Từ cậu bé chăn trâu thành chủ tịch tập đoàn Trangs Group

author 06:56 15/01/2014

(VietQ.vn) - Là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Trangs Group có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Africa…, ít ai ngờ rằng Hồ Văn Trung từng là một cậu bé chăn trâu nghèo khó và ròng rã mấy chục năm vật lộn làm đủ thứ nghề, nếm không ít thất bại để có được thành công như hiện nay.

Tuổi thơ khốn khó

Chào đời ngay trong ngày bố mất, gia đình vốn đã nghèo nay lại càng nghèo hơn. Hồ Văn Trung (quê ở La Khê, xã Hương Vinh, Hương Trà,Thừa Thiên-Huế),  cùng mẹ và chị gái sống trong một túp lều dựng tạm trong khuôn viên của nhà ông bà nội. Tài sản trong túp lều ấy chẳng có gì đáng giá ngoài những thứ vật dụng đều đã cũ sờn. Ngay từ khi lên 4 tuổi, Hồ Văn Trung đã bắt đầu công việc đầu tiên của mình là đi chăn trâu để đỡ đần thêm với mẹ.

Ý thức được sự nghèo khổ của mình, cậu bé Hồ Văn Trung khi ấy dù bụng đói réo ầm ầm vẫn không bao giờ nói cho mẹ biết, mỗi khi mệt mỏi hay cực khổ với mớ công việc lớn nhỏ, cậu cũng chẳng hề kêu than. Thế nhưng cái nghèo như một kẻ thù dai dẳng, bám riết, dù tất cả các thành viên trong gia đình đều đã gắng hết sức làm lụng thì kinh tế vẫn chẳng có gì đổi khác. Để có tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống và lo cho em ăn học đàng hoàng, chị gái của Hồ Văn Trung đã phải dừng lại việc học ở trường để học nghề may cùng mẹ kiếm tiền.

Đất nước chiến tranh, nhà nghèo tới mức không có cơm ăn thiếu áo mặc, thiếu chăn đắp nhưng Hồ Văn Trung vẫn kiên trì cắp sách tới trường. Nhờ tình yêu thương của mẹ, chị gái và sự quyết tâm học hành, Hồ Văn Trung thi đỗ kỳ thi đệ thất, được chuyển qua học ở trường Quốc học phía bên kia sông Hương – trường nổi tiếng nhất Việt Nam thời bấy giờ, chỉ tuyển những học sinh xuất sắc và chỉ nhận học sinh đệ nhị cấp (tức lớp Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất, tương đương lớp 10, 11, 12 ngày nay). Tiếp đó, Hồ Văn Trung xuất sắc trải qua các kỳ thi như tú tài bán, tú tài toàn rồi đỗ vào trường Đại học Khoa học Huế, điều mà ít người làm được khi đó. “Sinh ra trong hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ nhưng hơn hết tôi thấy mình may mắn. Tuổi thơ khó khăn nơi làng quê Việt Nam nghèo khổ đã dưỡng nuôi bồi đắp trong tôi những kiến thức, kinh nghiệm, bài học vô giá về cuộc đời. Những thứ đó không phải ai cũng có, nhất là người thành phố hoặc người thuộc thành phần khá giả”, ông viết trong cuốn tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách” kể về cuộc đời mình.

Chân dung doanh nhân Hồ Văn Trung của Trangs Group

Học ở trường Đại học Khoa học Huế được một năm, Hồ Văn Trung quyết định vào Sài Gòn những mong thay đổi được cuộc đời. Thế nhưng thực tế lại quá khắc nghiệt so với những gì ông tưởng tượng. Đói khổ, lang bạt – đó là những từ để miêu tả lại cuộc sống của ông trong giai đoạn đầu khi đặt chân tới Sài Gòn. Về sau, khi đã ổn định được cuộc sống, ông tiếp tục theo học ở trường ĐH Khoa học Sài Gòn.

Chiến tranh khốc liệt, cũng như bao thanh niên thời loạn khác, Hồ Văn Trung tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi hòa bình cho đất nước và phải “vào tù ra tội” 3 lần. Ông đã trải qua không ít lần vượt biên nghẹt thở, chịu đựng cảnh sống trôi nổi ngoài vòng pháp luật và sống ở trại tị nạn mới tới được nước Úc và tin rằng đây chính là miền đất hứa để vươn tới một tương lai tươi sáng hơn.

Lập nghiệp tại xứ người

Sinh con gái đầu lòng, vợ ông Trung ở nhà lo việc cơm nước, ngoài việc đi học tiếp Đại học, ông Trung còn lo giữ con, đưa đón vợ đi làm công việc rửa chén ở nhà hàng vào mỗi buổi tối. Sau nhiều lần trò chuyện với chủ nhà hàng vợ đang làm việc, ông Trung ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp ở xứ người.

Với tất cả số tiền dành dùm được, ông Trung đi tìm những nhà hàng đang khó khăn, sắp đóng cửa để thương lượng mua lại hoặc hợp tác. Tìm được nhà hàng ưng ý được một đồng hương sang nhượng lại, 2 vô chồng ông Trung hào hứng bỏ tiền của ra để đầu tư. Rắc rối nhanh chóng nảy sinh khi luật sư thông báo cho ông Trung biết nhà hàng này không hợp lệ, hiện tại chưa có giấy phép kinh doanh, chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương, hợp đồng thuê nhà đã hết hạn 6 tháng mà vẫn chưa được thanh toán.

Khai trương ngày đầu tiên đã rất nhiều người gọi điện cho ông Trung để đòi hàng loạt khoản nợ, thậm chí có công ty tài chính còn cử người đòi nợ chuyên nghiệp tới để hăm dọa việc kiện ra tòa. Biết rằng bị rơi vào bẫy lừa của chủ cũ nhà hàng, cả hai vợ chồng bị sốc nặng. Số tiền vốn gom góp và vay mượn 7.000 đô la đã gần hết mà áp lực trả nợ các công ty tài chính quá lớn. Thế nhưng ông Trung vẫn kiên quyết không “đầu hàng”. Ông tìm một nhà hàng khác ở gần đó rồi lên kế hoạch dời nhà hàng. Nhà hàng này vẫn giữ cái tên cũ Trang’s Vietnamese Restaurant, kinh doanh các món ăn thuần Việt và rất đông khách. “Thời gian chăm sóc con cái tỷ lệ nghịch với sự phát đạt trong kinh doanh. Điều đó khiến tôi manh nha suy nghĩ tìm giải pháp có thể phát triển kinh doanh mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình”, ông viết.

Ông Trung vừa ra mắt cuốn tự truyện "Gian truân chỉ là thử thách" kể về cuộc đời mình

Sau đó, ông Trung quyết định sang châu Âu, châu Mỹ để tìm hướng làm ăn mới. Houston, Texas, Mỹ là nơi ông tìm được đáp án: kỹ nghệ hóa ngành thực phẩm thay vì chỉ làm nhà hàng trong phạm vi hạn hẹp ở địa phương. Tuy nhiên, nỗi lo về số vốn đầu tư “khổng lồ” vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời đáp. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đề xuất với vợ một quyết định lớn: “Hãy sang nhà hàng, bán hết tài sản hoặc cầm cố tất cả tài sản chúng ta có cho ngân hàng, viết đề án kinh doanh và nhờ ngân hàng hỗ trợ. Nếu thất bại, chúng ta sẽ trắng tay và em cứ xem như trở về ngày mình mới tới Úc với hai bàn tay trắng không có cả 10 xu để gọi điện thoại”.

Mẹ vợ ông phản đối, bạn bè cho rằng đây là việc làm điên cuồng dạng “đội đá vá trời” song vợ ông đã đồng ý. Ngân hàng ủng hộ cho dự án, Trangs Food Pty Ltd được thành lập vào năm 1985. “Để giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng ban đầu, từ việc nhỏ nhất là hệ thống cống rãnh đến hệ thống điện, trần nhà, quạt hút… đến máy móc cho sản xuất như máy đánh bột, máy phân chia nhân… tôi đều tự làm nhờ vào những kiến thức sẵn có và sự góp ý của một người quen”, ông viết.

Mọi chuyện không đơn giản, lô hàng đầu tiên của nhà máy bị trả lại, đời sống gia đình gần như khánh kiệt, ông Trung phải ra tòa tất cả 7 lần để xin khất nợ. Về sau tình hình công ty tốt hơn, gây dựng được uy tín trên thị trường, đạt được những thành công bước đầu. Chả giò là mặt hàng chủ lực lúc đó của công ty nên ông Trung muốn nghiên cứu cho ra đời một chiếc máy làm chả giò tự động. Suốt thời gian dài 3 năm nghiên cứu, chiếc máy tự động trong tất cả các công đoạn; năng suốt 45 cuốn/phút đã được “khai sinh”. Liên tiếp đó là hàng loạt những thành công thất bại song kết quả đạt được thật đáng mừng khi công ty bắt đầu “ra biển lớn” và mở rộng ra toàn cầu với hàng loạt các chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Africa…

Một điều đáng quý ở Hồ Văn Trung, ấy là khi đã thành danh ở xứ người, ông vẫn không quên Việt Nam – nơi đã cho mình dáng vóc và hình hài. Ông trở về nước với lương tâm, với hoài bão để giúp cải thiện đất nước tốt hơn, nâng cao đời sống người dân và hy vọng họ sẽ tạo ra trên quê hương mình những thay đổi tích cực. Hiện ông đã ra mắt thành công cuốn tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách” kể về chặng đường đời đầy khốc liệt trong quá khứ, tặng sách cho nhiều cơ quan đơn vị để giúp nhiều người trẻ tìm được động lực phấn đấu vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ông cũng dự định sẽ mở quán ăn miễn phí dành cho những người khó khăn ở quê hương.

"Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ 'số phận' và 'cơ hội'. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình".
- Hồ Văn Trung - 

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang