Tự do hóa lãi suất để phát triển cho vay tiêu dùng

author 13:55 21/11/2016

(VietQ.vn) - Kể từ 01/01/2017, quy định trần lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự không được vượt quá 20%/năm sẽ chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, quy định này vẫn còn chung chung, nhiều điểm chưa rõ ràng, nếu không có một hướng dẫn cụ thể sẽ gây những khó khăn nhất định cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Không phù hợp quy luật thị trường

Khi nhu cầu vốn trong dân tăng cao, vấn nạn “tín dụng đen” lại có cơ hội bùng phát và hoành hành, gây nên những hệ lụy trong toàn xã hội, bởi do nguồn tín dụng chính thống khá ngặt nghèo về thủ tục. Do vậy, việc Bộ luật Dân sự sửa đổi sửa đổi, bổ sung quy định trần lãi suất 20% là cần thiết để tăng cường cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh chống nạn cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, vấn đề khống chế trần lãi suất cho vay hiện vẫn đang thu hút khá nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng, nếu không áp dụng thì hoạt động “tín dụng đen” sẽ ngày càng “nở rộ” và xuất hiện những biến tướng khó có thể kiểm soát; một bên lại lo ngại trần lãi suất sẽ làm hạn chế hoạt động của các TCTD, trong khi các nước phát triển đang dần hướng đến tự do hóa thị trường tài chính, hạn chế biện pháp can thiệp hành chính vào thị trường.

 Kể từ 01/01/2017, quy định trần lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự không được vượt quá 20%/năm. Ảnh ST

Tuy nhiên với tư duy của người trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, quy định của điều luật về cho vay dân sự đã có sự cởi trói cho các TCTD với điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, luật thể hiện sự cởi mở khi cho phép TCTD hoạt động theo luật chuyên ngành, bởi nền kinh tế không thể có trần lãi suất chung cho mọi hoạt động giao dịch. Hơn nữa, việc áp dụng trần lãi suất chung sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, nhất là đối với các công ty tài chính (CTTC) cho vay tiêu dùng, bởi lãi suất của họ phải ở mức cao hơn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) mới có đủ kinh phí để bù đắp rủi ro.

Đồng quan điểm, đại diện một số TCTD cho rằng, mức trần lãi suất 20%/năm nếu áp dụng đối với vay tiêu dùng sẽ gây khó cho cả ngân hàng lẫn CTTC. Bởi lẽ, đặc điểm của các tổ chức cho vay tiêu dùng chủ yếu  hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân, đa phần trong đó là khó đáp ứng được yêu cầu của các NHTM. Thủ tục vay vốn lại đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, hợp đồng lao động,… người tiêu dùng đã có thể dễ dàng được duyệt vay, nên nguy cơ rủi ro với các tổ chức này luôn tiềm tàng. Do phải cộng phần bù trừ rủi ro vào giá nên đương nhiên lãi suất của các tổ chức cho vay tiêu dùng, nhất là đối với CTTC sẽ cao, khó có thể đặt ngang hàng với các NHTM trong một quy định chung.

Không công bằng

Trong một báo cáo, chính Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, hoạt động cho vay tiêu dùng của NHTM và CTTC đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, phân khúc khách hàng vay tiêu dùng của CTTC khác với các NHTM về mức độ rủi ro. Để phù hợp với phân khúc khách hàng này, CTTC phải có sự khác biệt với NHTM về sản phẩm cho vay tiêu dùng, cách thức tiếp cận khách hàng, hồ sơ, quy trình, thủ tục cho vay, quản trị rủi ro...

Rõ ràng, với quy định tại Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015, khi chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ thiếu công bằng cho các CTTC, khiến cả người cho vay và người đi vay đều thiệt.

Hơn nữa, việc quy định trần lãi suất đối với cho vay dân sự nhưng lại không quy định đối với cho vay thương mại cũng làm nảy sinh sự thiếu công bằng đó. Tất nhiên, các loại hình cho vay nêu trên về bản chất là hoàn toàn khác nhau và cùng chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành là Luật Các tổ chức tín dụng. Điều luật này cho phép các TCTD linh hoạt trong việc định đoạt lãi suất, tạo ra động lực trong việc huy động nguồn vốn để cho vay, làm cho dòng vốn trong xã hội luân chuyển tích cực hơn.

Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, rất khó để có thể áp dụng một mức trần lãi suất hợp lý, cần có sự thỏa thuận nếu không người tiêu dùng sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu cấp tín dụng, lại phải nhờ cậy đến “tín dụng đen” và chịu mức lãi suất  “cắt cổ”. Theo đó, các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành phù hợp hơn, nhưng không trái với Bộ luật Dân sự 2015.

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều song đa phần các chuyên gia đều mong mỏi thị trường tài chính Việt Nam được vận hành theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường; kiểm soát vấn đề về lãi suất không nên bằng mệnh lệnh hành chính mà cần có phương án cụ thể, nếu không sẽ làm méo mó việc phân bổ nguồn vốn cho nền kinh tế.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang