'Từ chức nếu không huy động được vốn'

author 16:39 28/03/2015

Sáng 27-3, tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Sia - tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng - đề nghị xin không vay vốn ODA từ Nhật Bản cho dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2, thay vào đó doanh nghiệp này sẽ tự huy động vốn.

Từ chức, huy động vốn, vốn ODA, cảng Tiên Sa, quy hoạch kiến trúc, Cảng Đà Nẵng, quan chức

“Nếu không huy động được vốn, không thực hiện được việc mở rộng dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2, tôi sẽ xin từ chức” - ông Sia khẳng định như vậy khi trả lời các ý kiến lo ngại của lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng như các cơ quan ban ngành tham gia cuộc họp.

“Xin được không vay”

Trước đó, sau nhiều lần làm việc, UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được vay vốn ODA của Nhật Bản. Theo đó, phía Nhật đã đồng ý tài trợ vốn cho dự án này với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng.

Dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2 dự kiến mở rộng về phía bắc khoảng 8,6ha, trong đó có 5,6ha là mặt nước. Theo dự kiến ban đầu, dự án này sử dụng vốn ODA do Chính phủ Nhật tài trợ.

Tuy nhiên sau khi khảo sát, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng có thể tự huy động được nguồn vốn cho dự án. Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý 4-2015.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của TP nên TP quyết tâm làm cho bằng được.

Do vậy, trước đây TP đã kêu gọi Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nguồn vốn. Nhưng bây giờ phía cảng Đà Nẵng muốn tự huy động vốn để thực hiện dự án vì cho rằng làm như thế sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, sau khi đã có khảo sát và Nhật đồng ý tài trợ để chuẩn bị khởi công dự án vào năm 2016, phía cảng Đà Nẵng đề nghị “xin không vay nữa” mà huy động nguồn tự có để đầu tư.

“Phương thức xây dựng tính toán như thế nào là việc của cảng, nhưng khi anh từ chối vốn ODA là anh phải cam kết huy động được vốn để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ. Với tốc độ tăng 10-20%/năm như hiện nay, chỉ 5-6 năm nữa lượng hàng qua cảng Tiên Sa sẽ lên tới 10 triệu tấn/năm, nếu không thực hiện kịp giai đoạn 2 thì sẽ gây ách tắc, quá tải”.

Ông Thơ cũng cho biết cảng Đà Nẵng đề nghị và được Bộ Giao thông vận tải ủng hộ theo cách để cảng tự huy động vốn. Nhưng việc từ chối nguồn vốn ODA của Nhật cho dự án này đã gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đà Nẵng với JICA.

“Vì vậy, anh Sia phải có cam kết chứ không phải nói rồi không làm, bảo huy động vốn không được, không ai cho vay. Nếu không làm được cảng này mà để bế tắc, anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chứ không phải anh tính toán thiệt hơn, cuối cùng chẳng ai cho vay được 1.000 tỉ để làm, rồi bỏ bê là không được.

Tôi lưu ý cảng Đà Nẵng phải có trách nhiệm với TP trong việc này để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP, chứ nếu cảng này không phát triển thì TP cũng... chết luôn” - ông Thơ nói.

Lo ngại chênh lệch tỉ giá

Sau khi ông Thơ có ý kiến, ông Nguyễn Hữu Sia đứng dậy nói: “Tôi dũng cảm để nói rằng tôi theo đuổi dự án này mà nếu để thiếu vốn, không làm được thì tôi sẽ từ chức”. Trước ý kiến này, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Đúng rồi. Mà từ chức thật đó nghe. Nếu anh không làm được thì tôi ép anh từ chức luôn chứ không phải nói chơi đâu”.

“Tất nhiên đây là ý kiến của cá nhân tôi, ngoài ra còn có chủ tịch hội đồng quản trị. Công ty cổ phần thì ý kiến của chủ tịch hội đồng quản trị rất quan trọng. Nhưng tôi biết doanh nghiệp cảng là doanh nghiệp cơ sở hạ tầng quốc gia phục vụ nền kinh tế. Nên nếu làm không được, tôi sẽ từ chức chứ không đợi phải ép đâu” - ông Sia tự tin nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau buổi làm việc, ông Sia cho rằng ông đảm bảo huy động đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, còn chuyện ông nói “từ chức” là để thể hiện quyết tâm và nếu làm không được ông sẽ xin thôi nhiệm vụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thu - chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Cảng Đà Nẵng - nói: “Sở dĩ cảng từ chối nguồn vốn ODA là sợ chênh lệch tỉ giá hằng năm quá lớn mà sau này cảng phải trả. Bây giờ nếu họ cho vay vốn ODA, toàn bộ thiết bị, tư vấn... đều là của Nhật Bản đưa sang hết”.

Theo ông Thu, dự án giai đoạn 2 trước mắt có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng. “Bây giờ vốn không phải là vấn đề lớn, mà quan trọng hơn là cảng có thị trường hay không. Hiện nay tốc độ tăng trưởng bình quân hàng container qua cảng là 25%/năm. Hàng hóa container từ Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và các tỉnh Tây nguyên bây giờ đều đổ về cảng Đà Nẵng hết.

Chúng tôi huy động vốn rất dễ, rất đơn giản. Để thực hiện dự án vốn tự có của cảng là 40-50%, ngoài ra mình sử dụng vốn vay hoặc kêu gọi đầu tư là có người nhảy vào liền, có nhiều cách làm lắm. Thật sự bây giờ tôi không lo vốn, tôi sẽ làm nhanh dự án này. Nếu vay vốn ODA thì năm 2016 mới làm được, còn nguồn vốn tự có thì cuối năm 2015 chúng tôi sẽ triển khai khởi công dự án và làm nhanh” - ông Thu nói.

Theo Tuổi trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang