Nét đẹp văn hóa dân tộc trong tục ‘ăn Tết lại’

author 07:00 23/02/2015

(VietQ.vn) - Ông Lê Văn Trúc, trưởng thôn Xuân Kỳ (xã Đông Xuân) cho biết: “Những hoạt động văn hóa trong ngày lễ Tết lại không chỉ để mua vui cho bà con mà còn là dịp để bảo lưu những nét truyền thống, ôn lại những chiến tích của cha ông cho lớp trẻ biết và gìn giữ.

Theo tin tức từ Việt Báo, tục ‘ăn Tết lại’ là một biểu tượng văn hóa bắt nguồn từ sự kiện có thật xảy ra cách đây hơn 2 thế kỷ. Đó là sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết vào ngày 30 Tết (25/1/1789)  ở Tam Điệp trước khi mở trận đánh giải phóng kinh thành, và sự kiện dân thành Thăng Long tản cư chạy loạn giặc Thanh, sau đó trở lại kinh thành, ổn định cuộc sống, tổ chức ăn mừng kinh đô giải phóng.

Tục 'ăn Tết lại' là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ

Tục 'ăn Tết lại' là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ

Trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung giải phóng kinh đô, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng giêng, có khi tới tận cuối tháng giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.

Ngày nay, tục ‘ăn Tết lại’ được tổ chức ở một số địa phương, nhất là ở nội và ngoại thành Hà Nội. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 4 đến ngày 22 tháng Giêng âm lịch, bà con các xã thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại tưng bừng tổ chức ‘ăn Tết lại’ với nhiều phong tục đặc sắc, theo báo Nông nghiệp.

Xã Đồng Xuân rộn ràng, nhộn nhịp với tục

Xã Đồng Xuân rộn ràng, nhộn nhịp với tục "ăn Tết lại'

Về thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Đức Hòa ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ ngày 22 âm lịch, không khí của ngày ‘Tết lại’ thậm chí còn rộn ràng, nhộn nhịp hơn cả những ngày Tết Nguyên đán. Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân vẫn gói bánh chưng, làm giò bó, chuẩn bị nhiều món ăn để mời mọc bạn bè, anh em. “Gia đình chúng tôi năm nào cũng làm hơn chục mâm cỗ để mời bà con làng xóm, anh em. Cả năm được ngày Tết lại là dịp để mọi người gặp gỡ và bàn chuyện làm ăn trong năm mới”, anh Lê Đình Ngọc, thôn Xuân Kỳ cho hay.

Người dân Ước Lễ đi tảo mộ, thắp hương ông bà tổ tiên ngày Tết lại

Người dân Ước Lễ đi tảo mộ, thắp hương ông bà tổ tiên ngày Tết lại

Như một tục lệ "bất thành văn", cứ vào ngày rằm tháng Giêng, trong khi người dân khắp mọi miền nô nức lễ chùa thì làng giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước - huyện Thanh Oai - Hà Nội) lại rộn ràng ăn Tết trở lại. Những ngày này, trên các đường làng rực đỏ cờ hoa, trong mỗi gia đình thì người dân trang hoàng lại nhà cửa, sắm sửa mâm ngũ quả cao đầy thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đặc biệt, những người con xa quê hương dù ở mọi miền đất nước và có bận trăm công ngàn việc cũng sắp xếp về sum họp cùng gia đình, bà con dân làng.

Ở thôn Yên Trường, xã Trường Yên huyện Chương Mỹ cũng có tục ‘ăn Tết lại’, tuy nhiên nguồn gốc và tên gọi thì lại khác xa so với nhiều nơi. Theo lời các bậc cao niên nơi đây kể lại, từ hàng trăm năm nay, ở ngôi làng này, ngoài đón Tết Nguyên Đán thì họ có thêm một cái Tết vào ngày 30 tháng giêng (âm lịch). Lần ăn Tết này người dân gọi là “ăn Tết Cùng”. Nét độc đáo nhất làm nên cái khác lạ ở Trường Yên mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân. Thịt chó là món người ta kiêng ăn vào những ngày đầu tháng, đầu năm để tránh sự đen đủi cho những ngày còn lại trong tháng, những tháng còn lại trong năm. Ấy vậy mà ở thôn Yên Trường, ăn thịt chó lại trở thành “tục lệ” không thể thiếu của những ngày đầu xuân năm mới.

Hải Nguyễn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang