TS. Vũ Đình Ánh dự đoán tỷ giá hối đoái năm 2013

author 15:58 24/01/2013

(VietQ.vn) - "Nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc chúng ta giữ được ổn định tỷ giá hối đoái đó là chúng ta có được thặng dư thương mại trong năm 2012. Sang năm 2013 chắc chắn là khó có thể đạt được điều này" T.S Ánh phân tích

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc chúng ta giữ được ổn định tỷ giá hối đoái đó là chúng ta có được thặng dư thương mại trong năm 2012. Sang năm 2013 chắc chắn là khó có thể đạt được điều này, bởi vì tôi cho rằng cuối năm 2011 chúng ta đặt kế hoạch năm 2012 cỡ vào khoảng tầm 10 tỷ tức là cũng xấp xỉ như năm 2011... đó là chia sẻ của TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế trao đổi với báo giới về vấn đề mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2013.

Thưa ông có đánh giá tỷ giá năm 2012 đã giảm 0,96%, đặc biệt là sau 4 năm tăng liên tiếp, ông có ý kiến như thế nào về thông tin này?

Chúng ta có lạm phát quá cao, suốt từ những năm 2010 cho đến năm 2012 vừa qua. Rõ ràng việc lạm phát cao như vậy đã làm cho đồng Việt Nam mất giá trên thị trường trong nước và kéo theo đó là mất giá so với đồng đô la Mỹ.

Vấn đề thứ hai nữa là chúng ta có cơ chế điều hành thì đây cũng là lần đầu tiên khi mà cuối năm 2011 Thống đốc ngân hàng khẳng định duy trì tỷ giá ổn định trong năm 2012 và nếu có phá giá cũng không quá 3%. Tuy nhiên, chúng ta thấy đồng Việt Nam không những phá giá so với đồng đô la Mỹ tới 3% mà lên giá xấp xỉ tới 10%. Rõ ràng đây là một tác động khá tích cực, tôi cho rằng đây là một quan điểm điều hành và kéo theo đó là tỷ giá hối đoái liên ngân hàng của ngân hàng nhà nước đã được duy trì ổn định suốt từ cuối năm 2011 cho đến thời điểm hiện nay, đây là một tín hiệu khá tích cực cho việc điều hành tỷ giá hối đoái.

Thứ ba, có một điểm khá bất ngờ trong năm 2012 đó là con số thâm hụt thương mại cỡ 10 tỷ năm 2011. Trong năm 2012 thậm chí chúng ta có thặng dư thương mại xấp xỉ 800 triệu đô la Mỹ, điều đó tác động rất tích cực đến việc chúng ta cân bằng, thậm chí có thặng dư cán cân thanh toán tổng thể với trên 10 tỷ, gần như khôi phục lại mức cao của năm 2007 và năm 2008.

Đây cũng là một trong việc rất tích cực tạo ổn định tỷ giá hối đoái và diễn biến của xuất khẩu tăng 18,2% trong năm 2012 trong khi nhập khẩu chỉ tăng 6,6% trong năm 2012 thì cũng rất tốt trong việc cân bằng cung cầu về ngoại tệ kèm theo đó một con số chúng ta biết là 9 tỷ đô la thu hút kiều hối, do đó tôi cho rằng tỷ giá hối đoái rất là ổn định trong năm 2012 vừa qua có thể nói là một thành công đáng ghi nhận từ phía điều hành chính sách tiền tệ và là một kết quả tất yếu của việc chúng ta đã ở bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Vũ ĐÌnh Ánh cho rằng điểm then chốt quan trọng nhất trong ổn định tỷ giá hối đoái năm 2012 vừa qua liên quan đến cân đối cung cầu.

Thưa ông, nhìn lại thì chính sách nào đã góp phần làm giảm tỷ giá này?

Tôi cho rằng điểm then chốt quan trọng nhất trong ổn định tỷ giá hối đoái năm 2012 vừa qua liên quan đến cân đối cung cầu, rất là bất ngờ chúng ta đảo ngược thâm hụt thương mại cỡ khoảng 10 tỷ đô la mà chuyển sang thặng dư thương mại cỡ khoảng 1 tỷ đô la. Đây là quyết định tạo ra nền tảng vật chất, cơ sở ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2012 vừa qua.

Theo ông, những chính sách này tác động như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế?

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc chúng ta giữ được ổn định tỷ giá hối đoái đó là chúng ta có được thặng dư thương mại trong năm 2012. Sang năm 2013 chắc chắn là khó có thể đạt được điều này, bởi vì tôi cho rằng cuối năm 2011 chúng ta đặt kế hoạch năm 2012 cỡ vào khoảng tầm 10 tỷ tức là cũng xấp xỉ như năm 2011. Tuy nhiên tình thế đã đảo ngược và như vậy rõ ràng đây là sự đảo ngược chúng ta không lường trước được đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, liên quan đến tỷ giá hối đoái đó là cam kết từ phía Ngân hàng nhà nước(NHNN), mặc dù năm nay NHNN không có cam kết nhưng rõ ràng với cách điều hành tỷ giá hối đoái chúng ta duy trì tỷ giá hối đoái liên ngân hàng ổn định hơn 1 năm thì rõ ràng sẽ tạo ra tâm lý đồng thời cũng tạo ra thói quen thị trường.

Thứ ba nữa là trong năm 2012 mặc dù chúng ta cũng biết kinh tế Mỹ, Nhật, Trung Quốc cũng gặp những vấn đề về tăng trưởng thấp, rơi vào tình trạng suy thoái. Những biến động về tỷ giá hối thoái cũng chưa phải lớn, kéo theo đó những biến động liên quan tới hàng hóa vật liệu cơ bản trên thị trường thế giới trong năm 2012 chưa phải là lớn, tuy nhiên sang năm 2013 cũng có khá nhiều nhận xét, đánh giá thị trường kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí phức tạp hơn so với năm 2012, kéo theo đó xảy ra 2 tình trạng.

Một là, liên quan đến rủi ro tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Thứ hai nữa khá nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lạm phát toàn cầu khi mà rất nhiều nước đang áp dụng các biện pháp, các gói kích thích rất, có quy mô lớn, điều này tác động ngược lại khả năng ổn định tỷ giá hối đoái của chúng ta trong năm 2013.

Thưa ông, mục tiêu ổn định tỷ giá tác động như thế nào đến phát triển kinh tế trong năm 2013?

Trước tiên việc ổn định tỷ giá hối đoái nó như một tiền đề, một nền tảng, một cơ sở để chúng ta có thể ổn định nền kinh tế vĩ mô trong đó có vấn đề kiềm chế lạm phát trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt trong năm 2013.

Thứ hai là ổn định giá trị đối ngoại của đồng Việt Nam thông qua ổn định tỷ giá hối đoái sẽ hỗ trợ tích cực trong việc ổn định giá trị đối nội của đồng Việt Nam liên quan đến vấn đề về lạm phát.

Thứ ba nữa là ổn định tỷ giá hối đoái cũng hỗ trợ rất tích cho chúng ta trong vấn đề tín dụng, đồng thời chống lại sự đô la hóa, cũng như vàng hóa như cơ quan chức năng quản lý ngân hàng nhà nước đang lo ngại có biện pháp để phòng chống.

Thứ tư, sự tích cực trong ổn định tỷ giá hối đoái đó là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam bên cạnh việc họ được hưởng các hỗ trợ liên quan đến tín dụng, liên quan đến lãi suất thì ổn định tỷ giá hối đoái sẽ giúp cho họ hoạch định được kế hoạch sản xuất, kinh doanh một cách rõ ràng, bớt rủi ro hơn trong năm 2013.

Xin cảm ơn ông !

Thành Long

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang