Ladophar: Từ 'ao làng' đến giải thưởng mang tầm quốc tế

author 06:10 02/04/2017

(VietQ.vn) - 26 năm nỗ lực chính là hành trình đầy bản lĩnh đã giúp DS Phạm Thị Xuân Hương cùng Ladophar không ngừng vươn tới thành công. Doanh nghiệp này đạt giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do APQO trao tặng.

Trong xu thế chất xám đều chảy về các vùng trũng - đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh để tìm cho mình một cơ hội phát triển thì dược sĩ (DS) Phạm Thị Xuân Hương lại dũng cảm lựa chọn một hành trình ngược về cao nguyên để gắn bó với Đà Lạt nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Không có thành công bất biến nào mà không có sự tận tụy. 26 năm nỗ lực không ngừng chính là hành trình đầy bản lĩnh đã giúp bà cùng Ladophar không ngừng vươn tới thành công. Ngày 27/2/2017, DS Phạm Thị Xuân Hương được vinh danh Thầy thuốc ưu tú.

Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng, bà Phạm Thị Xuân Hương

Từ nữ dược sĩ đến Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng 

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược, DS Hương về công tác tại Công ty Dược - Vật tư y tế Lâm Đồng (Ladophar ngày nay). Xuất phát điểm là nhân viên bộ phận bảo quản, giao nhận thuốc.. bà không ngừng học tập nâng cao trình độ dược sĩ chuyên khoa. Đến nay, DS Phạm Thị Xuân Hương là Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ladophar.

Trong quá trình công tác tại bộ phận nghiệp vụ với nhiệm vụ phụ trách công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên liệu, hóa chất, y cụ cung ứng cho sản xuất và phân phối đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong tỉnh, DS Hương đã tiên phong trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ đạt chuẩn. Từ nền tảng này, Ladophar là doanh nghiệp dược địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và được Bộ Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận “Chuỗi nhà thuốc DPP”, góp phần cho việc quản lý chất lượng cũng như giá cả thuốc lưu hành trên thị trường tỉnh Lâm Đồng được kiểm soát và ít có biến động.

Sự nghiệp Thầy thuốc ưu tú Phạm Thị Xuân Hương đã mang lại nhiều nghiên cứu hữu ích cho Ladophar, góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Nhiều ý tưởng do DS Hương và các đồng nghiệp đưa ra được ứng dụng vào sản xuất như: Thay nguyên liệu sản xuất Vitamin B1 từ ThyaminClohydrat bằng ThyaminNitrat và từ đó xây dựng lại Phương pháp kiểm nghiệm mới phù hợp. Phát hiện quy trình kiểm tra chất lượng một số nguyên liệu chưa phù hợp trong quá trình cung ứng nguyên liệu sản xuất thuốc DEP, từ đó xây dựng lại quy trình kiểm tra phù hợp...

Hàng loạt đề tài sáng kiến cải tiến do DS Hương và các cộng sự thực hiện đã được ứng dụng vào sản xuất và đưa ra thị trường như: Cải tiến các máy xay nguyên liệu để làm giảm tiếng ồn và tỷ lệ bụi, cải tiến quy trình sản xuất cao Actisô để nâng cao hàm lượng hoạt chất sau khi chiết và giảm thời gian cô, tiết kiệm nhiên liệu và công từ đó giảm được giá thành của sản phẩm. Nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm mới là Trà tươi Actisô, kết hợp giữa công nghệ chiết xuất dược phẩm và công nghệ sản xuất Trà Oloong từ dược liệu đặc sản của Đà Lạt là Atisô.

Con đường đến các giải thưởng danh giá

Hiện nay, Ladophar đang là một trong những đơn vị tiên phong của ngành dược đầu tư phát triển dược liệu và cũng là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu để cung cấp cho các nhà máy dược phẩm trong và ngoài nước.

2 năm liên tiếp 2015 - 2016, Ladophar nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia do Chính phủ trao tặng. Trên cơ sở này, Ladophar là một trong ba doanh nghiệp xuất sắc trong cả nước vinh dự được đề cử tham gia và đoạt giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO) xét duyệt và trao tặng.

Giải thưởng GPEA là giải thưởng danh giá mà các công ty lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều hướng tới và mong muốn đạt được bởi lẽ các tiêu chí đề cử tham gia rất khắt khe như: phải được nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia ở nước sở tại trong vòng 2 năm gần nhất, phải do cơ quan Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đề cử… Bên cạnh đó, các tiêu chí xét duyệt giải thưởng đều áp dụng theo các tiêu chí của Mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige).

Việc đánh giá, chấm điểm phải do các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật hàng đầu châu Á và thế giới thực hiện. Giải thưởng GPEA chỉ được trao cho các tổ chức, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trước thềm lễ trao GTCLQG, GPEA Chất lượng Việt Nam đã có một cuộc trò chuyện "thuyền trưởng" Phạm Thị Xuân Hương về con đường Ladophar đến với giải thưởng danh giá này.

Với cương vị là Tổng giám đốc Ladophar, bà đánh giá như thế nào về việc áp dụng 7 tiêu chí của GTCLQG trong việc quản trị doanh nghiệp?

Tôi cho rằng 7 tiêu chí của GTCLQG là công cụ quan trọng để một doanh nghiệp phát triển bền vững. Những tiêu chí về vai trò lãnh đạo, hoạch định chiến lược cho đến cách triển khai đánh giá.. bất kể doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đều rất cần có. Có thể nói, GTCLQG như một thước đo sức khỏe cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp cố gắng hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị và phát triển bền vững.

Theo bà, GPEA có ý nghĩa như thế nào đối với một doanh nghiệp địa phương trong việc hội nhập?

Tất cả các doanh nghiệp đều băn khoăn khi bắt đầu hội nhập và hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, bởi không chỉ ngoài thế giới mà sự cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng trở nên vô cùng gay gắt.

Khi chúng tôi tham gia GTCLQG và được đề cử tham gia và đoạt giải tại GPEA, chúng tôi cảm thấy rất tự tin vì các tiêu chí của GTCLQG rất gần với những chỉ tiêu của Hoa Kỳ, làm cho doanh nghiệp cảm thấy tự tin hơn khi tham gia hội nhập.

Đặc biệt khi Ladophar xuất phát điểm là một doanh nghiệp địa phương, chúng tôi càng cảm thấy tự hào và thấy mình có niềm tin khi hội nhập.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm được doanh nghiệp quan tâm như thế nào?

Để phát triển bền vững thì vấn đề năng suất chất lượng trở nên rất quan trọng với doanh nghiệp. Sản phẩm, dịch vụ, hệ thống quản trị của doanh nghiệp phải có chất lượng thì mới có thể phát triển bền vững. Chính vì vậy, chúng tôi đầu tư cho nhóm sản phẩm theo chiều sâu. Lâm đồng là 1 trong 8 tỉnh trọng điểm về dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoạt động trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng, Ladophar luôn trăn trở làm sao để phát triển được dược liệu địa phương. Atiso là một cây lợi thế cạnh tranh của Đà Lạt - Lâm Đồng và được chọn là cây dược liệu quốc gia, bởi vậy trong những năm qua Ladophar đã đầu tư sâu cho phát triển Atiso.

Hiện nay, Ladophar quản trị chất lượng Atiso từ trồng trọt, thu hái, chế biến đến công nghệ chiết xuất khi cho ra đời thành phẩm để hoàn toàn làm chủ về chất lượng từ đầu vào cho đến đầu ra. Trong những năm tới đây, Ladophar sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để thương hiệu Atiso gắn liền với Đà Lạt - Lâm Đồng, với Ladophar.

Atiso trở thành những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân là định dướng của Ladophar những năm tới. Chúng tôi đa dạng hóa sản phẩm, từ trà rễ cây Atiso, lá Atiso (Ladophar đang sở hữu độc quyền và đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm này). Lá Atiso rất tốt nhưng rất đắng, để trở thành sản phẩm có thể sử dụng đến tay người tiêu dùng là trăn trở của Ladophar nhiều năm qua. Và 3 năm trước Ladophar đã cho ra đời sản phẩm này với công nghệ chiết xuất kết hợp công nghệ sản xuất trà ô long mới. Bên cạnh đó, Ladophar cho ra các sản phẩm thuốc nước từ Atiso và các dược liệu quý, đầu tư dây chuyền chiết xuất, pha chế thuốc nước tự động. Sản phẩmHerbaga là sản phẩm thuốc dạng nước đầu tiên mà chúng tôi đã cho ra đời.

Hiện nay, người tiêu dùng rất là đón nhận các sản phẩm của Ladophar.

Cám ơn bà và chúc Ladophar thành công hơn nữa!

Hoàng Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang