Từ năm 2018, giá ô tô nhập khẩu từ Thái Lan rẻ hơn xe sản xuất trong nước: Vì sao?

authorĐỗ Thu Thoan 13:24 12/08/2017

(VietQ.vn) - Điều này đến từ việc Việt Nam đang phải nhập khẩu từ 70 - 80% linh kiện để sản xuất ô tô dẫn tới chi phí sản xuất cao hơn. Trong khi đó, xe nguyên chiếc nhập khẩu sẽ được hưởng thuế 0% vào năm 2018.

Sự kiện: Kinh doanh

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), điều đó không công bằng đối với nhà sản xuất ô tô trong nước, dẫn thông tin theo báo Infornet.

Ông Tuấn cho rằng khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%, Việt Nam đang dành thị trường của mình cho các nhà nhập khẩu. Chi phí vận chuyển một chiếc xe từ Thái Lan về Việt Nam chỉ khoảng 500 - 1.000 USD, khi đó, giá xe từ Thái Lan rất gần với giá xe được sản xuất trong nước.

Năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô về 0%, các nhà nhập khẩu được hưởng lợi, các nhà sản xuất trong nước càng bất lợi. Ông Tuấn lý giải, thuế nhập khẩu nguyên chiếc về 0% nhưng thuế nhập khẩu linh kiện vẫn chưa có lộ trình về 0%, các nhà sản xuất vẫn phải trả thuế để nhập linh kiện từ Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu về lắp ráp. Trong khi đó, 70 - 80% số linh kiện để cho ra đời một chiếc ô tô của Việt Nam phải nhập khẩu.

Do đó, hiện nay, chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam đang cao hơn Thái Lan, Indonexia từ 10 - 20%. Nguyên nhân khiến chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam cao đến từ việc phải trả chi phí khổng lồ cho việc nhập linh kiện sản xuất., theo báo Infornet.

tu-nam-2018-gia-o-to-nhap-khau-tu-thai-lan-re-hon-xe-san-xuat-trong-nuoc-vi-sao

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Ảnh: Trí thức trẻ

Cũng theo đại diện VAMA, báo CafeF/Trí thức trẻ cho hay thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng. Nguyên nhân thu nhập đầu người đang được cải thiện trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, kích thích nhu cầu mua, sử dụng ô tô. Khảo sát cho thấy hiện có 2 - 3 triệu ô tô trên 100 triệu dân, nghĩa là chỉ 2 - 3% dân số sở hữu xe.

Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn tái khẳng định sự thật ngành công nghiệp ô tô đang trong tình trạng khó khăn. “Quy mô thị trường quá nhỏ, ngành công nghiệp chưa phát triển đã phải mở cửa thị trường. Đây là khó khăn rất lớn thách thức duy trì sản xuất của doanh nghiệp”, báo CafeF/Trí thức trẻ dẫn lời ông Phạm Anh Tuấn.

Vị đại diện VAMA cho biết so với Thái Lan, Indonesia, sản lượng của Việt Nam thấp hơn từ 4 - 5 lần, trong khi đó, thị trường ô tô lại thường xuyên bị biến động do những thay đổi liên tục về chính sách thuế phí.

Thị trường nhỏ, sản lượng thấp, dẫn đến khấu hao đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao khiến cho chi phí sản xuất linh kiện phụ tùng ở Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan.

tu-nam-2018-gia-o-to-nhap-khau-tu-thai-lan-re-hon-xe-san-xuat-trong-nuoc-vi-sao

Từ năm 2018, giá xe nhập khẩu Thái Lan gần với giá xe sản xuất trong nước. Ảnh minh họa

Trong khi đó, theo ông Tạ Văn Ngọ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, lý giải ô tô không phát triển được do thị trường là chưa đủ. Ngoài hạ tầng chưa đáp ứng, sức mua yếu do thu nhập của người dân còn thấp. Tỉ lệ ô tô chỉ 2 - 5% đầu người nhưng thực tế trong dân không cao, lượng lớn xe ô tô thuộc nhóm xe công sở hữu bởi các cơ quan nhà nước.

Theo báo CafeF/Trí thức trẻ, ông Ngọ cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến những chi tiết rất nhỏ để ủng hộ ô tô nội  địa như có chế tài bắt buộc các cơ quan Nhà nước phải sử dụng xe nội địa. "Nỗ lực xuất khẩu xe ô tô trong nước nhưng xe của các cơ quan nhà nước lại nhập khẩu là không ổn", ông Ngọ bày tỏ.

Cùng với đó, đại diện Trường Hải - một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cũng chỉ ra một số khó khăn mà xe nội địa gặp phải khi cùng điều kiện cạnh tranh với xe nhập khẩu. Ông Vũ Quang Long chia sẻ, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam có thể đổ bộ ở cả 2 đầu cảng Hải Phòng và cảng TP HCM với chi phí 5 triệu đồng/chiếc. Trong khi Trường Hải vận chuyển từ nhà máy tại Quảng Nam ra Hải Phòng cũng mất chi phí khoảng 3 - 4 triệu đồng/chiếc. "Chi phí logistics trong nước quá cao làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng nội địa", ông Long phát biểu.

Mẫu xe ô tô nào bán chạy nhất thị trường Việt trong tháng 7/2017?(VietQ.vn) - Doanh số bán hàng của Toyota Vios giảm mạnh so với tháng 6, song mẫu xe này vẫn giữ vững được vị trí đầu bảng trong top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 7 ở thị trường Việt Nam với lượng xe tiêu thụ hơn 1.500 chiếc.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất xe, phía VAMA đề xuất hình thành các cụm công nghiệp bao quanh nhà sản xuất ô tô để giảm chi phí logistic. Bên cạnh đó, phải nâng cao quy mô thị trường, tăng cường nội địa hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo CafeF/Trí thức trẻ.

Đồng thời theo Infornet, vị đại diện VAMA đề xuất bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện để giảm chi phí sản xuất và bình đẳng với xe nhập khẩu. Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng cần tăng tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.

Tuy nhiên, theo ông, điều này không đến từ ý chí mở rộng sản xuất mà nên đến từ việc hỗ trợ tăng quy mô thị trường. Bởi nhà sản xuất cho biết, nếu dung lượng thị trường nhỏ khấu hao cao, không giảm được giá thành sẽ không hấp dẫn đề đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Ông Tuấn cho rằng quy mô thị trường quá nhỏ là rào cản chính để công nghiệp phụ trợ không thể phát triển.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang