Bộ Y tế sắp ‘trả lại tên’ cho sữa nhưng người dùng vẫn ngơ ngác

authorDương Phương Ngọc 12:12 24/08/2017

(VietQ.vn) - Từ tháng 3/2018, Bộ Y tế quy định: Doanh nghiệp phải ghi rõ ‘sữa tươi’ hay ‘sữa bột pha lại’ (hay sữa công thức) trên vỏ hộp. Tên gọi "sữa tiệt trùng" gây nhầm lẫn đã được gọi đúng tên là "sữa hoàn nguyên" và "sữa hỗn hợp".

Từ tháng 3/2018, Bộ Y tế sẽ "trả lại tên" cho... sữa

Tại thời điểm năm 2008 - trong "cơn bão" sữa nhiễm Melamine gây bệnh sạn thận ở Trung Quốc, thì tại Việt Nam tỷ lệ sữa nước được sản xuất theo cách thức dùng sữa bột nhập khẩu pha lại (hoàn nguyên) là 92%. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%.

70% là một tỷ lệ rất cao và đó là một thực tế hết sức nghịch lý của thị trường sữa Việt Nam khi so sánh với các thị trường sữa tại các nước tiên tiến trên thế giới đang tiêu dùng chỉ khoảng 3% sữa bột công thức và 97% sữa tươi, sản phẩm sữa được sản xuất từ sữa tươi. Điều đáng nói là Việt Nam dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi 23.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại, dẫn tới nhập siêu rất lớn.

Thêm vào đó, trên thực tế, từ trước tới nay, người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột.

30% cổ phần FPT Shop vào tay chủ đầu tư nước ngoài(VietQ.vn) - 6 triệu cổ phiếu, tương đương 30% vốn điều lệ tại FPT Retail - công ty quản lý chuỗi cửa hàng FPT Shop đã được FPT bán cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.

Mới đây, Bộ Y tế vừa chính thức công bồ thông tư số 03/2017/TT-BYT ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5:1-2017/BYT- sửa đổi QCVN 5:1-2010/BYT).

Nếu như trong quy chuẩn 2010, chỉ có 7 loại sữa (Sữa tươi thanh trùng - Sữa tươi nguyên chất thanh trùng - Sữa tươi tiệt trùng - Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng - Sữa tiệt trùng - Sữa cô đặc - Sữa gầy cô đặc), thì trong quy chuẩn 2017, các sản phẩm sữa được phân loại theo cách khác.

Trong quy chuẩn sửa đổi này, 4 khái niệm sữa tươi được ghi rõ: sữa tươi nguyên chất (100% sữa tươi), sữa tươi nguyên chất tách béo, sữa tươi (có thành phần 90% trở lên là sữa tươi) và sữa tươi tách béo.

Đặc biệt, tên gọi "sữa tiệt trùng" được gọi đúng tên là sữa hoàn nguyên (sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột); sữa hỗn hợp (sản phẩm được chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu và sữa bột, có thể bổ sung các thành phần khác…).

Để tránh sự hiểu lầm của người tiêu dùng: Bộ Y tế quy chuẩn lại tên các loại sữa.

 

Với Thông tư này, thị trường sữa, tên gọi sữa tại Việt Nam sẽ được phân biệt một cách minh bạch, giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn như trước.

Ngoài ra, thông tin rõ ràng về tên gọi của sữa tươi hay sữa bột cũng giúp bảo vệ nông dân, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước. Đây cũng là định hướng mà Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo triển khai. Việc này hoàn toàn hỗ trợ cho kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò sữa và các mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa tươi (1 tỷ lít vào năm 2020 và 1,4 tỷ lít vào năm 2025) của Chính phủ;

Thêm vào đó, bảo hộ sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài.

QCVN sửa đổi sẽ giúp phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngành sữa tránh khỏi tác động của những biến động bất lợi từ thị trường quốc tế thông qua các biện pháp phi thuế quan.

Theo Bộ Y tế, Quy chuẩn 2017 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người sử dụng; Phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu tại Việt Nam; Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật Việt Nam; Hài hòa với tiêu chuẩn, quy định quốc tế, bảo đảm tránh tạo ra rào cản trong giao lưu thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Quy chuẩn 2017 được cập nhật theo các khuyến cáo về quản lý nguy cơ của cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài, Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO), Tổ chức y tế thế giới (WHO), Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX).
Quy chuẩn 2017 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

Người tiêu dùng vẫn ngơ ngác

Việc Bộ Y tế công bố quy chuẩn mới về ghi tên nhãn sữa, khiến nhiều người tiêu dùng giật mình nhận ra suốt nhiều năm vừa qua có những loại sữa tưởng rằng "tươi" mà không phải sữa tươi!

Chị Vũ Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Tháng nào chị cũng tiêu tốn gần 500 nghìn đồng để mua sữa tươi cho 2 con, tuy nhiên, khi hỏi cụ thể chị mua loại sữa nào, chị đưa bao bì ra thì trên đó có ghi "sữa tiệt trùng". Trong suy nghĩ của chị, "sữa tiệt trùng" đồng nghĩa với "sữa tươi", loại tốt nhất cho trẻ em. Điều này chứng tỏ kiến thức của người tiêu dùng về các sản phẩm sữa còn rất mơ hồ trong khi đó nhu cầu sử dụng lại rất cao.

Nhiều người không biết rằng: "Sữa tiệt trùng" chỉ là giải pháp công nghệ trong chế biến sữa, không nói lên được bản chất sữa đó chế biến từ nguyên liệu sữa tươi hay sữa bột, nó hoàn toàn không phải sữa tươi như một số người tiêu dùng vẫn lầm tưởng bấy lâu nay.

Theo phân tích của các chuyên gia ngành sữa, sự khác nhau cơ bản giữa sữa tươi hay sữa bột pha lại thể hiện ở chỗ sữa tươi ngay sau khi khai thác trực tiếp từ bò sữa, được áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm giữ được tối đa các vi chất dinh dưỡng của sữa. Sữa bột đã phải dùng đến công nghệ gia nhiệt để biến sữa nước thành sữa bột để lưu trữ, sau đó đến thời điểm cần thiết lại phải dùng biện pháp công nghệ để pha lại sữa bột thành sữa nước, trong quá trình đó các vi chất dinh dưỡng đã hao hụt đi, phải dùng biện pháp hóa học để bổ sung. Bản chất sữa pha lại không thể so sánh về độ tươi ngon và dinh dưỡng nguyên chất như sữa tươi.

Một lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 khẳng định, ông từng đi thăm các trang trại bò sữa của các thương hiệu lớn và nhận thấy rõ chi phí để có cốc sữa tươi tốn kém hơn rất nhiều lần so với việc DN nhập sữa bột về pha lại. Vì vậy, việc sửa đổi quy chuẩn Việt Nam đối với sữa dạng lỏng, trong đó yêu cầu ghi nhãn rõ ràng sữa tươi hay sữa bột pha lại là yêu cầu về cách làm sòng phẳng, minh bạch thông tin với khách hàng.

Hiện tại, theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, do chưa đến hạn cuối buộc phải thay đổi nhãn mác bao bì nên trên thị trường hiện nay, các nhà sản xuất, các hãng sữa vẫn sử dụng những loại bao bì cũ. Các hộp sữa mang tên "Sữa tiệt trùng" vẫn chưa được "khai tử".

Chị Phạm Thị Mùi, chủ một đại lý tạp hóa nhỏ trong hẻm 193/64 Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Thời tiết nắng nóng, sữa tiệt trùng cũng như các loại sữa khác vẫn bán rất chạy. Thông thường khách đến ít quan tâm tới "sữa tươi" hay "sữa thanh trùng", "tiệt trùng". Họ cứ nghĩ tất cả sữa nước là sữa tươi, nên họ chỉ nhìn vào thương hiệu và trọng lượng hộp, như hộp nhỏ hay hộp to. Khách hàng nào khó tính lắm hoặc hiểu biết nhiều về ngành sữa thì mới tìm trên bao bì để thấy có chữ "sữa tươi" mà thôi!".

Liên quan tới việc các doanh nghiệp sữa trong nước đã có động thái gì trong việc thay đổi mẫu mã bao bì hay chưa, phóng viên đã thử liên hệ với một số công ty sữa Việt Nam, tuy nhiên, các hãng sữa lấy lý do để từ chối trả lời.

Ngoài làm rõ nguyên liệu chế biến trên bao bì, Quy chuẩn Việt Nam lần này cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, tỷ lệ các thành phần bổ sung để người tiêu dùng biết, lựa chọn.

Điều quan trọng là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm cần được biết rõ nguyên liệu, nguồn gốc xuất xứ có được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang