Từ vụ hỏng mắt khi tiêm Filler làm đầy mũi, bác sĩ cảnh báo gì?

author 15:31 12/03/2019

(VietQ.vn) - Tiêm Filler nâng mũi là liệu pháp làm đẹp được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, nếu tiêm tại những địa chỉ kém chất lượng, bác sĩ không đủ tay nghề, đặc biệt tiêm "chui" tại các spa thì sẽ vô cùng nguy hiểm.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Filler... phương thức làm đẹp 'thiên thần' của chị em

Filler (hay chất làm đầy) trong đó acid hyaluronic được nhắc đến nhiều nhất là phương pháp làm đẹp nhanh, tức thì, không cần đến phẫu thuật mà chị em hay lựa chọn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết Filler được phát minh ra để thay thế cho silicone lỏng. Thành phần của chất này bao gồm HA (Hyaluronic Axit), cũng là một axit có trong cơ thể. Tất cả đã được kiểm nghiệm thực tế trên hàng trăm nghìn ca, chúng cho kết quả an toàn, được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận.

Tiêm Filler (hay chất làm đầy) là phương thức làm đẹp tức thì, không cần dao kéo. Ảnh minh họa

Thủ thuật làm đẹp này đơn giản, dễ tiêm nên nhiều cơ sở không giấy phép cũng thực hiện, chèo kéo khách hàng. Tuy nhiên, quy định của các cơ quan tổ chức y tế, y khoa trên thế giới đều bắt buộc người thực hiện là bác sĩ được cấp giấy phép.

Những sản phẩm filler đạt chuẩn sẽ được chứng nhận bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) hoặc chứng nhận CE Marking, sản phẩm tuân theo pháp luật của Liên minh Châu Âu (EU) và cho phép sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu. Sản phẩm sẽ có mã số để khách hàng kiểm tra.

Một số loại filler đã được Bộ Y tế kiểm định, cho phép nhập khẩu và cấp phép lưu hành như Restylane, Juvederm, TeoXane và Radiess. Nếu bệnh nhân người tiêm chất này sau 20 tháng vẫn không tan hết. Đây là loại đã bị pha silicone lỏng.

Cẩn trọng biến chứng khi sử dụng filler không rõ nguồn gốc

Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ, 27 tuổi, bị tắc động mạch mắt sau tiêm filler làm đầy mũi. TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân từng tiêm filler tại 1 cơ sở spa ở nước ngoài.

Ngay sau tiêm, bệnh nhân mất thị lực mắt phải và đau nửa đầu phải. Bệnh nhân về Việt Nam sau 7 ngày tiêm. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện thì trường hợp này đã quá trễ để xử lý, khó có thể giữ mắt phải cho bệnh nhân.

Bệnh nhân sau khi tiêm  Filler bị hỏng mắt. Ảnh BSCC

"Đối với trường hợp này, bệnh nhân sẽ được điều trị theo đúng phác đồ xử trí tắc mạch do HA và phối hợp chuyên khoa mắt để xử trí mắt mất thị lực", TS. Hà nói.

Hiện nay, tiêm filler được rất nhiều chị em ưa chuộng bởi sự nhanh chóng, tiện lợi của nó. Tiêm filler được quảng cáo rất nhiều tại các cơ sở thẩm mỹ, spa. Tuy nhiên, nếu việc tiêm filler được thực hiện tại những địa chỉ kém chất lượng, bác sĩ không đủ tay nghề, đặc biệt tiêm "chui" tại các spa thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Chưa kể thị trường có rất nhiều sản phẩm không biết rõ nguồn gốc trôi nổi, thật giả lẫn lộn thì hậu quả sẽ không thể lường được.

Qua trường hợp nữ bệnh nhân này, TS. Vũ Thái Hà khuyến cáo chị em hãy là những tín đồ làm đẹp thông thái để để đảm bảo an toàn cho chính mình. Chỉ nên tiêm filler và làm đẹp ở những cơ sở y tế uy tín, được Bộ Y tế cấp phép. Người thực hành tiêm filler phải là bác sĩ, chuyên gia được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ da liễu, có chứng chỉ hành nghề.

Sản phẩm tiêm filler phải có nguồn gốc, kiếm chứng độ an toàn, tinh khiết, tránh bị pha tạp. Sau khi tiêm, chị em cần được theo dõi sát sao và nếu xảy ra dấu hiệu bất thường thì cần được xử lý ngay lập tức để tránh hậu quả đáng tiếc.

 Thảo Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang