TS Trịnh Hòa Bình: Chưa nên làm mạng xã hội thanh niên

author 08:01 25/05/2013

(VietQ.vn) - Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, có thể tận dụng một mạng nào đó có sẵn rồi đưa nội dung, thổi hồn và cái tinh thần mới vào đấy chứ không nhất thiết phải xây dựng mới.

“Lợi khí” để tập hợp thanh niên

Xung quanh việc có nên bỏ ra 200 triệu USD để xây dựng mạng xã hội (MXH) cho thanh niên là rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Một số cho rằng việc phát triển MXH trong nước là một nhu cầu tất yếu để thu hút, tập hợp thanh niên trong thời kỳ mới, khi mà công nghệ thông tin lên ngôi, sự liên kết, gắn bó cộng đồng đang được tính bằng từng cái click chuột.

Số khác lại cho rằng việc đầu tư một số tiền lớn để xây dựng MXH thanh niên hiện nay là việc làm liều lĩnh và chưa thực sự cần thiết. Họ bày tỏ quan ngại, MXH thanh niên liệu có đủ sức hấp dẫn cộng đồng để vượt qua được các MXH khác hiện nay. Bởi thực tế đã chứng minh, trước sức mạnh của “gã khổng lồ” Facebook - MXH hiện đang có số lượng người dùng đông đảo nhất VN, nhiều MXH ra đời trước đã phải trì hoãn việc “chạy đua” bằng cách tránh cạnh tranh trực tiếp với Facebook mà chuyển sang các phương thức an toàn hơn để “câu” người dùng: chia sẻ tin tức, giải trí, giáo dục...

Trước vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, việc xây dựng MXH thanh niên là cần thiết vì MXH cũng là một môi trường thuận lợi để tăng cường vốn kiến thức, hiệu quả giao tiếp, liên kết, giao lưu giữa thanh niên. Trong thời kỳ mới, với sự lên ngôi của CNTT thì MXH cũng như một lợi khí để chúng ta tập hợp, vận động quần chúng thanh niên.

MXH thanh niên được hi vọng sẽ là vũ khí lợi hại để tập hợp thanh niên trong kỷ nguyên CNTT
MXH thanh niên được hi vọng sẽ là vũ khí lợi hại để tập hợp thanh niên trong kỷ nguyên CNTT

Theo ông, bất kỳ vấn đề gì cũng đều có tính hai mặt và việc xây dựng MXH thanh niên cũng không phải ngoại lệ. Cho đến nay, hầu hết mọi người khi bàn về vai trò của MXH đối với giới trẻ thì mới chỉ khai thác chủ yếu trên bình diện những mặt hạn chế và hệ lụy của nó. Còn những mặt tốt ẩn đằng sau như việc tổ chức, kêu gọi, tập hợp quần chúng thanh niên để hành động vì nghĩa thì mọi người cho rằng “chưa thấy đâu”.

Ông Bình cũng cho rằng cho dù mang màu sắc tích cực hay tiêu cực thì vẫn phải khẳng định, hiện MXH đang chiếm giữ vị thế quan trọng trong xã hội thời hiện đại và những người lam quản lý phải nắm lấy nó để phục vụ cho mình. “Nên thấy rằng chúng ta không có cách nào để dẹp bỏ MXH. Trừ khi chúng ta diệt bỏ hoàn toàn Internet thì mới không có MXH. Vì vậy, kể cả trong bối cảnh các thế lực xấu tận dụng các MXH để tuyên truyền, chống phá đất nước thì trên chính cái trang mạng đó chúng ta cũng phải tuyên truyền để chống lại chúng. Tôi tạm gọi là cuộc đấu tranh trên trận địa tư tưởng nhưng sử dụng các tiện ích của CNTT để giành giật lại quần chúng và trái tim khối óc của cộng đồng”, ông nhấn mạnh.

Liệu có gây thiệt hại?

Một vấn đề được nhiều người lo lắng là MXH là một môi trường mở. Khi đã xây dựng MXH thanh niên, nếu quản lý chặt chẽ quá thì chắc chắn sẽ không thu hút được người dùng vì người trẻ luôn hướng tới những tiện ích tự do và thoải mái. Còn nếu buông lỏng quản lý thì MXH thanh niên rất có thể sẽ phản tác dụng khi nó chính là môi trường phát tán hàng loạt các thông tin nhiễu, loạn. Đặc biệt, số tiền 200 triệu USD không hề nhỏ.

Trước đó, MXH Go.vn đã là bước thử nghiệm đầu tiên trong việc xây dựng MXH của người Việt. Thế nhưng sau vài năm hoạt động, do không thể cạnh tranh nổi với Facebook và hàng loạt các MXH khác, Go.vn đã phải chuyển hướng từ một MXH dựa trên tính kết nối bạn bè như Facebook sang nội dung giáo dục, phim, nhạc, truyền hình. Bài học của Go.vn vẫn đang hiện diện nên càng khiến nhiều người lo sợ về tính khả thi của bản đề án xây dựng MXh cho thanh niên. 200 triệu USD là số tiền lớn. Nếu “ngốn” tiền nhưng thất bại thì sẽ tốn kém rất nhiều chi phí của Nhà nước.

xây dựng MXH cho thanh niên là cần thiết song việc tổ chức, quản lý lại là cả một câu chuyện khác
Xây dựng MXH cho thanh niên là cần thiết song việc tổ chức, quản lý lại là cả một câu chuyện khác

Tuy nhiên, theo ông Bình, một MXH do bất cứ giới nào, tổ chức nào thành lập ra mà trong đó chỉ toàn giới thiệu những điều sơ cứng, trói buộc nặng nề, bảo thủ thì cộng đồng sẽ không sử dụng mạng đó nhiều. Rút bài học từ những người đi trước, cụ thể là Go.vn thì có thể thấy xây dựng MXH cho thanh niên là cần thiết song việc tổ chức, quản lý lại là cả một câu chuyện khác. Ông nói: “Chúng ta không thể sợ lãng phí tiền của mà không dám xây dựng. Cái quan trọng là ý nghĩa thiết thực của nó, làm sao để tập hợp được thanh niên mới là trọng tâm”.

Cũng theo ông Bình, với tình hình hiện nay, chúng ta có thể chưa vội xây dựng MXH cho thanh niên, thay vào đó là tận dụng một mạng nào đó sẵn có rồi đưa nội dung, thổi hồn và cái tinh thần mới vào đấy sao cho ra đúng cái chất thanh niên là được.

Ông cho rằng, để MXH thanh niên thành công thì vấn đề tiên quyết là phải nắm vững kỹ thuật, quản lý và an ninh mạng tốt. Bên cạnh đó, tinh thần sáng tạo, đổi mới và tìm ra được những người trẻ nhiệt tâm, quên mình cho sự nghiệp. Việc tổ chức, quản lý MXH thanh niên phụ thuộc vào cả cộng đồng chứ không riêng gì một cá nhân nào. Đó cũng chính là bài toán không chỉ đặt ra với Đoàn Thành niên, thế hệ trẻ mà ngay cả các cấp lãnh đạo cũng cần quan tâm đến.

Thanh Thu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang