thế, nếu thấy năng lực của nhà thầu không phù hợp với công trình, trong khi họ chỉ đủ trình độ làm nhà cấp 4 thôi nhưng lại làm nhà 2 – 3 tầng chẳng hạn, không đủ năng lực thì phải đình chỉ và nghiêm cấm ngay. Cơ quan quản lý chính quyền phải có giám sát nhất định, vì theo quy chuẩn, mỗi công trình đều phải yêu cầu có giấy phép năng lực xây dựng công trình nhất định” – chuyên gia Phạm Sỹ Liêm bày tỏ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang