Nguyên Phó tổng giám đốc VTV: 'Phí BOT thực sự là gánh nặng của người dân'

authorHoàng Nguyên 14:25 31/05/2016

(VietQ.vn) - Ông Trần Đăng Tuấn: “Lựa chọn của người dân đang bị thu hẹp và sẽ còn bị thu hẹp! Khi trạm thu phí BOT cũ chấm dứt, trạm thu phí mới sẽ hoạt động”.

Nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri đánh giá vai trò quản lý nhà nước đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT, ngày 30/5, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức toạ đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề "Chính sách pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT".

Trong vai trò người tham gia giao thông, TS Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã đặt ra hàng loạt câu hỏi và trao đổi thẳng thắn cùng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về phí BOT.

 Ông Trần Đăng Tuấn

Ông Tuấn trích dẫn một số ý kiến của người dân không đồng tình khi cho rằng, các tuyến đường giao thông huyết mạch phải do nhà nước làm bằng tiền thuế và không được thu phí.

Người dân phải được quyền chọn lựa đi đường quốc lộ hoặc đường BOT. Tuy nhiên hiện nay, thực tế có rất ít tuyến đường BOT song song với đường quốc lộ dẫn tới xu hướng ép buộc người dân phải trả phí để sử dụng đường BOT khiến sự lựa chọn đang bị thu hẹp.

Đề cập đến quy định số vốn 10- 15% nhà đầu tư cần có, ông Tuấn đặt câu hỏi: "Vậy nhà đầu tư có nộp số vốn này ra trước trong một tài khoản nào đó để sử dụng vào công trình không? Có hay không chuyện đội giá dự án BOT lên gấp 1,5 lần? Có chuyện thu phí ở đường cũ, cầu cũ để bù cho việc thu phí ở đường mới, cầu mới không?”.

 Vừa dừng trạm thu phí Phả Lại, đã xuất hiện trạm thu phí Hà Nội - Bắc Giang. "Chạy đâu cũng không thoát".

Giải thích về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Bộ GTVT luôn đưa ra các lựa chọn cho người dân, người dân có thể đi đường cao tốc, có thể không. Nếu đi đường cao tốc, người dân phải trả phí cao hơn. Ví dụ, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ song song với Quốc lộ 1, nếu người dân không đi tuyến cao tốc này thì vẫn có thể đi Quốc lộ 1 không mất phí.

Ngoài ra, đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng song song với Quốc lộ 5, đáng lẽ ra Quốc lộ 5 phải miễn phí cho người dân nhưng vẫn đang thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được làm mới hoàn toàn thu phí là đúng, nhưng đường 5 cũ xuống cấp trong khi ngân sách để đầu tư sửa chữa và làm mới con đường này không có, vì thế việc nâng cấp đường 5 cũng phải tiến hành bằng hình thức BOT và phải thu phí để hoàn vốn.

Về việc “thu cũ bù mới”, theo ông Trường đây cũng là một giải pháp và có thể chấp nhận được. “Nếu chúng ta chỉ thu ở đường BOT không thì xe sẽ đi vào đường không thu phí. Như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng đầu tư đường mới. Do đó, Nhà nước đưa ra giải pháp là cho phép đầu tư nâng cấp cả tuyến cũ, đồng thời xây dựng tuyến mới. Khoản tiền thu đó sẽ được chia đều cho cả 2 tuyến đường. Tuy thu hai bên nhưng tiền chỉ tương đương với thu một bên”, ông Trường nói.

Với mức phí trên Quốc lộ 5, ông Trường cho biết là do Bộ Tài chính quyết định căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân từng thời điểm. Từ mức phí 10.000 đồng/lượt những năm 2000 tương ứng với thu nhập bình quân 500 USD/năm. "Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nước ta vào khoảng 2.000 USD/năm nên mức phí tăng lên khoảng từ 3 – 3,5 lần (khoảng 35.000 đồng/lượt) là đã tính đến mức thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp, không phải mức trung bình cao, bởi nếu ở mức cao theo như Bộ Tài chính quy định thì mức phí trên Quốc lộ 5 phải là 52.000 đồng/lượt", ông Trường nói.

“Như vậy ở đây không có sự lựa chọn của người dân là đúng, nhưng sự lựa chọn của người dân ở mức phí rất hợp lý, tức là chỉ phải bỏ ra một mức phí rất thấp. Ví dụ ở Quốc lộ 5 mức phí chỉ vào khoảng từ 0,5 – 0,7 so với mức phí Bộ Tài chính đưa ra để cho thấy mức phí này đã được tính toán phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích thêm.

Sau phần trả lời trên, ông Trần Đăng Tuấn nhìn nhận: Đúng là khả năng lựa chọn của người dân đang bị thu hẹp và sẽ còn bị thu hẹp! Khi trạm thu phí cũ chấm dứt, trạm thu phí mới sẽ hoạt động. “Chúng ta không thể nói phí đó không phải gánh nặng nữa mà nó là gánh nặng thực sự. Điều cốt lõi tại các dự án BOT chính là sự rõ ràng, minh bạch về thông tin. Thông tin càng rõ ràng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”, ông Trần Đăng Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Giao thông: ‘Không muốn mất phí, có thể đi đường khác’(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Giao thông nói như vậy trước bức xúc của tài xế, vì trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Bình, chiều dài 100 km nhưng có đến 4 trạm thu phí.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang