TS. Phan Đức Hiếu: Cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế

author 06:59 16/10/2019

(VietQ.vn) - TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh, sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhắm đến mục tiêu rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của OECD hay Basel.

Luật Doanh nghiệp là đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động các doanh nghiệp nói riêng. Trong những năm qua, đạo luật này đã liên tục được hoàn thiện phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh trong từng thời kỳ.

Sau 4 năm thi hành, đạo luật này đã đi vào cuộc sống, khẳng định tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65-70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua. Cho đến nay, có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, luật này cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các Nghị quyết của Đảng.

 TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh: Doãn Trung.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhắm đến mục tiêu rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của OECD hay Basel.

"Một ví dụ bảo vệ cổ đông, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của cổ đông. Chúng tôi đề xuất cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục hiện nay. Khi chúng tôi đưa ra ý kiến này thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay, người ta lo sợ cổ đông vào quấy phá công ty", ông Hiếu cho hay.

Ông Hiếu nhấn mạnh thêm: "Tuy nhiên nếu muốn tăng cường khả năng quản trị dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể giữ tư duy thế này được. Ví dụ như ở Nhật Bản chỉ cần 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp. Ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%.

Do đó chúng tôi thấy mức 1% là hợp lý. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát với hơn 300 doanh nghiệp trên sàn HoSE, và kết luận rằng 1% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là rất lớn, và không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình liên quan đến 1% cổ phần để quấy phá doanh nghiệp cả".

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom cho hay, việc minh bạch tài chính và báo cáo cổ đông rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quản trị doanh nghiệp, việc quản lý chuyên nghiệp và bảo vệ bí mật kinh doanh rất quan trọng. Nếu không suy nghĩ cẩn thận thì đối thủ cạnh tranh sẽ mua 1% và gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ông Việt cho biết, hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn mắc bệnh báo cáo và giấy tờ rất nhiều. “Tôi có đầu tư 1 doanh nghiệp đặt tại Singapore, họ nói với tôi rằng chỉ cần giải thích cho cổ đông chứ không cần quan tâm đến hóa đơn tài chính. Tôi thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả với hóa đơn và các loại giấy tờ”, ông Việt nói.

GS. Nguyễn Mại: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư(VietQ.vn) - GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang