“Tù mù” khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà

author 07:30 07/05/2014

(VietQ.vn) – Chưa có biện pháp tối ưu, chưa có doanh nghiệp, cơ quan nào lên tiếng chịu trách nhiệm, xin lỗi người dân về việc vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội.

70.000 hộ dân Hà Nội mất nước sạch kéo dài

Mất nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội, người dân phải đi mua nước, lấy nước từ nhiều nguồn về sinh hoạt. Ảnh minh họa

Tại buổi họp giao ban báo chí chiều qua (6/5) của Thành ủy Hà Nội, các bức xúc của người dân một số quận, huyện Hà Nội về việc không có nước sạch, nước sạch nhưng không sạch, nước nhiễm asen, mất nước kéo dài dù chưa vào mùa hè, liên tục có sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội, giá nước sinh hoạt và việc chốt số đồng hồ nước, tạm tính số nước và số tiền cho người dân không chuẩn…, một lần nữa được gửi gắm tới 5 doanh nghiệp cấp nước cho Hà Nội hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội và Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Những vấn đề bức xúc của người dân Hà Nội như kể trên liên quan đến việc cấp nước, nước sạch không phải tới nay mới có mà điều đó đã diễn ra trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Thậm chí, nhiều lần họp bàn, nhiều lần lên kế hoạch của các bên liên quan nhưng vẫn rối như “canh hẹ”.

ông Hoàng Thế Trung, Phó TGĐ Công ty liên doanh An Khánh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà (BQLDA nước sông Đà)

Ông Hoàng Thế Trung, Phó TGĐ Công ty liên doanh An Khánh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà (BQLDA nước sông Đà) cho rằng, vẫn phải chờ kết quả từ cơ quan giám định của Bộ Xây dựng mới biết trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vấn đề đường ống nước Sông Đà thường xuyên gặp sự cố. Ảnh: N. Nam

Ông Lê Văn Dục – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các căng thẳng về việc cấp nước, mất nước, phát triển hạ tầng mạng lưới nước ở Hà Nội sẽ vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Các cơ quan chức năng của Hà Nội và các doanh nghiệp đang nỗ lực cao nhất để đáp ứng được nhu cầu cho người dân.

“Tổng sản lượng nước cung cấp cho thành phố hiện nay khoảng 880.000-900.000 m3/ngày đêm. Năm 2014, do nhu cầu nước sạch dự kiến tăng thêm 7-10% so với năm 2013; mạng lưới khách hàng mở rộng tại các khu vực Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh… và nhu cầu tăng đột biến trong các đợt nắng nóng kéo dài; số lượng giếng khai thác nước ngầm bị suy thoái nên tình hình cung cấp nước sạch sẽ gặp khó khăn”, ông Dục cho biết.

Theo ông Dục, Hà Nội chỉ có thể đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% dân số 10 quận nội thành, không bao gồm một phần phường Phú Thượng - quận Tây Hồ và 2 quận mới Bắc- Nam Từ Liêm. Và chỉ có 43,25% một số huyện ngoại thành lân cận được cấp nước. Bên cạnh đó đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết khi xảy ra mất điện cục bộ tại các nhà máy nước, trạm sản xuất, sự cố về mạng lưới cấp nước, hoặc khi thời tiết nắng nóng kéo dài nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến, có một số khu vực dự báo sẽ có nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ. Đơn cử như: khu vực từ các ngõ 378-530 Thụy Khuê, ngoài đê Chương Dương- Phúc Tân; khu vực số nhà 909 - 921 Đê La Thành 1 và từ số 297 – 303 Đê La Thành 3; bệnh viện phụ sản Hà Nội…

ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex

Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị quản lý và vận hành đường ống nước Sông Đà về Hà Nội không đả động gì đến trách nhiệm của nhà phân phối nước khi mất nước kéo dài. Ảnh: N. Nam

Liên quan đến việc, kể từ năm 2008 đến nay – thời điểm mà đường ống dẫn nước sạch Sông Đà về Hà Nội được đưa vào vận hành và sử dụng, liên tục trong thời gian qua, đã có 6 lần gặp sự cố vỡ đường ống, việc xác định nguyên nhân gây ra vỡ đường ống không rõ ràng, có phải do nền đất yếu hay không, vì sao khi lập dự án và thi công không tính toán tới vấn đề nền đất yếu, việc sử dụng ống dẫn nước nghi vấn chất lượng kém, trách nhiệm của các bên liên quan ra sao…, ông Hoàng Thế Trung, Phó TGĐ Công ty liên doanh An Khánh, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà (BQLDA nước sông Đà) cho rằng, quá trình đầu tư xây dựng, dự án gặp thuận lợi vì cùng thời điểm thi công, dự án đường Láng - Hòa Lạc cũng được thực hiện nên việc gia cố, xử lý nền đất yếu không được thực hiện để tiết kiệm chi phí.

“Các hạng mục của dự án đã được thi công đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Chất liệu các loại ống dẫn sử dụng đều được thực hiện đúng quy trình tư vấn và kiểm tra của cơ quan chức năng. Chúng tôi không xử lý nền đất yếu ở những khu vực đường ống đi qua, bởi ban quản lý và nhà thầu thi công tuyến đường Láng-Hòa Lạc đã xử lý rồi. Chúng tôi đã họp nhiều lần, tìm hiểu, rồi phân tích chán rồi, thậm chí tranh cãi với nhau nhưng cũng chưa tìm được nguyên nhân”, ông Trung nói.

Vỡ đường ống nước Sông Đà về Hà Nội

Những lần vỡ đường ống cấp nước Sông Đà về Hà Nội. Ảnh trích từ VnExpress

Cũng theo ông Trung, hiện tại, Bộ Xây dựng đã yêu cầu Cục Giám định nhà nước về chất lượng xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tìm hiểu, xác định nguyên nhân của những sự cố. Khi tìm được nguyên nhân cụ thể thì sẽ biết sai phạm nằm ở khâu nào thì mới xác định được những cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, Tổng Công ty Vinaconex và Công ty CP nước sạch Hà Nội, đơn vị quản lý, vận hành đường ống đã thành lập lực lượng sẵn sàng lực lượng xử lý sự cố, giảm thời gian xử lý từ 72 giờ xuống còn 11 giờ. Tuy nhiên, ông này lại không đưa ra bình luận, ý kiến gì về việc có mất nước kéo dài, người dân phải đi mua nước giá cao ở nơi khác về, nhiều hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động khi mất nước kéo dài… trong khi các doanh nghiệp như Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, Công ty CP nước sạch Hà Nội, Công ty CP Viwaco và Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đang là những đơn vị độc quyền, có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ phát triển mạng lưới và cấp nước sạch cho người dân các quận, huyện Hà Nội hiện nay.

6 lần vỡ đường ống nước sạch dẫn nước Sông Đà về Hà Nội:

- Lần 1, ngày 4-2-2012, đường ống nước sông Đà vỡ tại Km10+300, mất 72 giờ mới xử lý xong. - Lần 2, ngày 23-3-2013 tại Km26+850, mất 30 giờ để xử lý.

- Lần 3, ngày 21-11-2013 tại Km27+060, mất 18 giờ.

- Lần 4, tại Khu đô thị Xanh Villas ngày 16-12-2013, cũng mất 18 giờ khắc phục.

- Lần 5 và 6 cùng diễn ra trong tháng 4-2014 vào các ngày 1 và 25, tuy nhiên thời gian xử lý đã nhanh hơn, chỉ còn 11 giờ.

Nguyễn Nam – Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang