TS. Võ Trí Thành: Phải ‘chơi thật’ nếu muốn hội nhập kinh tế cùng thế giới

authorNgọc Xen 06:55 16/03/2019

(VietQ.vn) - "Hội nhập là bạn phải chơi thật, phải phát triển kinh tế bền vững", TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định.

"Câu chuyện ở đây không phải chỉ riêng kinh tế tư nhân mà nó là câu chuyện kinh tế Việt Nam. Chúng ta không chỉ đặt ra câu hỏi rằng phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển, mà còn đặt ra vấn đề về chính sách. Điều hôm nay tôi chia sẻ gắn với từ ‘xây mới’...", đó là lời khẳng định của TS. Võ Trí Thành khi trao đổi tại Diễn đàn "Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019".

 TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

"Xây mới...”

Tôi dùng cụm từ “tư nhân chính là chúng ta’, chính là người Việt, đó là hàng triệu hộ gia đình, là hơn 700.000 nghìn doanh nghiệp, là hàng nghìn startup và rất nhiều hoạt động kinh tế tư nhân mà chúng ta chưa thống kê được hết...

Theo tôi, điều quan trọng nhất bây giờ chính là cả chính sách và doanh nghiệp phải hướng đến cái mới. Khi hướng đến cái mới, chúng ta không chỉ bắt kịp với những nước đi trước mà còn có cơ hội để đi cùng với thế giới. Lí do rất đơn giản là vì: Trước kia chúng ta không biết rất nhiều điều thì thế giới lại biết; Chúng ta biết ‘đôi điều’ thì thế giới lại biết ‘nhiều điều’. Gần như không có điều gì chúng ta biết mà thế giới lại không biết nên chúng ta thua và luôn cố gắng bắt kịp.

Thế nhưng, có rất nhiều điều chúng ta không biết và thế giới cũng không biết nên ta có thể đi cùng. Trên thế giới chưa có thông lệ tốt nhất để Việt Nam học tập. Nếu chúng ta làm và làm tốt, thì việc Việt Nam trở thành nước có thông lệ tốt nhất cũng không nằm ngoài khả năng.

“Chơi thật...”

Thế giới đã, đang và sẽ thay đổi theo 4 vấn đề lớn: Hội nhập, liên kết kinh tế sâu rộng; CMCN 4.0 (số hóa + hơn thế nữa); Phát triển bền vững và cuộc cách mạng tiêu dùng do tầng lớp trung lưu đang dẫn dắt; Cuối cùng là sự bất định, rủi ro gia tăng.

Về hội nhập chính là dịch chuyển nguồn lực rất nhanh (vốn, lao động, công nghệ, thông tin) thuận lợi hơn với chi phí giảm mạnh. Nghĩa là, đừng bao giờ tư duy ‘ta có cái gì để đạt được mục tiêu’ bởi nguồn lực là cả thế giới. Nguồn lực càng chất lượng, càng dễ dịch chuyển. Hội nhập là ‘bạn phải chơi thật’, phải phát triển bền vững.

Về CMCN 4.0 – chất xúc tác cho kinh doanh, startup mà cốt lõi chính là số hóa. CMCN 4.0 là nguồn vô tận cho sáng tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng xu hướng thị trường và cách mạng; Là đòi hỏi, áp lực thay đổi kỹ năng và cả thị trường lao động; Nền tảng mới trong nâng cao khả năng và chất lượng quản trị doanh nghiệp. CMCN 4.0 còn chính là thời của cải tổ, tái cấu trúc doanh nghiệp. Chúng ta phải ‘tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại’; Ưu tiên và tận dụng nguồn lực...

Mẫu hình quản trị truyền thống: tuyến tính, tốn kém hiệu quả và theo cách tiếp cận trên – dưới. Giờ đây, với CMCN 4.0, chúng ta phải: Nhanh – tốc độ phải bắt kịp với chuyển dịch công nghệ; Lanh lợi – Đủ linh hoạt phản ứng trước thay đổi mà không sao lãng mục tiêu tổng thể và giá trị chung đặt ra; Bao trùm nhiều bên liên quan – Quan điểm và đóng góp ý kiến của các bên liên quan; Thí điểm và làm lại – Học hỏi kinh nghiệm, cách tiếp cận dưới – trên.

Về phát triển bền vững và cách mạng tiêu dùng, thì trong tư duy phát triển, chúng ta phải lấy con người là trung tâm. Hiện, ý thức ‘xanh’ nổi lên rất mạnh mẽ, vậy nên sản xuất kinh doanh không được mâu thuẫn mà phải hài hòa với sự thân thiện môi trường. Trong đó, năng lực cạnh tranh chính là việc tạo dựng giáo trị về hiệu quả, xã hội và môi trường.

Cuối cùng, về ứng phó với bất định, rủi ro. Nguyên tắc chính là biến cái ‘bất định’ thành cái ‘xác định’. Doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tỷ giá; Tận dụng bảo hiểm; Nhận thức pháp lý và hiểu biết cơ chế, quy trình xử lý tranh chấp. Đặc biệt, cần thu nhận, phân tích thông tin, đánh giá các loại hình rủi ro (dành nguồn lực tốt nhất có thể): Nếu là cú sốc nhất thời cần phải điều chỉnh bộ phận, nếu là cú sốc lâu dài cần phải điều chỉnh chiến lược...

TS. Trần Đình Thiên: Cơ chế 'xin - cho' - rào cản ngăn kinh tế tư nhân phát triển(VietQ.vn) - Cơ chế “xin – cho”, bình quân, hay việc áp dụng quá lâu hệ thống khuyến khích ngược trong khi vẫn muốn phát triển kinh tế thị trường là một trong những rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển.

Ngọc Xen 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang