Tương lai nào cho nhà khoa học trẻ phát huy nghiên cứu, sáng tạo ở trong nước?

author 07:44 26/08/2015

(VietQ.vn) - Không ít nhà khoa học trẻ khi học tập, nghiên cứu, thậm chí là làm việc ở nước ngoài đã về Việt Nam tiếp tục học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Tuy nhiên cũng có những băn khoăn, liệu môi trường trong nước có đủ điều kiện để phát huy trí tuệ, sáng tạo của các nhà khoa học trẻ?

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Giải đáp những băn khoăn về môi trường, điều kiện làm việc và những suy tư kể cả về cơm áp, gạo tiền, điều kiện sinh hoạt... cho các nhà khoa học, những người đang chập chững vào lĩnh vực nghiên cứu, GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đã có không ít người khẳng định tên tuổi, công trình nghiên cứu của mình chỉ từ những điều kiện làm việc ở trong nước.

GS.TSKH Dương Ngọc Hải cho biết, ngoài một số văn bản về Luật, nghị định, thông tư, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã phê duyệt những chiến lược lớn, như ứng dụng năng lượng nguyên tử, khoa học vũ trụ. Tuy nhiên chưa đủ. Chúng ta cần thêm những chính sách để thu hút các nhà khoa học trẻ.

Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam là nơi nghiên cứu khoa học thuận lợi nhất. Môi trường làm việc, hợp tác quốc tế cởi mở. Điều kiện tối thiểu để nghiên cứu tại viện là 1 năm làm việc tại nước ngoài. Viện cũng có những chính sách, đề tài nghiên cứu cho các tiến sĩ, thạc sĩ trẻ. Chính sách chưa đủ để các nhà nghiên cứu có thể toàn tâm toàn ý. Hiện các nhà khoa học đang hưởng lương theo hành chính, chưa hợp lý và cần thay đổi cơ chế".

GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

"Hiện nay, nếu về số lượng, lực lượng cán bộ trẻ của Viện chiếm khoảng 30%. Tất nhiên, thế nào là trẻ, chúng ta cũng phải định nghĩa. Đối với thạc sĩ thì dưới 30 tuổi là trẻ. Đối với tiến sĩ thì ở Viện Hàn lâm chúng tôi coi dưới 35 tuổi là trẻ, trong một số trường hợp, có thể dưới 40 tuổi. Tất nhiên, số lượng cán bộ trẻ khác nhau theo lĩnh vực và theo từng Viện. Ví dụ: Trung tâm Vệ tinh quốc gia hiện nay có trên 90% là cán bộ trẻ, tuổi trung bình của toàn cơ quan chỉ khoảng +/- 32 tuổi. Về vai trò của các nhà khoa học trẻ, với số lượng và sự nhiệt huyết của mình thì các nhà khoa học trẻ đóng vai trò quan trọng trong công việc hiện tại và sự phát triển trong tương lai của Viện Hàn lâm", GS.TSKH Dương Ngọc Hải nói.

Trước băn khoăn về việc các bạn trẻ muốn đi vào con đường nghiên cứu, cơ hội vào làm ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ có nhiều không? Tiêu chí để trở thành một cán bộ của viện? Cơ hội để đi làm nghiên cứu sinh ở Viện như thế nào? GS.TSKH Dương Ngọc Hải cho rằng: "Về cơ hội thì nhiều, vì hiện nay trong lĩnh vực Hóa học, Viện Hàn lâm có các Viện nghiên cứu liên quan sau: Viện Hóa học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hóa sinh biển, Viện Công nghệ hóa học (tại thành phố Hồ Chí Minh) và các Viện liên quan như: Viện Khoa học vật liệu, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Kỹ thuật nhiệt đới,... Về tiêu chí để thành một cán bộ, chắc chắn đó là các tiêu chuẩn về chuyên môn: kết quả học tập, kết quả nghiên cứu, khả năng thực hiện các nghiên cứu".

Còn về cơ hội liên quan đến học hàm, học vị, GS.TSKH Dương Ngọc Hải cho biết, cơ hội học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ thì ở Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, đây không chỉ là cơ hội mà còn là yêu cầu. Có thể nói, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tạo mọi điều kiện để các nhà nghiên cứu trẻ được học lên, được làm luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ và đặc biệt là được hội nhập trong môi trường nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Rất nhiều các cơ quan nghiên cứu, các trường ĐH hợp tác với Viện Hàn lâm mong muốn được nhận và đào tạo các nhà nghiên cứu có trình độ cao.

Về những đãi ngộ riêng của Viện Hàn lâm, GS.TSKH Dương Ngọc Hải bật mí: trước hết, Viện Hàn lâm KH&CN đặc biệt đãi ngộ trong công tác tuyển dụng đối với những nhà khoa học trẻ có kết quả học tập, nghiên cứu tốt. Các nhà nghiên cứu có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ có thể được xét đặc cách. Một điều kiện đãi ngộ nữa là điều kiện thuận lợi trong hợp tác nghiên cứu học tập với các đối tác nước ngoài. Đối với các nhà nghiên cứu trẻ có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ được tạo điều kiện có đề tài nghiên cứu.

Mặc dù có một số ưu điểm như nêu trên, cùng với là một cơ quan có điều kiện ở loại tốt nhất cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như trang thiết bị, môi trường làm việc,..., thì như một cơ quan thuộc chính phủ, Viện Hàn lâm vẫn có những khó khăn trong việc thu hút các nhà khoa học trẻ mà khó khăn rõ nét nhất là hiện nay, lương của sinh viên mới tốt nghiệp quá thấp, thiếu những kí túc xá,...

Theo GS.TSKH Dương Ngọc Hải, các nhà khoa học trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ chúng tôi ngày xưa. Nhưng cũng phải nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn và đặc biệt trong điều kiện yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, trước hết phải chia sẻ những khó khăn đó với các nhà nghiên cứu trẻ.

Về những thành tựu gần đây của các nhà nghiên cứu trẻ ở Viện Hàn lâm, tôi xin kể 3 ví dụ. Như tôi đã nói, trong lĩnh vực Vệ tinh nhỏ, lực lượng cán bộ khoa học có tuổi đời hết sức trẻ. Cách đây 3 năm, chúng ta đã có vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT1. Sau 3 tháng cùng vận hành với chuyên gia Pháp, thì từ đó đến nay, đội ngũ điều khiển và vận hành vệ tinh là hoàn toàn của Việt Nam.

Trong năm 2015, các nhà khoa học trẻ Việt Nam đã có Tiến sĩ Lê Trường Giang đoạt giải thưởng Quả cầu vàng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông. Một nhà khoa học trẻ khác - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hiệp (cũng tham gia buổi giao lưu hôm nay) đã đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Cũng theo GS.TSKH Dương Ngọc Hải, thế hệ trẻ hiện nay có 2 thuận lợi cơ bản so với thế hệ chúng tôi, đó là khả năng về cơ sở vật chất tốt hơn, cơ hội học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế nhiều hơn, rộng mở hơn.

"Chúng tôi có một thuận lợi rất lớn về mặt tinh thần đó là sự đánh giá cao đến mức tuyệt đối về khoa học công nghệ, cho nên khi đi học, chúng tôi hầu như 100% tập trung vào học tập và không phân tán tư tưởng về những suy nghĩ khác, những tác động xã hội. Tôi cũng không rõ giữa thuận lợi và những thách thức này, thì nhìn chung thế hệ trẻ sẽ có thuận lợi hơn chúng tôi hay không. Qua đó, tôi chỉ muốn nói rằng: mỗi thế hệ đều có những thuận lợi và thách thức mà chúng ta cần phải vượt qua. Điều kiện học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế rộng mở chắc chắn vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức rất lớn", GS.TSKH Dương Ngọc Hải cho biết thêm.

Hồng Anh (lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang