'Từ chức là khôn hay dại?'

author 07:17 14/10/2014

“Câu chuyện từ chức còn liên quan đến lợi ích. Không ai muốn từ chức, không ai dám từ chức và không ai dại gì mà từ chức. Trong khi, nếu xét theo giá trị hành xử, người ta đặt ra thước đo “khôn” hay “dại” mà nhiều khi từ chức sẽ là “khôn” chứ…”

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh) trao đổi với PV Dân trí xung quanh đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào luật Tổ chức Chính phủ.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần đầu được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội ít ngày trước gây chú ý trong dư luận với nhiều ý kiến đề nghị quy định quy chế từ chức đối với các thành viên Chính phủ. Là một đại biểu từng nhiều lần nói về chuyện văn hoá từ chức trước Quốc hội, ông nhận xét gì về đề xuất này?

Tôi ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên, quan trọng cần bàn đến là quan niệm thế nào là “từ chức”. Từ chức có phải thuần tuý là một hình thức kỷ luật không hay phải xem đó là một thứ trách nhiệm cá nhân mà người đó tự lựa chọn khi đó là giải pháp tốt nhất, gì lợi ích chung?

Chúng ta phải vượt qua được giới hạn của quan niệm xã hội, quan niệm về danh dự, về con đường phát triển của cá nhân. Theo tôi, đó là rào cản lớn nhất vì quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật khiến những người đã từ chức, với cơ chế hiện nay, rất khó có thể trở lại được vị trí để phấn đấu tiếp.

Xã hội hiện tại vẫn cho rằng từ chức như là một sự cách chức. Trong khi từ chức có rất nhiều yếu tố. Nhìn về quá khứ có thể thấy, thời ông cha ta, đôi khi việc từ quan rất đơn giản như cha mẹ mất người ta cũng có thể xin từ quan để về quê chịu tang chẳng hạn. Rồi việc không tán thành với quan điểm của cấp trên thì từ quan dường như là chuyện đương nhiên. Cụ Chu Văn An, đưa sớ xin trảm tướng nhưng không được để mắt tới thì cụ xin về quê thôi.

Ngoài ra, xã hội xưa rất coi trọng những người giữ được liêm sỉ. Liêm sỉ là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất trong phẩm chất của người làm quan ngày đó. Liêm sỉ đó dĩ nhiên có yếu tố, màu sắc của nho giáo nhưng cái đó, theo tôi, ở thời buổi nào cũng cần. Con người cần tự xử, tự xem xét bản thân mình trước khi để người khác xử.

Từ góc độ lịch sử, ông có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt trong quan điểm dẫn đến rào cản đối với việc thực hiện quy định từ chức hiện nay?

Quan niệm về tổ chức của chúng ta hiện nay, một người đã từ chức thì coi như là một nhân tố thừa, rất khó có đường thăng tiến nữa. Hệ thống giá trị xã hội cũng chưa tạo ra thông lệ, cổ vũ cho các cá nhân làm việc đó - nếu hiểu theo nghĩa từ chức là để giữ liêm sỉ của mình, thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc.

Điểm khác, ngày xưa, quyền của một ông quan rất lớn nên từ quan rồi một lúc nào đó cũng vẫn dễ dàng được bổ nhiệm làm việc tiếp. Nhưng hiện nay, quy trình nhân sự, công tác cán bộ phải qua tổ chức, qua rất nhiều khâu. Và vì thế, việc cách chức không đơn giản và thậm chí, người từ chức cũng rất khó sử dụng lại.

Như vậy thì nghịch lý ở chỗ, một người đã có được phẩm cách của người biết từ chức, ít nhất đó là người rất quý. Vậy mà người quý như vậy, có hành động đáng trân trọng như vậy mà không có con đường sử dụng nữa thì rất đáng tiếc cho chính hệ thống, cho xã hội. Trong khi đó, những người vẫn khư khư ôm chặt chức vụ, giữ chặt cái ghế của mình thì lại vẫn tồn tại được.

Quy chế tạo ra nghịch lý như thế nên khiến cho từ chức đáng ra là một việc rất tốt đẹp, rất cần thiết thì lại thành một cản lực trên con đường phát triển của mỗi người, của cả xã hội.

Việc từ chức hiện tại rất nặng nề và nó không phù hợp với quan điểm tôn trọng những con người có liêm sỉ, thậm chí là không dùng được con người đó nữa. Việc này liên quan đến cơ chế bổ nhiệm. Quyền của người lãnh đạo thực tế rất hạn chế mà phải qua một tập thể, một quy trình phức tạp.

Quy định về việc từ chức đã có từ lâu trong luật Cán bộ công chức nhưng đến nay vẫn là một quy định hình thức. Từ chức, theo đó, trong nhiều trường hợp là cứu cánh, là quyền lựa chọn của người đảm nhiệm chức vụ mà lại không thực hiện được?

Quy định đến giờ đúng là rất hình thức, không thực hiện được. Thực ra, câu chuyện từ chức cũng còn liên quan đến lợi ích nữa. Lợi ích gắn với quan niệm xã hội, gắn với con đường phát triển của mỗi người khiến không ai muốn từ chức, không ai dám từ chức và không ai dại gì mà từ chức.

Trong khi, nếu xét theo giá trị hành xử thì người ta đặt ra thước đo là “khôn” hay “dại” mà nhiều khi từ chức sẽ là “khôn” chứ - từ chức trước khi bị cách chức rõ ràng là “khôn”. Vì không có cơ chế nên người ta không có lựa chọn nào khác, đành phải giữ chặt lấy cái ghế của mình và họ tạo ra những yếu tố giữ chặt lấy ghế bằng các nhóm lợi ích.

Nói về sự cần thiết của việc đưa quy định từ chức vào luật Tổ chức chính phủ đang được sửa, có ý kiến cho rằng, dù quy định này đã thể hiện trong luật Cán bộ công chức nhưng đối với Chính phủ, các chức danh từ Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng… không chỉ đơn thuần là một cấp bậc công chức mà đó thực sự đã là những chính khách, việc thể hiện trách nhiệm chính trị đặt ra cũng khác hẳn. Quan điểm của ông về việc này?

Cơ chế hiện nay đúng là khó vì khi đã là chính khách, công tác nhân sự rõ ràng phải qua một quy trình, việc “tiến” hay “thoái” đều khó mà tự lựa chọn. Vậy nên để thực hiện việc này phải đồng bộ. Đảng cần tạo ra một nhận thức chung và một cơ chế thuận lợi cho việc từ chức chứ nếu quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật thì đầu tiên, người từ chức phải ra khỏi Đảng. Mà như thế thì dứt khoát người ta không ra.

Có rất nhiều rào cản để người ta có thể hành xử một cách bình thường với nguyên tắc đề cao lòng tự trọng.

Là đại biểu đã từng nhiều lần phát biểu về văn hoá từ chức trước Quốc hội, ông muốn đề cập đến vấn đề gì trong khái niệm này?Nếu từ chức không thì nghĩa là chỉ nói đến một hành vi. Còn những hiệu ứng của hành vi đó đối với xã hội rất quan trọng vì những người ở địa vị xã hội đó, hành xử của họ tác động rất lớn đến xã hội, sẽ nhận về sự ủng hộ hoặc không ủng hộ. Nhưng rõ ràng việc từ chức nếu tạo ra được thành một tập quán thì xã hội sẽ lành mạnh hơn, người dân sẽ tin tưởng vào nhà nước hơn.

Có người từ chức vì sức ép của dư luận, có người là vì “tự xử” mình, họ lấy liêm sỉ của mình ra để hành xử.

Ông cũng là người thẳng thắn “gợi ý từ chức” trong một phiên chất vấn thành viên Chính phủ tại Quốc hội. Ông có cho rằng, việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ lần này là một cơ hội xây dựng quy chế từ chức trong cơ quan điều hành đất nước?

Tôi chất vấn với mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra cơ chế, để những người đứng đầu không chỉ nhận trách nhiệm, xin lỗi mà còn hướng tới xây dựng văn hoá từ chức trong Chính phủ.

Đây đúng là cơ hội để xây dựng một tập quán chính trị tích cực. Nhưng như đã nói, tôi cho rằng, việc này phải tiến hành đồng bộ – thay đổi cả trong quy định của Đảng và luật tổ chức của Chính phủ chứ nếu không có đưa quy định vào luật cũng khó thực hiện được. Cần làm thế nào để tạo ra được một cơ chế cho phép người ta làm được việc đó mà vẫn không cản đến con đường phát triển của họ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Thảo (Dân Trí)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang