Từ 15/5: Mũ giả mạo mũ bảo hiểm sẽ bị dẹp bỏ

author 14:02 06/05/2013

(VietQ.vn) - Thông tư liên tịch “Quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy” được 4 Bộ ban hành mới đây khẳng định một lần nữa việc thắt chặt quản lý MBH nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất chân chính và NTD ở mức cao hơn.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng MBH

Theo thông tư, MBH cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy đội khi tham gia giao thông  phải có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động và quai đeo. Bên cạnh đó, MBH phải có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu theo QCVN 2:2008/BKHCN như độ dài của lưỡi trai không quá 70mm, vành cứng không được nhô quá 20mm. Như vậy, các loại mũ chỉ có hai lớp nhựa bên ngoài và lớp vải lót bên trong mũ có quai cài sẽ không được gọi là MBH.
 
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy tập trung vào đối tượng là các loại mũ giả mạo MBH.
 
Hiện nay trên thị trường còn tồn tại nhiều loại mũ được gọi là MBH không đảm bảo tiêu chuẩn được người dân mua và sử dụng khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nên loại mặt hàng này vẫn được bán tràn lan trong các của hàng, trên các vỉa hè.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ
Mũ bảo hiểm kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2012 có 62 doanh nghiệp sản xuất MBH và 7 doanh nghiệp nhập khẩu đã được các tổ chức chứng nhận thực hiện chứng nhận phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN. So với năm 2007, con số này đã tụt giảm đáng kể mà nguyên nhân là các nhà sản xuất và nhập khẩu MBH không thể “chống đỡ” nổi với loại MBH giả mạo tràn ngập trên thị trường với giá chỉ rẻ bằng 1 nửa, thậm chí là bằng 1/3 giá của nhà sản xuất.
 
Bên cạnh đó, chất lượng các loại mũ này đang là vấn đề đáng báo động, nó liên quan trực tiếp đến những vụ tai nạn thương tích như tăng tỷ lệ chấn thương sọ não trong các vụ tai nạn giao thông.
 
Liên quan đến vấn đề chất lượng MBH, ông Trần Văn Vinh cho biết, trong thông tư liên tịch mới ban hành các tổ chức, cá nhân sản xuất và nhập khẩu MBH phải thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu CR và ghi nhãn hàng hóa đối với MBH do mình sản xuất trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. “Đồng thời, các cá nhân, tổ chức sản xuất  và nhập khẩu MBH phải chịu trách nhiệm chất lượng đối với MBH do mình sản xuất và nhập khẩu và phải có hợp đồng khi cung cấp MBH cho các đại lý. Còn đối với các cơ sở kinh doanh MBH thì phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ giấy tờ liên quan đến chứng nhận chất lượng và phải ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định”, ông Vinh nói.
 
MBH đạt chuẩn phải được ghi nhãn rõ ràng
 
Trước những băn khoăn của người tiêu dùng về việc nhận biết đâu là MBH giả, đâu là MBH thật. Ông Vinh cho biết, MBH đạt chuẩn phải được ghi nhãn rõ ràng, ngoài việc phải có đầy đủ 3 bộ phận như đã đề cập thì việc nhận biết  bằng cảm quan thông qua việc ghi nhãn trên hàng hóa. “Tổ chức cá nhân nhập khẩu-  sản xuất và kinh doanh MBH  phải ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, bao gồm  tem CR, tên địa chỉ cơ sở sản xuất hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân phối, cỡ mũ, tháng năm sản xuất. Đặc biệt, nhãn hàng hóa rách nát, mờ nhạt không đọc được nội dung, nhãn bị che lấp, nhãn không đọc được, mũ không có nhãn sẽ bị xử phạt.”, Ông Vinh cho biết.
 
Trước tình trạng người tiêu dùng mua và sử dụng các loại mũ giả mạo thay cho MBH tràn lan như thời gian vừa qua. Thông tư liên tịch cũng quy định rõ, nếu nhà sản xuất- nhập khẩu và kinh doanh MBH giả mạo về giá trị sử dụng, công dụng, chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa gây hiểu lệch cho người tiêu dùng cũng sẽ bị xử lý.
Thượng tá Luyện trao đổi với PV
Thượng tá Luyện trao đổi với PV về cách nhận biết mũ bảo hiểm xịn, giả
 
Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, hầu hết đơn vị kinh doanh mũ bảo hiểm và mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm đều có lỗi vi phạm hành chính. Trong số 69.245 chiếc mũ được kiểm tra thì hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
 
Các hành vi vi phạm khác bao gồm: vi phạm về đăng ký kinh doanh, không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh theo quy định, không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không ghi nhãn, ghi nhãn không đầy đủ, không ghi nhãn phụ. Hình thức kinh doanh chủ yếu của các cơ sở kinh doanh là trưng bày lẫn lộn giữa mũ bảo hiểm thật, đạt chất lượng với mũ có kiểu dáng giống MBH kém chất lượng để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn mua mũ có kiểu dáng giống MBH kém chất lượng để tham gia giao thông.
 
Người tiêu dùng đồng tình cao
 
Ông Hùng cũng cho biết, qua công tác kiểm tra xử lý của lực lượng quản lý thị trường và qua các đợt đổi MBH có trợ giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với hơn 40.000 mũ bảo hiểm cho thấy ý thức của người dân trong việc mua mũ đạt chuẩn để tự bảo vệ cho mình đã được nâng lên.
 
"Người dân đồng tình cao với việc kiểm tra, xử lý trong hoạt động kinh doanh sản xuất mũ bảo hiểm. Ý thức tự giác tự bảo vệ mình của người dân đã chuyển biến rõ nét. Mọi người đã ý thức và thấy được tác hại của việc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, nếu xảy ra tai nạn giao thông sẽ để lại hậu quả, tăng nguy cơ chấn thương vùng đầu" - ông Hùng nói.
 
Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ  tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, người tham gia giao thông chấp hành việc đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, không đội mũ bảo hiểm một cách hình thức, đối phó. "Chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thành lập Đoàn kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở sản xuất mặt hàng MBH cho người đi mô tô, xe máy và các loại mũ đội đầu khác trên địa bàn cả nước"- ông Hùng cho hay.
 
Ông Hùng nhận định, Thông tư là bước đột phá mới trong công tác kiểm soát MBH giả, kém chất lượng và là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Tuy nhiên, để quy định đi vào cuộc sống, cần có sự kiểm soát nghiêm túc của các lực lượng chức năng và sự đồng thuận cao từ phía người tiêu dùng.
 
Ông Trần Quốc Tuấn: Cục trưởng Cục QLCLSPHH – Tổng cục TCĐLCL: MBH phải phù hợp các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa thì sẽ không bị phạt. Cụ thể:
 
MBH có cấu tạo đủ 03 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động, bên trong vỏ mũ và quai đeo, có kiểu dáng theo quy định tại QCVN 2:2008/ BKHCN, trong đó có 03 loại là Mũ che nửa đầu; Mũ che cả đầu, tai; Mũ che cả đầu, tai và hàm. Trường hợp có lưỡi trai mềm hoặc rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai không quá 70mm, trường hợp lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai không quá 50mm, trường hợp mũ có vành cứng thì phần nhô ra không được quá 20mm;
 
MBH phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
 
Người tiêu dùng có thể mua MBH đạt chất lượng ở các cửa hàng đại lý của nhà sản xuất MBH đã thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy và tại các cửa hàng bán MBH có uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ , hồ sơ chất lượng đầy đủ (bản sao chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, hợp đồng mua bán MBH với các nhà sản xuất đã thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy, nhà nhập khẩu đã thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu). NTD có thể xem danh sách MBH được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy trên website: tcvn.gov.vn để biết và lựa chọn.
 
Một số doanh nghiệp thực hiện đổi MBH phù hợp quy chuẩn cho NTD là việc làm tích cực. Cơ quan chức năng không cấp phép cho việc đổi MBH. Các cơ sở thực hiện bán và đổi MBH vẫn phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng MBH và chịu sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử lý hành vi nâng giá bán MBH sẽ do cơ quan quản lý thị trường, giá kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông, Cục cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Bộ Công an:  Hiện nay trên cả nước có 36 triệu xe máy. Nếu một xe có 2 mũ bảo hiểm (MBH) thì thường xuyên cần đến 72 triệu mũ. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có tới 70% người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng, các địa phương cũng đang rất tích cực hỗ trợ người tham gia giao thông đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn đồng thời phối hợp ngăn chặn các loại MBH không đạt chuẩn. Nếu nhân dân phát hiện những tiêu cực trong quá trình bị CSGT xử phạt mũ bảo hiểm thì phản ánh theo đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ-đường sắt (theo số máy điện thoại 06942608) hoặc gọi về đường dây nóng của Công an các tỉnh, thành phố nơi phát hiện vi phạm (được đăng tải trên Website CSGT.vn).
 
Theo phân định thẩm quyền xử phạt hành chính thì Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các trường hợp khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách.
 
 
Thanh Uyên - Phan Mạnh 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang