Từ tin đồn Lazada ‘sập tiệm’: Nhìn lại 3 xi–lanh hút máu của thương mại điện tử

author 06:47 19/03/2016

(VietQ.vn) - Từ tin đồn Lazada 'sập tiệm', GĐ Viện Quản lý VN đã chỉ ra 3 xi–lanh hút máu nhà đầu tư, khiến các trang thương mại điện tử không thể sống khỏe tại VN.

Lời tòa soạn: Theo công bố của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công thương: Doanh số thương mại điện tử bán lẻ B2C (Business To Customer) tại Việt Nam đang tăng dần lên qua các năm, nhất là năm 2015, đạt 4.07 tỷ USD – một con số khá ấn tượng.

Tuy vậy, từ cuối năm ngoái, liên tục các website thương mại điện tử đóng cửa bắt đầu từ beyeu cho tới FoodPanda và mới đây, Lazada cũng bị đồn đoán sắp rút khỏi Việt Nam, điều này đã vẽ lên bức tranh u ám của thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bản chất của ngành thương mại điện tử có thực chất u ám như chúng ta nhìn nhận hay không sẽ được bàn luận trong bài viết dưới đây của ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản Lý Việt Nam – Founder cổng du lịch www.hitrip.vn gửi độc quyền tới báo Chất lượng Việt Nam.

 3 xi-lanh hút máu nhà đầu tư

Trên góc nhìn tiêu cực, thương mại điện tử là chiếc xi - lanh khổng lồ hút máu các nhà đầu tư và khởi nghiệp. Sự ngây thơ tin tưởng thương mại điện tử rẻ tiền không còn đúng nữa với hóa đơn chi phí tiếp thị trực tuyến khổng lồ.

Chúng ta có thể nhìn vào tổng doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến với hai ông lớn Facebook và Google cũng như chi phí chuyển từ offline sang quảng cáo online.

Trong kinh doanh quy luật cận biên luôn luôn đúng khi quá nhiều đơn vị thực hiện nhiều hoạt động tương tự nhau thì chi phí ngày càng tăng cao và tính hiệu quả ngày càng giảm.

Sự thật rằng các doanh nghiệp E commerce (thương mại điện tử) đang phải chi rất nhiều tiền quảng cáo cho hiệu quả quảng cáo ngày càng kém đi trên thực tế. 

 Lazada sau 4 năm "tự hút máu mình", có thể sẽ buộc phải rút khỏi VN?

Chiếc xi - lanh hút máu thứ hai đó là hệ thống offline hay back office của thương mại điện tử. Nếu như thương mại điện tử là lời hứa thì hệ thống back office là nơi thực hiện lời hứa cho khách hàng.

Chi phí vận hành hệ thống back office bao gồm triển khai, giao nhận, bảo hành, thanh toán chiếm một phần khá lớn trong vận hành thương mại điện tử. Quan trọng hơn, các công ty E commerce phải đầu tư trước – đã tốn phí cho thương mại điện tử nhằm đảm bảo lời hứa cho khách hàng.

Xi - lanh hút máu thứ ba đó chính là yêu cầu về công nghệ hệ thống cũng như nguồn nhân lực. Chi phí đầu tư và vận hành cao cũng chưa thấm tháp gì với tư duy bạo phát, bạo tàn của các công ty E commerce.

Các đơn vị đều có chung một ảo tưởng trong việc Get Big Fast – lớn nhanh bất chấp hậu quả như thế nào. Họ đều đổ tiền để nhằm tăng trưởng giao dịch bất chấp những giao dịch đó có thật sự mang lại hiệu quả về kinh doanh lâu dài hay không.

Các website E commerce thường có những khuyến mại khủng nhằm kích thích mua và tăng trưởng giao dịch. Tuy nhiên bản chất họ chỉ thu hút các khách hàng quan tâm về giá cả thay vì những việc khác như chất lượng hay dịch vụ.

Khi không còn khuyến mãi hay giảm giá nữa khách hàng sẽ không mua. Câu chuyện tương tự như một nhà hàng năm sao khuyến mãi thật thấp và chỉ thu hút các khách hàng bình dân. Chắc chắn khách hàng bình dân sẽ không quay lại để sử dụng sản phẩm tại mức giá năm sau sau khi khuyến mại.

Quan niệm này song hành với các vấn đề ở trên đã khiến các E commer đổ tiền nhiều hơn khả năng hấp thụ của thị trường người tiêu dùng. Tốc độ hấp thụ thị trường là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Không thể biến con ếch thành con bò chỉ qua một đêm

Nói một cách ngắn gọn chúng ta không thể biến con ếch thị trường thành con bò thị trường qua một đêm bằng cách bơm hơi cho nó. Chúng ta thường hay nghe những phép mầu về thị trường E commerce, ví dụ như độ lớn, số lượng người tham gia, sự thuận tiện trong thanh toán.

Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Tin tưởng là rào cản quan trọng nhất làm cho thị trường thực tế nhỏ hơn nhiều với lý thuyết. Mua hàng tận tay tận cửa hàng còn bị lừa, còn bị dịch vụ đểu huống hồ mua qua mạng.

Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam.

Sự bất tiện trong thanh toán song hành với thói quen tiêu tiền mặt cũng là những lý do mua bán qua mạng chưa đạt kỳ vọng.

Thiếu hụt các giải pháp trung gian như ví điện tử cũng là nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng e ngại. Việc Mo Mo được đầu tư 28 triệu USD ngày hôm nay có thể là cú hích đột phá cho thị trường  E Commerce. 

Yếu tố thứ hai đó chính là sự dè dặt của người tiêu dùng Việt Nam khi mua một sản phẩm/ dịch vụ mới. Các doanh nghiệp cần phải có thời gian tồn tại rất lâu mới chinh phục được lòng tin người tiêu dùng.

Nguyên nhân cuối cùng đó là không phải bất kỳ loại hàng hóa hay dịch vụ nào cũng có thể điện tử hóa qua mạng tại Việt Nam. 

Thị trường thương mại điện tử có hấp dẫn hay không hay chỉ là bình xi - lanh hút máu nhà đầu tư? Thị trường thương mại điện tử vẫn rất hấp dẫn với số lượng người sử dụng ngày càng tăng theo thời gian, các phương tiện thanh toán ngày càng sẵn sàng và quan trọng sự nhận thức của xã hội đang theo xu hướng này.

Những vấn đề ở trên chính do lòng tham của các nhà đầu tư E commerce khi họ quá tham lam đòi hỏi khả năng hoàn vốn nhanh. Có thể nói họ chính là nạn nhân của lòng tham lam của chính họ.

Các doanh nghiệp làm E commerce trên thị trường cần tỉnh táo đánh giá lại khách hàng, sản phẩm và dịch vụ cũng như các giá trị mang lại cho khách hàng. Đây là công thức căn bản  và nền tảng nhất cho mọi loại hình kinh doanh.

Trong năm 2016, bản thân tôi đang có kế hoạch khởi nghiệp một cổng du lịch vé máy bay, tour, khách sạn và các dịch vụ du lịch khác tại www.hitrip.vn.

Toàn team hitrip đã chọn lựa chiến lược phát triển chậm chắc và từ từ theo thời gian. Quy tắc lượng và chất luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Không chóng thì chày con bò cũng xẹp trở lại hình hài con ếch ban đầu sau khi đã xì hết hơi.

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam, Founder cổng du lịch www.hitrip.vn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang