TS. Võ Trí Thành: 'Việt Nam có đủ mọi yếu tố để trở thành thỏi nam châm hấp dẫn'

author 14:06 20/11/2020

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi mạnh, Việt Nam có đủ mọi yếu tố để trở thành một thỏi nam châm hấp dẫn với nhều lợi thế như chi phí lao động rẻ, cạnh tranh.

TS. Võ Trí Thành (Ảnh: Thương Gia Online)

Trình bày tại “Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần 4 (2020): Chiến lược đầu tư thời COVID-19”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, đại dịch COVID-19 như 1 cơn bão tàn phá, đã làm đảo lộn mọi khía cạnh đời sống con người, gây ra nhiều hệ luỵ với thế giới và làm kinh tế suy thoái nặng nề, 1/4 việc làm bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình trệ, chuỗi giá trị đứt gãy.

COVID-19 khiến chúng ta tư duy và thiết kế lại những xu thế lớn của thế giới. Cụ thể, đó là sự chi phối dài hạn đến các thoả thuận thương mại tự do và chính trị, kinh tế. COVID-19 cũng như chất xúc tác cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ số. Đô thị hoá và cách mạng tiêu dùng: Xanh, an toàn, nhân văn, cá tính.

“Sự dịch chuyển mạng sản xuất/chuỗi giá trị toàn cầu GVSs: Lợi thế so sánh theo chi phí lao động, vận chuyển và cả tiện ích dịch vụ kết nối. Xử lý thông tin, dữ liệu cùng dịch chuyển tài năng, công nghệ lõi và vai trò hàng hoá chiến lược (mặt hàng khẩu trang...). Đối tác tin cậy; Tài chính-tiền tệ: Fintech, tiền kỹ thuật số và vị thế của USD; Biến đổi khí hậu: Năng lượng mới và cạnh tranh nguồn lực. Xét tất cả các yếu tố trên Việt Nam thực sự là một thỏi nam châm”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

COVID-19 đã tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam bởi nỗ lực chống dịch (chi phí chống dịch, chi phí cơ hội) và phải thực thi “giãn cách xã hội”. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu thay đổi mạnh, Việt Nam có đủ mọi yếu tố để trở thành một thỏi nam châm hấp dẫn với nhều lợi thế như chi phí lao động rẻ, cạnh tranh. “Chúng ta có các đối tác tốt từ Đông Á, EU, Bắc Mỹ… Trong đó, có 50 – 60 nước là các đối tác chiến lược, toàn diện với Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Thành khẳng định.

Dẫu vậy, nhiều khía cạnh nền kinh tế Việt chịu tác động không nhỏ từ COVID-19. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2020, có 30,8 triệu lao động chịu ảnh hưởng xấu như mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đến đợt dịch lần 2 con số đó lại tăng thêm 5 triệu lao động.

Còn số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 9/2020, hơn 153 nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong đó có tới 83,7% bị tác động tiêu cực. Theo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tính đến đầu tháng 9 có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong đó, 2% bị phá sản, 20% tạm dừng sản xuất kinh doanh; 76% có vấn đề về dòng tiền.

Để đạt được những điều này là sự nỗ lực của Chính phủ khi kịp thời, quyết liệt và chủ động cả trong việc chống dịch với chi phí thấp và ban hành những chính sách hỗ trợ: Chỉ thị 11; Nghị quyết 42… trong tháng 3, tháng 4. Để rồi khi khống chế được dịch thì kịp thời “mở cửa lại” kinh tế và đây là biện pháp quan trọng nhất giúp sản xuất kinh doanh duy trì, cầm cự và có thể phục hồi.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng duy trì và không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô. Luôn bám sát tình hình, lắng nghe doanh nghiệp, xây dựng các kịch bản khác nhau, kể cả xấu nhất, để có phương án xử lý thích hợp nhất có thể.

Cụ thể, về giải pháp an sinh xã hội, Chính phủ đã giải ngân 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu lao động. Về giải pháp tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành 4 lần (2-2,5%). Cùng với đó, ngân hàng thương mại cũng giãn, hoãn, khoanh nợ (khoảng 2,3 triệu tỷ đồng), thêm vào đó là gói tín dụng hơn 700.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0,5-2,5 điểm % và giảm phí dịch vụ.

Bên cạnh đó, còn có chính sách giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất (phủ 98% số doanh nghiệp và giá trị 180.000 tỷ đồng), miễn giảm một số thuế phí; đẩy nhanh giải ngân vốn chưa “tiêu” năm 2019 và vốn kế hoạch 2020, 700 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là giải pháp truyền thông, minh bạch thông tin, cải cách hành chính, hoàn thiện Chính phủ điện tử, nhất là các cổng dịch vụ.

Một số điểm sáng nổi bật khác là dự trữ ngoại tệ cuối năm 2020 có thể là 100 tỷ USD, cán cân thanh toán tốt, riêng với Mỹ là đương 40 tỷ USD. Ngoài ra, “Ngân hàng đã có thể ra khỏi bệnh viện, có thể xanh xao chút nhưng đỡ hơn”, ông dí dỏm nói.

TS. Võ Trí Thành cũng đưa ra nhận định về những bước đi tiếp theo của Chính phủ. Quan trọng nhất vẫn là khống chế dịch một cách hiệu quả. Không những thế, đó còn là tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí, giảm thuế, phí cùng hỗ trợ một số công ty và tập đoàn lớn, lắng nghe doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng những lợi thế và phải biết nhìn ra xu thế để nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng phải đúng chuẩn mức, đúng tiêu chuẩn và phát lý. Phải nâng cao tinh thần hợp tác giữa với các doanh nghiệp, đối tác khác; cần phải sáng tạo, chuyển động cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để có những sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng; những kỹ năng và phương thức sản xuất kinh doanh “thông minh hoá” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, “tối ưu hoá” chuỗi cung ứng, tối ưu hoá tương tác. Xây dựng thương hiệu, trách nhiệm xã hội.

Về ngắn hạn, lãi suất giảm, thông tin dịch bệnh cùng với kỳ vọng phục hồi sẽ làm tăng đầu cơ và tâm lý đám đông. Về dài hạn hơn (khi kinh tế thực sự đi vào phục hồi), thị trường theo dòng thông tin các nền tảng cơ bản như việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường minh bạch và chống gian lận; cung “hàng hoá” (cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…).

Nói về việc thị trường cổ phiếu Việt Nam đang tăng trưởng mạnh dù nền kinh tế Việt ảnh hưởng bởi COVID-19, ông Thành nhận định một trong các nguyên nhân đến từ việc hàng trăm ngàn nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán. Số liệu từ HNX cho thấy, đã có gần 200.000 tài khoản mới mở, qua đó tạo thanh khoản mạnh cho thị trường.  

“Dù vậy, khi thị trường chứng khoán đã hồi phục, người ta sẽ nhìn về các vấn đề nền tảng như vĩ mô hay khi nào Việt Nam lên thị trường mới nổi”, ông Thành nhận định.

Còn thị trường trái phiếu cũng đã tăng dung lượng và tính thanh khoản. Trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ bước đầu tạo đường cong lãi suất; thị trường trái phiếu doanh nghiệp có bước tiến đáng kể trong 3 năm qua. Trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn trái phiếu Chính phủ. Ở Việt Nam trái phiếu là vấn đề nền tảng.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều nền tảng cơ bản chưa hoàn thiện như khung khổ pháp lý, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, hiệu lực tư pháp, tổ chức định mức tín nhiệm, sự phát triển các định chế như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý; trình tự và thủ tục được kiểm soát chặt chẽ hơn nhất là trong cấp phép và tạm dừng dự án; ở việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai (Giấy phép mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất…); thông tin (tính đầy đủ và minh bạch); xử lý tranh chấp…

“Thời của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ; cẩn trọng với đòn bẩy tài chính, mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kì vọng vào đòn bẩy tài chính; kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh; sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn”, TS. Võ Trí Thành đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư.

Theo Nhà đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang