Từ vụ mất 500 triệu tại Vietcombank, chủ thẻ làm gì để không 'mất tiền oan'?

authorDương Phương Ngọc 06:28 16/08/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, không có hệ thống bảo mật nào tuyệt đối an toàn 100%, nên để không mất tiền oan, các chủ thẻ phải tự biết cách bảo vệ tài sản của mình.

Mới đây, tài khoản của khách hàng của ngân hàng Vietcombank Hoàng Thị Na Hương (trú tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã bị mất 500 triệu đồng. Sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Từ sự việc này, thông tin và mật khẩu của khách hàng là vấn đề nhạy cảm.

Đây không phải lần đầu tiên khách hàng bị mất tiền oan tại Vietcombank hay một số ngân hàng khác. Vào cuối năm 2015, nhiều chủ thẻ ATM tại Tp.HCM cũng than phiền về việc bỗng dưng mất tiền một cách “bí ẩn” trong khi thẻ ATM vẫn giữ gìn cẩn thận ở trong túi và không hề giao dịch tại hệ thống ngân hàng hay các quầy ATM.

11 vụ đánh bom liên tiếp ở Thái Lan, du khách Việt ra sao?(VietQ.vn) - Trong khi 11 vụ đánh bom đã xảy ra ở phía Nam Thái Lan, mọi hoạt động thăm quan của du khách Việt ở 2 điểm Bangkok và Pattaya vẫn diễn ra bình thường.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Thẻ ngân hàng Techcombank từng cho biết: Trong thực tế, việc quản lý thông tin thẻ/thẻ của ngân hàng luôn phải tuân theo một cơ chế nghiêm ngặt.

Mọi quy trình phát hành/thanh toán đều phải được đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của ngân hàng và tuân thủ đúng/đủ các tiêu chuẩn của hiệp hội thẻ trong nước và các tổ chức thẻ quốc tế Visa/Master/JCB, đặc biệt cả tiêu chuẩn quốc tế PCI DSS.

Hơn nữa, ngân hàng còn đảm nhiệm một chức năng vô cùng quan trọng đó là thanh tra giao dịch. Các chi tiêu giao dịch thẻ đều được Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ. Các giao dịch bất thường, tiềm ẩn rủi ro có thể được phát hiện sớm để ngăn ngừa, giảm tổn thất cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.

Vị đại diện này cũng nhận xét: Thực tế tại Techcombank, có đến hơn 90% các trường hợp khách hàng khiếu nại lên ngân hàng về việc “mất tiền oan” có nguyên nhân do khách hàng thiếu cẩn trọng khi dùng thẻ.

Họ đã không thật sự quản lý chặt chẽ thẻ của mình, tiết lộ thông tin mã PIN cho người thân, bạn bè và đôi khi còn đưa thẻ cho người khác sử dụng.

  Thiếu thông tin về bảo mật thẻ có thể khiến khách hàng "mất tiền oan". Ảnh minh họa.

Ngoài ra, rủi ro có thể bắt nguồn từ sự bất cẩn trong việc lưu trữ, bảo quản thẻ vật lý hoặc cũng có thể do thiếu thông tin về bảo mật thẻ.

Khi xu hướng sử dụng thanh toán online ngày càng nhiều, nếu khách hàng sử dụng thông tin thẻ để mua bán các dịch vụ/hàng hóa trên các trang mua bán online không uy tín có thể cũng dẫn đến những rủi ro bị đánh cắp thông tin thẻ.

Trước sự cố bị đánh cắp tiền ngoài ý muốn của khách hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như tội phạm thẻ lắp thiết bị lấy cắp thông tin thẻ tại trụ ATM, đồng thời lắp camera quay lén mật mã thẻ, sau đó chế tạo thẻ giả để rút trộm tiền.

Ngoài ra, cũng có thể là do chủ thẻ vô tình để lộ mật mã thẻ rồi bị bạn bè hoặc người thân... lợi dụng lấy thẻ rút trộm tiền sau đó trả về chỗ cũ.

Tuy nhiên, “không thể loại trừ trường hợp ngân hàng quản lý công nghệ thông tin kém, bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng tạo điều kiện cho kẻ gian có thể xâm nhập vào và lấy trộm thông tin, cuối cùng là lấy tiền của khách hàng” – TS. Hiếu nói.

Vị chuyên gia này giải thích: Các hacker có thể xâm nhập tất cả cơ sở điện toán của ngân hàng, từ đó họ có thể lấy cắp nhiều thông tin như tài khoản của khách hàng.

Nếu họ lấy cắp được cả mật khẩu, việc lấy trộm tiền sẽ được thực hiện một cách dễ dàng. TS. Hiếu cũng khẳng định: "Không có hệ thống bảo mật nào tuyệt đối an toàn 100%".

Mặc dù vậy, nếu khách hàng biết cách bảo vệ thẻ của mình, không trao tay một người khác, mật khẩu cũng giữ kín nghiêm ngặt (như không ghi chép lại ở bất cứ đâu, chỉ duy nhất một mình sử dụng thẻ của bản thân) thì xác suất kẻ gian đột nhập vào sẽ rất nhỏ.

Một số khuyến nghị đối với khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ

+ Tuyệt đối bảo vệ bí mật thẻ và PIN của mình, không được đưa thẻ cho người khác sử dụng

+ Quan sát các thiết bị lạ gắn trên ATM, đặc biệt khu vực phía trước bàn phím xem có camera hay không (vị trí này ngân hàng quản lý ATM không bao giờ gắn camera)

+ Khi giao dịch tại ATM, nếu như ATM chưa được trang bị thiết bị che bàn phím, khách hàng nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN để rút tiền nằm tránh việc kẻ xấu quay camera để trộm dữ liệu.

Trong trường hợp phát hiện các thiết bị lạ tại máy ATM, khuyến nghị khách hàng thông báo ngay với ngân hàng đặt máy ATM để có thể xử lý kịp thời kiểm tra, xử lý.

+ Khách hàng nên sử dụng các dịch vụ hỗ trợ như internet banking và mobile banking để có thể kiểm tra số dư và truy vấn giao dịch nhanh chóng mà không cần đến điểm giao dịch của ngân hàng.

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo hoặc bị ăn cắp thông tin, cần báo ngay cho ngân hàng.

+ Khi thanh toán thẻ, chủ thẻ lưu ý không để nhân viên thanh toán cầm thẻ ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Đồng thời yêu cầu nhân viên thanh toán thực hiện hủy ngay giao dịch nếu chủ thẻ cảm thấy nghi ngờ về các thao tác thanh toán đồng thời liên hệ với ngân hàng để xác nhận tình trạng giao dịch vừa thực hiện.

+ Chủ thẻ chỉ nên kích hoạt tính năng thanh toán internet khi chủ thẻ có nhu cầu sử dụng và đóng chức năng này khi không còn nhu cầu thanh toán.

Ngoài ra, nên lựa chọn phát hành thẻ tại ngân hàng phát hành thẻ quốc tế có bảo mật OTP khi thanh toán qua internet và ngân hàng có hệ thống giám sát giao dịch gian lận (fraud Detection) để giảm nguy cơ thiệt hại khi thẻ bị đánh cắp dữ liệu.

+ Không cung cấp thông tin về thẻ như: số thẻ, thời gian hiệu lực của thẻ, số CVV2 của thẻ, … qua email, web qua các không tin không đủ độ tin cậy được gửi đến cho chủ thẻ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang