Từ sai phạm của ông Truyền: Đừng tưởng về hưu đã "hạ cánh an toàn"!

author 06:47 22/11/2014

“Tôi nghĩ đây là việc tạo ra tiền lệ để xử lý và cảnh tỉnh cho những người nào đã sai phạm trong thời kỳ đương chức thì đến lúc về hưu hãy dè chừng” – ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói.

Bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 21/11, phóng viên Infonet ghi nhận nhiều ý kiến của ĐBQH sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) công bố sai phạm và thu hồi tài sản của cựu Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:  

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật): Đừng tưởng về hưu là “hạ cánh an toàn”!

Với tư cách là một ĐBQH, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của UBKT TƯ trong vụ việc này. Việc đưa ra được kết luận rất hợp lòng dân là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Điều đó cũng thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai.

Qua sự việc này có một điều đáng tiếc hơn cả, đó là người được giữ trọng trách của Đảng và nhà nước trong một thời gian dài, lại tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng mà lại có những sai phạm như vậy. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước rất rõ.

Từ vụ việc này tôi cho rằng chúng ta vẫn còn có sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm được thực hiện nghiêm túc, mà chính Thanh tra Chính phủ tham mưu việc đó thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương

Việc điều tra xác minh có nhiều sai phạm đến vậy, tôi nghĩ rằng trong quá trình thực hiện kê khai tài sản lần đầu và những lần sau đã không trung thực. Nếu nó được thực hiện trung thực thì các cơ quan đã phát hiện được. Điều đó cho thấy việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức.

Theo tôi, đây là một tiền lệ rất tốt, bởi chúng ta quản lý cán bộ không chỉ quản lý từ lúc đương chức mà còn phải quản lý ngay cả lúc về hưu, đặc biệt đối với Đảng viên. Rất nhiều trường hợp chỉ sau khi về hưu mới phát hiện được sai phạm. Người có sai phạm thường cho rằng mình đã “hạ cánh an toàn”, đến lúc về hưu mới bung ra thì lại cho rằng không ai làm gì được mình cả.

Nếu giải quyết vụ việc này triệt để chúng ta sẽ lấy lại được lòng tin của người dân đối với Đảng, với pháp luật. Tôi nghĩ đây là việc tạo ra tiền lệ tốt để xử lý và cảnh tỉnh cho những người nào đã sai phạm trong thời kỳ đương chức, đến lúc về hưu hãy dè chừng.

ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Truy trách nhiệm đơn vị cấp nhà cho ông Truyền

Một cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) lẽ ra phải là cơ quan gương mẫu nhất, trong sạch nhất, nhất là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ càng cần phải gương mẫu. Nhưng thật đáng tiếc sai phạm lại xảy ra với một cán bộ cấp cao nhất ở Thanh tra Chính phủ.

Những cán bộ của TP Hồ Chí Minh và Bến Tre do nể nang mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng nể nang như vậy thì luật pháp có còn được thực thi hay không? Cứ nể nang như vậy là xã hội bị rối loạn!

Tôi đặt dấu hỏi là liệu có đi có lại trong việc này hay không? Tôi hóa giá cho anh một căn nhà thì anh tạo điều kiện cho tôi việc gì đó hay không? Đây là lỗi cả hai phía, cả cơ quan Nhà nước và bản thân ông Truyền.

Hơn ai hết ông Truyền phải là người am hiểu pháp luật. Ông Truyền cũng không thể nói do khó khăn về nhà ở để xin thuê, mua nhà. Vì cán bộ chỉ cần có một ngôi nhà để ở, không thể nào cần tới 5 - 6 căn nhà như vậy. Ông Truyền lại là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Chính phủ, đó là điều không thể chấp nhận được.

Sau khi có kết luận của UBKT TƯ, tôi tin rằng thời gian tới các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc chứ không chỉ dừng lại ở kết luận.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp): Lỗi của công tác bổ nhiệm

Tôi chỉ lý giải rằng ở đây có lỗi của cơ chế, công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Mà thực tế Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó vì Quốc hội phê chuẩn ông Trần Văn Truyền là thành viên Chính phủ.

Với cơ chế cán bộ như hiện nay, khi trình lên Quốc hội đôi khi Quốc hội không đủ thông tin để xem xét một con người. Cho nên chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ để thấy được những lỗ hổng để khắc phục.

Muốn thực hiện công việc chống tham nhũng hiệu quả, phải thể hiện quyết tâm không chỉ bộ máy nhà nước mà phải là cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, làm thế nào thì phải tuân thủ theo quy định của Đảng, Nhà nước chứ không nên vội vàng làm một cách tùy tiện, còn văn bản nào hổng thì chúng ta rà soát để sửa đổi ngay cho nó hoàn thiện để chúng ta thực hiện.

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang