Tuổi hưu quá thấp là nguyên nhân gây... vỡ Quỹ BHXH

author 20:27 03/12/2013

“Các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đang nghiên cứu và đưa ra các phương án nâng tuổi hưu theo lộ trình, nhưng cũng đang nhiều ý kiến rất khác nhau. Vấn đề này sẽ được bàn thảo tại nghị trường Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 (QH khóa XIII), khi Chính phủ trình dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong cuộc trao đổi với báo chí

“Tuổi hưu” sẽ được bàn thảo tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội 

Thời gian gần đây có nhiều thông tin cho thấy, quỹ lương hưu của ta hiện nay đã gần cạn – chỉ đủ chi trả trong ít năm nữa; nếu không có sự thay đổi trong việc “nạp tiền” vào quỹ, thì quỹ lương hưu sẽ bị vỡ…? Thực chất việc này thế nào, ông có thể cho bạn đọc báo chí được rõ?

- Đúng như vậy, tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay ở ta thấp hơn theo quy định của pháp luật (chỉ khoảng 53,4 tuổi), trong khi tuổi thọ bình quân ngày càng tăng. Với cơ chế đóng – hưởng như suốt quá trình vừa qua thì quỹ 
lương hưu của ta hiện nay đang cạn dần là điều đương nhiên. 

Từ năm 2007 đến nay, số người nghỉ hưu luôn tăng dần trong mỗi năm. Năm 2012, số đối tượng hưởng chế độ hưu tăng 1,78 lần so với 2007, số tiền chi lương hưu tăng 4,11 lần. 

Những năm tới, số người nghỉ hưu hưởng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội càng nhiều, số chi cho quỹ sẽ tăng nhanh và tương lai gần quỹ sẽ mất cân đối. Từ 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất; ngoài số thu trong năm phải sử dụng thêm số kết dư, mới đảm bảo thu chi; thời điểm dự báo bắt đầu mất cân đối thu chi với quỹ, đúng như ILO khuyến nghị, là năm 2024 và đến 2037 quỹ sẽ cạn kiệt. 

Vì vậy, cần phải sớm sửa đổi Luật BHXH để khắc phục nguy cơ này. Trong đó phải điều chỉnh mức đóng – hưởng, mở rộng đối tượng và chống thất thu, đồng thời phải thu đúng, thu đủ, đó là biện pháp “nạp tiền” vào quỹ nhằm chống sự mất cân đối trong tương lai.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. 

Một trong những vấn đề được nói đến gần đây có liên quan đến giải pháp về quỹ lương hưu, là cần phải kéo dài tuổi nghỉ hưu. Vậy, xin ông cho biết việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đã được bàn đến đâu và lộ trình tăng tuổi về hưu ra sao? 

- Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nhưng chỉ mới bước ra khỏi danh sách một trong những nước nghèo nhất 
thế giới để trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người - khoảng 1.500USD/năm. Việc mở rộng phạm vi tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, đảm bảo chế độ hưu trí là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quan trọng.

Nhưng giải pháp về quỹ lương hưu là kéo dài tuổi nghỉ hưu là điều không đơn giản chút nào, khi nguồn lao động của nước ta cung đang lớn hơn cầu rất nhiều, tình trạng lao động thất nghiệp khu vực đô thị và thiếu việc làm ở nông thôn đang là áp lực của xã hội. 

Các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và ILO đang nghiên cứu và đưa ra các phương án nâng tuổi hưu theo lộ trình, nhưng cũng đang có nhiều ý kiến rất khác nhau, cần phải được tính toán một cách khoa học. Vấn đề này sẽ được bàn thảo tại nghị trường Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 (QH khóa XIII), khi Chính phủ trình dự thảo Luật BHXH (sửa đổi); giờ tôi cũng chưa nói trước được điều gì. 

Hầu hết các nước tuổi nghỉ hưu đều cao hơn nước ta

Trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, và cả ở một số nước khu vực gần ta, độ tuổi nghỉ hưu cao hơn hẳn; điều này có phải bởi họ cũng có vấn đề về Quỹ lương hưu, hay là bởi sức khỏe nói chung của họ tốt hơn hay còn vì lý do nào khác, thưa ông?

-  Hầu hết các nước tuổi nghỉ hưu đều cao hơn nước ta. Tuy nhiên, có nước tuổi hưu cũng như ta. Điều này có thể lý giải bằng nhiều phương diện, trước hết họ đã đi trước ta rất xa, nền kinh tế của họ đã phát triển, sức khỏe tốt hơn rất nhiều, và đương nhiên họ cũng đã phải trả giá cho bài toán về cân đối quỹ BHXH. Nhưng các nước có tuổi nghỉ hưu cao hơn chủ yếu là cung lao động thấp hơn nhiều so với cầu lao động vì họ đang trong thời kỳ già hóa dân số, nên con đường tối ưu là phải kéo dài tuổi lao động và nhập khẩu lao động. 

Trước đây, người ta hô hào thực hiện giải pháp chống thất nghiệp bằng cách, những người trong biên chế nên về hưu sớm để nhường biên chế cho lớp trẻ mới ra trường… Quan niệm này có còn không, thưa ông?

- Nước ta đã trải qua thời kỳ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và phải trả giá bằng các chính sách giảm nhẹ biên chế theo các nghị quyết của Đảng và Nhà nước kể cả khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất kinh doanh. Hàng triệu người về hưu sớm với tuổi đời còn quá thấp là nguyên nhân của sự mất cân đối quỹ BHXH trong tương lai. Quan niệm này đã được quán triệt và khắc phục từng bước. 

Tuy nhiên, hiện nay bộ máy công chức hành chính của nước ta vẫn còn cồng kềnh, năng suất lao động và hiệu quả làm việc thấp, việc sắp xếp bộ máy hợp lý có hiệu quả đang đặt ra như một yêu cầu cấp bách. 

Hơn nữa, Nhà nước ta đang có chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu  lại các doanh nghiệp mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, thông qua cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc chuyển một bộ phận lao động kể cả khu vực hành chính sự nghiệp ra ngoài biên chế hoặc dây chuyền sản xuất là lẽ đương nhiên và việc thay thế lực lượng lao động trẻ có chuyên môn kỹ thuật là điều cần thiết. 

Xin cảm ơn ông !

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang