Từ năm 2020, các sản phẩm đèn LED bắt buộc phải dán nhãn năng lượng

author 13:22 06/11/2018

(VietQ.vn) - Đó là thông tin được ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP đưa ra tại hội thảo Giới thiệu và Triển khai Chương trình “Dán nhãn Năng lượng hiệu quả và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm chiếu sáng LED”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển và thúc đẩy công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam” (Dự án LED) do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ.

Đây là hội thảo thứ 3 trong chuỗi các hội thảo triển khai thí điểm Chương trình Dán nhãn năng lượng đối với sản phẩm chiếu sáng LED, nhằm phổ biến, hướng dẫn và trao đổi về quy định dán nhãn năng lượng hiệu quả cho các sản phẩm chiếu sáng này, để chuẩn bị sẵn sàng cho việc dãn nhãn bắt buộc kể từ ngày 01/01/2020.

Mục tiêu của Chương trình Dán nhãn Năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD) và giảm phát thải 34 triệu tấn CO2 tính tới năm 2030. Lượng điện quốc gia tiết kiệm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm nhu cầu đối với khoảng hai nhà máy nhiệt điện đốt than công suất 500 MW (tương đương với 1 tỷ USD đầu tư nhà máy điện).

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc trung tâm Trung tâm Phát triển Công nghệ cao (HTD) khẳng định: “Đây là thời điểm phù hợp để triển khai chương trình dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm chiếu sáng LED. Sự hỗ trợ của dự án LED trong 02 năm qua đã mang lại sự chuyển đổi tích cực trong kinh nghiệm và trình độ sản xuất cũng như chuyển hướng thị trường chiếu sáng Việt Nam theo công nghệ LED, một công nghệ chiếu sáng tiên tiến hiện nay”.   

Theo ông Đào Xuân Lai, việc dãn nhán năng lượng là công cụ hiệu quả thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.  

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP cho biết: “Việt Nam có mức tiêu thụ năng lượng cao, trung bình khoảng 1,15-1,2kWh/USD, có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn. Ngành chiếu sáng chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ điện và có tiềm năng tiết kiệm điện khoảng từ 10-15%.

Do vậy, việc dãn nhán năng lượng là công cụ hiệu quả thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng… Ngoài ra, “sự tham gia của các doanh nghiệp trong xây dựng chính sách nói chung, và dán nhãn cho các sản phẩm chiếu sáng LED nói riêng đóng góp tích cực cho tăng cường thực thi Luật và quy định của Chính phủ”.

Cũng tại hội thảo này, ông Đặng Hải Dũng, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: “Thực hiện dán nhãn năng lượng hiệu quả và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm LED không chỉ nhằm thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, mà còn từng bước ổn định và nâng cao chất lượng các sản phẩm LED ở Việt Nam”.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về dán nhãn năng lượng và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm LED tại hội thảo, chuyên gia quốc tế của UNDP - ông My Ton nhấn mạnh cần phải có đủ dữ liệu thị trường để xác định các tiêu chí (hiệu quả, tuổi thọ, chỉ số hoàn màu…) cho dán nhãn sản phẩm LED phù hợp với cả các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về dán nhãn đèn LED cũng quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chương trình dán nhãn năng lượng và hạn chế việc thâm nhập của các sản phẩm LED kém chất lượng vào thị trường. Trung bình bóng đèn LED có tuổi thọ từ 25.000 đến 50.000 giờ tương đương với 12 năm sử dụng, nếu sử dụng bóng đèn đó 12 giờ một ngày và có thể tiết kiệm điện từ 50% đến 70% lượng điện hàng tháng. 

Dự án LED được triển khai với mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải các khí nhà kính (GHG) thông qua chuyển đổi thị trường chiếu sáng hướng đến các sản phẩm chiếu sáng LED tại Việt Nam. 

Dự án đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng định hướng phát triển, chuyển giao công nghệ và thị trường chiếu sáng LED một cách bền vững thông qua xây dựng các tiêu chuẩn TCVN cho đèn LED; hỗ trợ trực tiếp 02 công ty sản xuất đèn làm chủ thiết kế và cải tiến quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm; trình diễn lắp đặt và thay thế đèn LED sản xuất nội địa cho chiếu sáng trong nhà và đường phố.

Dự kiến dự án sẽ góp phần giảm lượng phát thải GHG trực tiếp đạt 69,38 ktấn CO2 tới năm 2020 và 5,154 triệu tấn cộng dồn tính đến năm 2030, góp phần làm giảm phát thải GHG của ngành chiếu sáng Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực triển khai Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam.  

Bảo Lâm

Vì sao dán nhãn năng lượng tốn nhiều thời gian, chi phí?(VietQ.vn) - Chậm đẩy mạnh công nhận lẫn nhau giữa các Bộ cùng với việc áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành chưa đồng đều khiến cho doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực dán nhãn năng lượng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang