Từ văn hóa “đỏ đen” đến công cụ pháp luật điều chỉnh

author 03:58 23/07/2012

(VietQ.vn) - Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ đã bị bắt giữ vì liên quan đến hành vi đánh bạc. Rõ ràng, viêc này đang trở thành vấn nạn trong cơ chế quản lý.

Từ vụ “quan” Lèo, “quan” Tân đánh bạc tiền tỉ ở Sóc Trăng, nay lại thêm vụ “quan” Trân ở Hà Tĩnh ngồi chiếu bạc ngay trong giờ hành chính, khiến dư luận không khỏi lo lắng về tư cách, đạo đức của cán bộ nhà nước. Tại sao hiện tượng này xảy ra ngày càng nhiều? Có biện pháp nào kiểm soát được văn hóa "sát phạt", ăn thua ở một bộ phận không nhỏ người Việt? Vấn đề đánh bạc có cần hợp pháp hóa để kiểm soát hữu hiệu? PV Chất Lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia pháp lý Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng) về vấn đề này.

Ông nghĩ thế nào về hiện tượng cán bộ đánh bạc ở nước ta hiện nay?

Cờ bạc vốn có từ rất lâu trong lịch sử loài người, ở khắp nơi trên thế giới với đủ hình thức, chứ không riêng gì Việt Nam. Hiện nay ở nước ta, đánh bạc là hành vi trái pháp luật và tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thế nhưng dường như cấm thì cấm mà việc đánh bạc vẫn âm ỉ, thậm chí ngang nhiên xảy ra hàng ngày với đủ hình thức. Báo chí có nêu, trong mùa Euro 2012, cơ quan điều tra ở các địa phương cả nước đã khám phá 154 vụ, bắt gần 1.000 người đánh bạc. Trong đó, các thành phố lớn vẫn dẫn đầu các vụ đánh bạc bị "khui" ra như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Điều đó cho thấy, phàm đã máu mê đánh bạc thì dân thường hay quan chức cũng có thể dính vào.

Bị cáo Đinh Văn Mười, nguyên Ủy ban kiểm tra thành ủy Sóc Trăng lĩnh án vì đánh bạc tiền tỷ
Bị cáo Đinh Văn Mười - nguyên cán bộ Ủy ban kiểm tra thành ủy Sóc Trăng, lĩnh án vì đánh bạc tiền tỉ

Tuy vậy, khác với người dân, cán bộ được bầu, được cử để thực hiện công vụ, hưởng lương do dân đóng thuế mà ngay trong giờ hành chính bỏ việc, đánh bạc là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức công vụ, lẫn sự thể hiện yếu kém khả năng giám sát, kiểm tra của cơ quan, tổ chức đối với người họ quản lý.

Cũng là cán bộ đánh bạc với đối tượng là cán bộ, nhưng với số tiền đánh bạc trong vụ “quan” Trân ở Hà Tĩnh chỉ thu được tang vật là 4 triệu đồng, khám xét trong người các đối tượng chỉ thu được thêm 5 triệu đồng thì theo quy định của pháp luật, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo Điều 248 Bộ Luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì đánh bạc bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc tuy dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội  tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì đã đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc (về chế tài: có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm).

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP thì tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người đánh bạc với nhau, bao gồm: tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc thu giữ trực tiếp tại chiếu bạc (ví dụ trường hợp này là 4 triệu), tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc (5 triệu) mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc, tiền hoặc hiện vật thu giữ ở nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc (tiền, xe cộ, nhà cửa, đất đai... dùng để đánh bạc ở nơi khác).

Như vậy, ngay tại chiếu bạc thu giữ được 4 triệu đồng là đã vượt mức tối thiểu 2 triệu đồng theo Điều 248 BLHS nên đã đủ yếu tố cấu thành tội đánh bạc. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu phạm tội thấy được ban đầu và cơ quan điều tra cần tiến hành điều tra, làm rõ để kết luận hành vi của các đối tượng bị bắt quả tang.

Theo ông, với tội danh đánh bạc, quy định của pháp luật hiện hành đã đủ nặng để răn đe?

Thế giới nhiều quốc gia không cấm đánh bạc, ở ta hiện nay Điều 248 BLHS quy định mức chế tài cao nhất là 7 năm tù cho hành vi đánh bạc, Điều 249 BLHS quy định mức chế tài cao nhất là 10 năm tù cho hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc.

Như vậy, chế tài pháp luật đã là nghiêm khắc, có tính răn đe rồi. Nhưng răn đe là thế mà hành vi đánh bạc có thể thừa nhận là đang diễn ra hàng ngày, những vụ việc cơ quan công an vào cuộc, công bố giữa công luận chỉ là con số nhỏ bé thôi, không nói hết được thực tế tồn tại các cuộc sát phạt đỏ đen.

Cán bộ đánh bài trong giờ hành chính có phải là biểu hiện rất đáng lo ngại của nền hành chính công vụ hiện nay?

Có thể nói, chuyện công chức đánh bài, ăn nhậu, đi học thêm kiếm bằng cấp, hay có nơi công chức đi du lịch hàng loạt, rồi công chức lách luật mở doanh nghiệp làm thêm... bỏ trống công sở, dành thời gian cho việc ngoài công vụ nhiều hơn thời gian phục vụ người dân là điều vẫn được báo chí lên tiếng phản ánh. Như thế có thể thấy sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện công vụ của người được dân đóng thuế trả lương. Đây được coi là kiểu tham nhũng về thời gian, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến nền công vụ đình trệ, quan liêu, lười biếng và yếu kém.

Thử hỏi, thêm một ông phó giám đốc sở của ngành giao thông nữa bỏ việc đi đánh bài ăn tiền thì các thuộc cấp của ông đang làm gì ông có biết không? Các vấn đề về giao thông của ngành ông quản lý ông có tỏ tường, chất lượng công việc của kiểu quan chức như thế này là ra sao? Đây là điều đáng lo ngại, bởi chắc chắn chúng ta phải ngấm ngầm thừa nhận với nhau, rằng không chỉ có vài ba ông "quan" giao thông như thế đâu. Từ Bùi Tiến Dũng cá độ cả trăm ngàn USD trong vụ đình đám PMU18 hay ông Lèo, ông Tân ở Sóc Trăng, đến ông Trân ở Hà Tĩnh... chỉ là những trường hợp đã bị phát hiện.

Lại thêm một vụ “bị lộ” rất đáng báo động về sự vận hành, kiểm soát của bộ máy công quyền đối với chính những con người trong bộ máy ấy. Sự tham nhũng về thời gian để đi đánh bạc, ăn chơi trác táng của một bộ phận công chức có liên hệ với sự tham nhũng về tiền bạc, bởi người ta dễ dàng đặt câu hỏi tiền ở đâu ra để cán bộ dễ dàng bỏ ra tiền tỉ sát phạt nhau, tiền đâu để ăn chơi, tiêu phí hơn người dân thường?

Vì sao hiện tượng đánh bạc vẫn diễn ra hàng ngày ở khắp nơi và kể cả cán bộ cũng thường xuyên bị phát hiện?

Tôi cho rằng sự máu me ăn thua, thú ham thích trò đỏ đen, thói lười biếng, sự phiêu lưu liều mạng và lòng tham của con người luôn có trong không ít người. Một khi những yếu tố đó hợp lại, người ta sẽ nhào vào chiếu bạc hoặc các trò đỏ đen khác để sát phạt, là điều đã và sẽ tiếp tục xảy ra.

Tuy nhiên không phải ai cũng lao vào các cuộc đỏ đen bài bạc. Bởi con người nói chung ngoài liều lĩnh, phiêu lưu, tham lam còn những tố chất, đức tính khác để tự điều chỉnh số phận cá nhân họ, hoặc họ sẽ dùng những tính cách đó cho việc ngoài bài bạc. Bởi vì thế, ở nước Mỹ chẳng phải ai cũng đến Las Vegas để đánh bài ăn tiền!

Có ý kiến cho rằng cần hợp pháp hóa việc đánh bạc, ý kiến của ông thế nào?

Hậu quả của việc đánh bài bằng cách sát phạt lẫn nhau là rất lớn, nhiều gia đình đã bị phá nát bởi những con bạc, nhiều số phận con người cũng đã bị xô đẩy rất bi kịch bởi trò đỏ đen. Tuy nhiên, như tôi đã nói trên, dù cấm thì việc đánh bạc ăn tiền vẫn diễn ra hàng ngày. Từ lô đề, cá độ bóng đá, cá cược đua ngựa, tá lả, phỏm, tổ tôm... đủ kiểu vẫn tồn tại. Cho thấy, nhu cầu đánh bạc là hiển nhiên và không thể cấm tuyệt đối.

Tại sao chúng ta không đổi mới tư duy quản lý trò đỏ đen này bằng cách cho người Việt chơi bài để có thể quản lý được họ chơi như thế nào, ai thì được chơi, chơi bao nhiêu để không rơi vào bi kịch xã hội? Về trước mắt, chắc chắc việc cho phép công dân Việt Nam chơi bài tại các sòng bài hoạt động hợp pháp sẽ không ngay lập tức xóa được nạn đỏ đen ở những chỗ trái phép, nhưng dần dần sẽ hướng xã hội có thói quen thực hiện hành vi được phép phổ biến; và khi đã gom được các hành vi đó vào các sòng bài thì Chính phủ sẽ dễ dàng kiểm soát. Không những thế, nguồn lợi từ hoạt động này là rất lớn.

Ở Singapore hay Hong Kong, thậm chỉ nguồn lợi từ kinh doanh sòng bài còn mang lại nguồn thu lớn đóng góp hàng tỉ USD vào GDP mỗi năm, gián tiếp kéo theo các nguồn khách du lịch từ các quốc gia khác nhau đến với đất nước của họ. Thực tế, hiện nay nhiều người Việt cũng đã ôm tiền đi Campuchia, Singapore, hay thậm chí đến cả Las Vegas để đánh bạc. Như thế, nếu cho công dân Việt Nam được đánh bạc trong khuôn khổ pháp luật với những quy định về mức tiền tham gia, điều kiện về chủ thể... thì không những sẽ tiến tới kiểm soát được hoạt động đỏ đen để ổn định về mặt xã hội, đồng thời lại thu giữ được nguồn tài chính không nhỏ vào ngân sách.

Vậy, sắp tới việc cán bộ như ông Trân đánh bạc cũng được xem là hợp pháp và không bị xem là xuống cấp về đạo đức như bây giờ chúng ta phê phán?

Ranh giới giữa hành vi nào xem là đạo đức hay không đạo đức còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Khi hoạt động đánh bạc được luật pháp cho phép đối với mọi công dân đủ điều kiện, thì cần nghiên cứu xem đối tượng cán bộ, công chức có được phép đánh bạc không, nếu được thì trong trường hợp nào? Cũng như đơn giản cán bộ ăn nhậu thì có gì vi phạm pháp luật đâu, nhưng bỏ việc trong giờ hành chính để ăn nhậu lại khác, lấy tiền từ ngân sách nhà nước ăn nhậu lại khác...

Riêng đối với cán bộ, công chức thì vấn đề xuống cấp đạo đức trong câu chuyện đánh bạc chỉ là một biểu hiện trong vô vàn biểu hiện khác nữa. Chẳng hạn, những vụ thất thoát hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách ở một số doanh nghiệp nhà nước chỉ bởi những quyết định còn "máu" phiêu lưu hơn cả đánh bạc nữa thì được lý giải như thế nào?

Những quyết định sai lầm, từng hành vi lợi dụng chức vụ, địa vị để thu lợi cả nhân, làm thiệt hại tiền của nhân dân đều là các vụ “đánh bạc” trên số phận của người dân, cần phải nghiêm trị bởi pháp luật. Đánh bạc với ván ù lấy được vài trăm ngàn của đồng nghiệp đâu nguy hiểm bằng hàng loạt vụ “đánh bạc” về chính sách, quyết định sai trái của chính những vị cán bộ như vậy.

Bởi hậu quả của những vụ “đánh bạc” như thế có thể thấy giống như tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm của hiện trạng giao thông nước ta, hay sự biến mất của hàng ngàn tỉ đồng tiền dân đóng thuế cho những cuộc phiêu lưu thiếu trách nhiệm của các ông chủ quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Lãng Tuyết
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang