TS. Vũ Tiến Lộc: Phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của tất cả doanh nghiệp

author 06:39 11/12/2020

(VietQ.vn) - Nhìn nhận thực tế ở Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn thừa nhận rằng, phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của tất cả các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2020, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chúng ta đang sống trong một thế giới và xã hội có tốc độ thay đổi vô cùng nhanh. Trong đó, COVID-19 chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi những biến đổi mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập niên tới đây. Do đó, chỉ các doanh nghiệp (DN) xây dựng và phát triển bền vững mới chống chịu tốt, thậm chí vươn lên bứt phá trong khó khăn.

Sau khi Chương trình nghị sự 2030 với trọng tâm là 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, VCCI lần đầu tiên giới thiệu đến cộng đồng DN Bộ chỉ số DN phát triển bền vững (CSI) và Chương trình đánh giá, công bố DN bền vững vào năm 2016.

Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019, Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững Khu vực DN tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, hay gần đây nhất là Nghị quyết 136/NQ-TTg ngày 25/09/2020, đều được lồng ghép yêu cầu về tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá, công bố DN bền vững và nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI của VCCI trong cộng đồng DN. 

Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế ở Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn thừa nhận rằng, phát triển bền vững vẫn chưa là xu thế chung của tất cả các DN. Nhìn chung, sự lan toả còn hẹp khi sự tham gia của DN chưa nhiều trong tổng số hơn 800 nghìn DN Việt Nam.

Chủ tịch VCCI phân tích, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu có thể còn gây ra những thiệt hại khủng khiếp hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong bối cảnh đó, DN cần nhìn nhận lại nội hàm của sự “bền vững”. Định hướng phát triển bền vững cần được thấm nhuần trong toàn bộ bộ máy DN, từ cấp lãnh đạo đến quản lý, và từng cá nhân người lao động.

“Những DN xây dựng và phát triển bền vững có khả năng chống chịu tốt hơn trước những tác động và thậm chí trong khó khăn đều đã có sự vươn lên bứt phá”, lãnh đạo VCCI nêu nhận định.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP 

Từ những phân tích trên, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, trước hết, các DN thay đổi tư duy kinh doanh, nhìn nhận phát triển bền vững như một con đường tất yếu và duy nhất giúp DN trụ vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam mở cửa hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Cần nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị DN. CSI không chỉ dừng lại ở con số 127 chỉ tiêu, mà trên hết, CSI giúp tất cả các DN – đặc biệt là DN vừa và nhỏ - hoạch định một lộ trình cụ thể để xây dựng chiến lược phát triển bền vững, sớm phát hiện những rủi ro cũng như những cơ hội kinh doanh mới, qua đó quản trị DN hiệu quả hơn theo định hướng phát triển bền vững.

Dưới góc độ quốc tế, ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD) cho rằng, thế giới đang trải qua một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức, khi đại dịch toàn cầu đã gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng y tế chưa từng có trong tiền lệ.

Những cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới, để đảm bảo một trạng thái bình thường mới có tính bao trùm và tự cường cho tất cả mọi người

Ông Peter Bakker đánh giá, Việt Nam đã khống chế những thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra một cách tuyệt vời. Đây chính là gương thành công và là mô hình cho các quốc gia khác học hỏi. Dù vậy, Việt Nam mà cụ thể là các DN Việt phải xây dựng các mục tiêu để phát triển bền vững trong tương lai.

"Nếu có thể thực sự phục hồi sau COVID-19 thì chúng ta không nên quay trở lại tình trạng cũ, thay vào đó, chúng ta cần xây dựng thế giới tốt hơn, giải quyết các lỗ hổng hệ thống nghiêm trọng đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua và thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai phía trước"- ông Peter Bakker khuyến nghị.

Lãnh đạo WBCSD cho rằng, giờ là thời điểm quan trọng nhất thể hiện được vai trò lãnh đạo dẫn dắt của chủ DN. Việc đầu tiên phải đảm bảo sức khoẻ của nhân viên và khách hàng; thứ hai là tập trung xây dựng lộ trình trở về “trạng thái bình thường mới” với các kế hoạch phục hồi kinh doanh; thứ ba, là tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra một thế giới bền vững hơn giữa các bên liên quan.

"Nếu không tạo ra sự thay đổi để thực hiện được 3 điều trên thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quan trọng để tạo ra những thay đổi cần thiết, phản ánh tính kết nối của thế giới và các hệ thống hiện hữu" - ông Peter Bakker nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của DN, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, không có mục tiêu nào của phát triển bền vững được thực hiện nếu không có sự tham gia của cộng động DN. Vai trò của DN là vô cùng to lớn. Vì khu vực DN là “xương sống” của nền kinh tế, giúp xoá đói giảm nghèo, 90% việc làm được tạo ra từ các DN; thậm chí những sáng kiến, đổi mới sáng tạo để ứng phó tốt hơn với những gì đang xảy ra hiện nay như dịch bệnh COVID-19 cũng phải từ DN.

Về phía các DN, đại diện UNDP cho rằng phải hành động để phát triển bền vững mà nêu cụm từ “Do No Harm” tức là các DN không gây ra những tổn hại cho môi trường; DN phải gắn kết với các tiêu chí bền vững được đưa ra. Những tiêu chí môi trường xã hội, quản trị phải hướng hành vi tiêu dùng tới phát triển bền vững, phát triển toàn diện và bao trùm.

Dưới góc độ vĩ mô, bà Caitlin Wiesen cho rằng, Chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi về chính sách và pháp luật cho DN. Thiết kế các gói hỗ trợ, công cụ hỗ trợ tạo điều kiện để DN thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời, cần có sự phối hợp với tổ chức chính phủ, phi Chính phủ và các tổ chức khác để phát triển tạo thế chân kiềng để phát triển bền vững hơn.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang