Tự chủ khoa học: Địa phương kêu khó

author 06:09 03/05/2015

(VietQ.vn) - Nhiều địa phương còn kêu khó khi thực hiện tự chủ trong các đơn vị ứng dụng nghiên cứu khoa học.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị về cơ chế tự chủ - tự chịu trách nhiệm vừa qua thì đến hết năm 2015 này, các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập phải lập phương án tự chủ hoạt động, nếu không sẽ bị cắt khoản thu từ Ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, chỉ có các cơ quan nghiên cứu về Khoa học cơ bản, đường lối - chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật...mới được chi thường xuyên; còn lại sẽ cấp Ngân sách thông qua các nhiệm vụ mà Nhà nước đặt hàng.

Muốn thực hiện tốt cơ chế tự chủ, các nhà khoa học phải gần người dân hơn nữa

Muốn thực hiện tốt cơ chế tự chủ, các nhà khoa học phải gần người dân hơn nữa

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, Đại diện Sở KH&CN Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên...cho hay, việc tự chủ tự chịu trách nhiệm là hoàn toàn đúng đắn,

Tuy nhiên, đối với các địa phương thì nhu cầu và trình độ KH&CN còn hạn chế nên nguồn thu từ các dịch vụ KH&CN không nhiều. Nếu bây giờ bắt các tổ chức ứng dụng KH&CN của các tỉnh phải tự hạch toán kinh tế thì khó có thể hoạt động tốt.

Nhiều địa phương đề nghị, cần phải có lộ trình (khoảng 5 năm) để các Trung tâm ứng dụng KH&CN của các địa phương hoàn thiện cơ chế tự chủ - tự chịu trách nhiệm.

Còn PGS.TSKH Phan Thanh Tịnh, nguyên Viện trưởng viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho Chất lượng Việt Nam biết, các nghiên cứu của đơn vị này hướng đến nông dân, là đối tượng có thu nhập thấp. Vì vậy, khó có thể lấy nguồn thu từ bán các thiết bị cho nông dân để trang trải kinh phí.

Mặt khác, các nghiên cứu của nhà khoa học thì mới dừng lại ở sản phẩm ban đầu. Muốn thương mại hóa phải có doanh nghiệp nhân rộng sản xuất. Mà không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với thị trường dành cho nông dân.

Trong khi đó, Đại diện Viện Nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thì lại cho rằng, để các Viện nghiên cứu có thể tự sống thì ngoài nguồn Ngân sách, các nhà khoa học còn phải năng động, đi đến các doanh nghiệp để tìm hiểu xem họ cần gì, rồi nhận công việc đó về làm.

Đó là điều mà Viện này đã và đang làm; vừa áp dụng KH&CN vào cuộc sống, vừa có thêm thu nhập.

Về vấn đề "cải tổ" các viện nghiên cứu, Ngân hàng thế giới đã đưa ra khuyến cáo cho Việt Nam: Với những viện nghiên cứu có đầu ra là sản phẩm công ích nên được điều hành theo cơ chế: nhà nước sở hữu và ký hợp đồng điều hành. Theo đó, Chính phủ sẽ ký hợp đồng với một tổ chức bên ngoài để điều hành viện nhưng vẫn duy trì quyền sở hữu.

Với những viện nghiên cứu có đầu ra là các sản phẩm phi công ích, việc tư nhân hóa là điều tối cần thiết bởi viện sẽ được tiếp cận với thị trường và sau đó sẽ được chuyển đổi thành công ty thương mại hoàn toàn.

Với những viện nghiên cứu có đầu ra bao gồm cả sản phẩm công ích và phi công ích nhưng khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và không có mấy cơ hội “sống sót” như một công ty tư nhân, có thể chuyển đổi thành một tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân hóa nội bộ thay vì đóng cửa.

Với những viện nghiên cứu cần phải đóng cửa, kêu gọi tư nhân hóa có thể được dùng như một phép thử với thị trường.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang