Tướng Thước: “Không phải công chức nào cũng được gọi nhập ngũ"

author 06:38 26/08/2014

“Dù sinh viên hay công chức, viên chức, kể cả thạc sĩ, tiến sĩ trong độ tuổi, nếu vào quân đội đóng góp tốt hơn ở bộ máy nhà nước thì cần động viên vào, nhưng phải chọn lọc chứ không cào bằng".

Công chức, viên chức hay thạc sĩ, tiến sĩ trong độ tuổi, nếu vào quân đội đóng góp tốt hơn ở bộ máy nhà nước thì cần động viên tham gia nghĩa vụ quân sự. 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội 3 khóa VIII, IX, X chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Infonet.vn về Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi đang được bàn bạc, cho ý kiến. 

Khi chủ quyền trên biển đang bị xâm phạm, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra cảnh báo “hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”. Do vậy việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo ông đâu là điều cần thiết nhất phải sửa đổi lúc này?

Sau 10 năm sửa đổi luật, đến bây giờ tình hình đất nước đã thay đổi cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay còn liên quan đến tình hình bảo vệ Biển Đông. Do vậy vấn đề tối thượng nhất lúc này là bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mất chủ quyền chúng ta sẽ phải đi vào lệ thuộc.

Trước đây chúng ta xác định 2 nhiệm vụ chiến lược song song là nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều này hoàn toàn đúng. Lâu này chúng ta thường coi trọng nhiệm vụ xây dựng hơn bảo vệ Tổ quốc. Nhưng với tình hình hiện nay, nhiệm vụ ưu tiên số một lúc này là bảo vệ tổ quốc. Bởi không bảo vệ được Tổ quốc thì chẳng còn gì để xây dựng nữa.

Vì thế, nhiệm vụ của quân sự lúc này phải đáp ứng theo yêu cầu của tình hình mới. Cuộc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải là cuộc chiến đấu có thể còn lâu dài. Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc lúc này là yêu cầu tối thượng và Luật nghĩa vụ quân sự phải đáp ứng được yêu cầu đó.

Cho nên tất cả các công dân trong độ tuổi, đang làm việc ở lĩnh vực nào, ngành nghề nào mà có thể đóng góp được nhiều nhất cho nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, thì nên gác lại những nhiệm vụ khác để vào phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Một thực tế lâu nay thường là những người không có công ăn việc làm thì đi nghĩa vụ quân sự, trình độ văn hóa thấp, nhiều lúc người ta còn nói vui “xin vào quân đội để kiếm cơm”. Nhưng lúc này không phải đi nghĩa vụ quân sự để kiếm cơm, hay kiếm việc làm nữa mà là phục vụ cho nhiệm vụ tối thượng – nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc!

Sau này nếu chiến tranh xảy ra sẽ không phải là những cuộc chiến tranh hồi chống Mỹ, chống Pháp nữa mà sẽ là cuộc chiến tranh với một yêu cầu với một trình độ công nghệ rất cao. Cho nên những ai đáp ứng được yêu cầu của khoa học công nghệ hiện đại thì động viên anh em, con cháu vào làm nghĩa vụ quân sự…

Một trong những vấn đề rất đáng được quan tâm là tăng thời gian từ 18 lên 24 tháng đối với nghĩa vụ quân sự. Với cả một sự nghiệp gắn bó trong quân đội, theo ông việc tăng thời gian đi nghĩa vụ có phải là điều rất cần thiết lúc này?

Ngay từ thời điểm sửa Luật vào năm 2005 tôi đã không đồng tình với phương án 18 tháng rồi. Tiêu chuẩn đánh Mỹ của ta như trước kia đã 18 tháng mà còn chẳng đáp ứng được thì hiện tại bây giờ 24 tháng là yêu cầu tối thiểu để có thể đáp ứng được yêu cầu. Sau 24 tháng rèn luyện, nếu đất nước xảy ra biến cố, chiến sĩ đi nghĩa vụ có thể tham gia chiến đấu và bảo vệ được tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải.

Bên cạnh đó, việc rèn luyện nhiều sẽ giúp hạn chế bớt thương vong, tổn thất xương máu. Từ kinh nghiệm 50 năm gắn bó trong quân đội, tôi đúc rút được rằng: thời kỳ nào quân đội được huấn luyện tốt khi chiến đấu thì sẽ chiến thắng và thương vong giảm rất nhiều.

Ngược lại thời kỳ nào chúng ta mất cảnh giác, coi thường vấn đề bảo vệ tổ quốc, không chăm lo huấn luyện quân sự, đến lúc ra chiến đấu thì thương vong rất lớn và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc sẽ không hoàn thành.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước 

Từng xông pha trận mạc với nhiều trận chiến ác liệt trong lịch sử, ông có thể đưa ra một vài ví dụ về điều này?

Tôi ví dụ như cuộc chiến Tây Nam năm 1978, 1979, thời điểm đó đã hòa bình và chúng ta cho một loạt anh em có kinh nghiệm chiến đấu về hết. Đến khi chiến tranh xảy ra, lực lượng từ ngoài Bắc đưa vào không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến thương vong lớn. Hay như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1980, có những đơn vị từ quân khu 4 tôi huy động lên, do không được huấn luyện kỹ nên thương vong cũng rất lớn. 

Bảo vệ Tổ quốc và xương máu của người dân luôn là cái quý giá nhất. Do vậy tôi đề nghị Quốc hội, các đồng chí có trách nhiệm trong lực lượng quốc phòng phải lấy yêu cầu đó làm trọng, vì đây không còn là thời kỳ hòa bình yên ấm nữa. Chúng ta có hòa bình nhưng không yên ổn, vì lãnh hải đang bị uy hiếp.

Cá nhân ông và nhiều người khác cũng đều cho rằng trình độ trong lực lượng nghĩa vụ quân sự nhìn chung rất thấp, chủ yếu là con em nông dân. Khắc phục tình trạng này, Luật nghĩa vụ quân sự tới đây sẽ sửa đổi theo hướng huy động đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tham gia. Ông nghĩ sao về điều này?

Chúng ta phải lựa chọn, xem ngành nghề nào phục vụ tốt nhất cho quân đội thì kêu gọi họ vào, chứ không phải huy động tất cả. Những đối tượng trí thức nào có khả năng đóng góp cho nhiệm vụ xây dựng, mà quân đội chưa cần thiết lắm thì cho họ ở lại, không cần thiết phải huy động vào.

Cũng không phải gọi tất cả sinh viên đại học vào nghĩa vụ quân sự. Ví dụ đại học về ngành nghề nhân văn, môi trường, văn hóa văn nghệ…thì chưa cần thiết. Nhưng với đại học chuyên ngành về thông tin, y, cơ giới…đó là những đối tượng trí thức rất cần trong quân đội lúc này thì cần phải huy động.

Tóm lại dù là công chức, viên chức hay sinh viên đại học, đang làm việc và học tập ở ngành nào đi nữa, kể cả họ là thạc sĩ, hay tiến sĩ...nếu đang trong độ tuổi, nếu vào quân đội mà có đóng góp tốt hơn thì cần động viên vào. Nhưng cần phải có chọn lọc chứ không phải cào bằng tất cả.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang