Từ vụ xe Camry đâm 3 người chết thảm: 'Hãy học Tây, đừng uống rượu'

author 06:11 04/03/2016

(VietQ.vn) - “Tôi cứ nhói đau hối hận với ý nghĩ rằng: Dường như cả lối sống của xã hội chúng ta đã tăng thêm tốc độ cho chiếc xe Camry kinh hoàng màu tang tóc ấy”.

LTS: Vụ tai nạn giao thông cướp đi 3 sinh mạng tại phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) khiến nhiều người rớt nước mắt, xót xa cho số phận của 3 con người mà cái chết chỉ đến trong gang tấc.

Khi cơ quan cảnh sát, Công an quận Long Biên còn đang điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự của người lái xe Camry điên đã gây tai nạn kinh hoàng, không ít người dân Việt đã nhìn thẳng vào sự việc để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Bởi suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự cố đau thương này lại chính là từ men rượu. 

Chất lượng Việt Nam xin đăng tải nguyên văn những lời “gan ruột”, đầy tâm huyết của một độc giả gửi tới tòa soạn sau khi chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương từ vụ tai nạn trên phố Ái Mộ.

Lo sợ, bất an mỗi khi ra đường

“Công việc đang bù đầu, cần phải tập trung hết tâm trí vào để hoàn thành, nhưng quả thực, tôi vẫn nhói đau, phân tâm và bâng khuâng khó tả, khi đọc những tin hay link dẫn về tai nạn kinh hoàng xe Camry điên, đâm chết 3 người vừa qua. 

Hàng ngày, tôi vẫn đèo hai con trai nhỏ, đứa trước, đứa sau đến trường, rồi vội vã đến cơ quan, tối về lại đón các cháu. Ba bố con trên một chiếc xe máy và lại líu lo kể nhau nghe bao chuyện phiếm ngây thơ, trong trẻo với niềm hạnh phúc thường nhật, sau một ngày làm việc, trong lúc ánh chiều buông rực rỡ. 

Nhưng từ hôm qua tới nay, thực sự không thể nào yên tâm, mắt mũi cứ ngó trước ngó sau, lấm la lấm lét trong lo sợ và bất an. 

Người ông bất hạnh kia (ông Trần Việt Tiến, SN 1952, ở Tổ 7 phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội – pv) cũng đang đèo cháu yêu như mình, ông ta đi chậm và rất đúng luật giao thông. Nhưng cái khoảnh khắc đau đớn vô cùng thương tâm kia đã giáng xuống ông như một tiếng sét mạnh. 

Ông Trần Quốc Hưng (tác giả bài viết) chụp cùng bé gái người Tây.

Sự nhói đau cho tất cả chúng ta khi nhìn vụ tai nạn và sự mất mát của gia đình 3 nạn nhân. Lòng tự hỏi có phải nguyên nhân chính chỉ là một anh lái xe với khuôn mặt lạnh lùng, ảm đạm trên chiếc xe Camry với màu tang tóc kia không!? Hay đó là kết quả từ cả một ý thức hệ, cả một lối sống của chính chúng ta hiện nay, đã thêm mã lực cho cú tông đầy máu này!? 

Đến khi giật mình nhìn lại, cũng chính chúng ta mới thấy lo lắng và bất an vì nó có thể xảy ra với chính mình vào bất cứ lúc nào. Thay vì cố lẩn tránh, cố chạy trốn khỏi trách nhiệm, xin hãy cố gắng nhìn thẳng, nhìn thật, cùng đúc kết để hạn chế tốt nhất những tai nạn thương tâm như thế này và làm ơn:  Đừng uống rượu, bia nữa!

Dân ta dường như thích men quá, cái “con ma” này nó sẽ còn giết dần, giết từ từ và tàn phá đồng bào thân yêu của ta rất nhiều. Với tỷ lệ tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Số bia sản xuất trong nước 2,9 tỉ lít không đủ cung cấp cho nhu cầu uống bia của người Việt.

Điều đáng nói là rượu bia ở Việt Nam không đảm bảo chất lượng, tới mức Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã từng nhấn mạnh trên báo chí: “Hiện rất ít nơi còn sản xuất truyền thống theo kiểu chưng cất mà sử dụng cồn công nghiệp. Ví dụ ở Sơn La, người dân mua men Trung Quốc về ngâm gạo sống 2 ngày là đã có rượu uống. Ở phía Nam người ta thường cho cồn vào can nước 20 lít, phơi dưới ánh nắng 8-9 tiếng là được. Tác hại của những loại rượu này rất lớn”.

Quay lại vấn đề là uống rồi mới tham gia giao thông, thủ phạm lái chiếc xe này đã thừa nhận có uống rượu khi lái xe. Trong cuộc sống, xin hỏi bạn đã bao giờ từ bỏ lái xe vì trong người có men rượu bao giờ chưa?! Chúng ta vẫn chứng kiến hàng ngày đầy rẫy cảnh các quán nhậu, người người hô vang, sau đó mặt đỏ phừng phừng, đi thì không vững nhưng lên xe là phóng như bay về nhà, có thấy sợ không?!. 

Hãy học người Tây!

Tôi nghĩ: Cần một pháp luật rõ ràng và thực thi nghiêm minh trong toàn xã hội ngay từ lúc này trước khi quá muộn. Có bao nhiêu vụ đã bị xử phạt nặng để giáo dục, mà tiếng vang của nó lan ra toàn xã hội để đến mức chính chúng ta cũng thấy sợ mà phải bỏ uống khi lên xe chưa!? 

Trong khi, các nước bạn ngay bên cạnh ta đây, họ ghê tởm trong tiềm thức văn hóa. Pháp luật nước họ sẽ trừng trị rất nặng nếu bắt được lái xe khi đã có cồn trong máu. Xin hãy dừng tham gia giao thông khi đã uống rượu!

Người lái Camry khiến 3 người chết đã thừa nhận uống rượu khi điều khiển xe.

Thêm vào đó, cộng đồng cần cấp cứu nạn nhân cho đúng cách khi chứng kiến tai nạn. 

Một lần, tôi thấy một người đàn ông ngã vật ra đường ở một thành phố châu Âu, tôi đã tò mò đứng nhìn xem Tây họ cứu người có gì khác Ta không? Ban đầu là hai anh cảnh sát đến, một đứng cầm bộ đàm gọi ý ới, một cúi xuống sát cạnh nạn nhân và bảo vệ hiện trường. 

Sau đó một chút, xe cứu thương đến, hai bác sỹ lôi ra hàng hoạt thứ dụng cụ lỉnh kỉnh. Họ ngồi xuống xem xét, gắn bình thở cho nạn nhân, sau đó tỉ mỷ nắn từng khúc xương nạn nhân xem có gẫy, trượt gì không. Sau đó mới cho băng ca xuống và bế nạn nhân đi rồi hú còi phóng vụt mất. Cả một quy trình hết đến 10 phút đồng hồ nhưng chỉ có đúng 4 người chuyên trách, 2 người đứng canh, 2 người làm việc. Trong khi đó, nhân dân nước họ tất cả đứng xa, chẳng thấy bóng ai lại gần cả. 

Sau này ngẫm nghĩ và tìm hiểu, tôi mới biết đây là cách cấp cứu chuẩn nhất. Nạn nhân đang chấn thương hay gãy xương, mà chúng ta bế sốc lên xe máy hay ô tô chạy vù vù qua bao đường sóc, đường đông… thì rất có thể xương sẽ rời xa hơn, thậm chí, đâm vào mạch, vào tim, gan phổi… gây tử vong oan cho nạn nhân. 

Ở các nước phương Tây, dân chẳng ai bu vào tò mò xem, thuận lợi hơn cho nhà chuyên môn làm việc, đỡ cản trở giao thông công cộng, lại thoáng mát, có nhiều không gian cho nạn nhân thoi thóp hít nhận chút oxy quý giá. Tại Việt Nam, mọi sự nhiệt tình, mọi sự hăng hái của chúng ta là tốt và đáng phát huy, nhưng xin chú ý cấp cứu cũng phải khoa học và thật sự đúng cách thì hiệu quả mới là tối ưu. 

Thiết nghĩ, vụ tai nạn thương tâm ở Long Biên (Hà Nội) cũng đã xảy ra rồi, ai tội ai công, ai đúng ai sai… cơ quan hành pháp sẽ làm và xử lý trong nay mai. Nhưng nó gây cảm giác hoang mang và sợ hãi bất an cho chính cả chúng ta.

Tôi cứ nhói đau hối hận với ý nghĩ rằng: Dường như cả LỐI SỐNG của xã hội chúng ta đã tăng thêm tốc độ cho chiếc xe Camry kinh hoàng màu tang tóc ấy. 

Xin mọi thương đau sẽ sớm trôi qua với gia đình 3 nạn nhân kia. Không phải “khi mất bò mới lo làm chuồng”, nên tôi xin góp một tiếng nói nhỏ và ý thức từ chính mình mong muốn sẽ không còn phải nhói đau trong tương lai trên đất Việt thân yêu ta nữa".

Ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương công ty Panvin 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang