Tuyên án vụ Huyền Như: ‘Siêu lừa’ nhận án chung thân, không xin lại được nhà cho mẹ

author 21:52 07/01/2015

(VietQ.vn) – Tòa phúc thẩm đã chính thức tuyên bố: Vì không có căn cứ để xác định biệt thự là tài sản của bà Lang – mẹ ruột của Huyền Như, nên hội đồng xét xử đã bác kiến nghị, xin lại nhà của bà Lang và Huyền Như.

Sáng ngày 7/1/2015, sau 1 tuần nghị án, phiên tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã chính thức bế mạc, với việc tuyên bố các bản án thích hợp dành cho những bị cáo có đơn kháng cáo.

Thay mặt hội đồng xét xử, Chủ tọa phiên tòa – ông Quảng Đức Tuyên đã lược lại nội dung của bản án sơ thẩm. Theo đó, hội đồng xét xử đã tuyên bố hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại Huỳnh Thị Huyền Như với tội danh là tham ô tài sản. Ngân hàng Vietinbank cũng phải có một phần trách nhiệm đối với số tiền 1.085 tỷ đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của 5 công ty.

Trước mắt, hội đồng xét xử đã tuyên mức án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức Nhà nước”. Đối với biệt thự trị giá 43 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Lang – mẹ ruột của ‘siêu lừa’ Huyền Như ở Hội An, Quảng Nam, cơ quan chức năng đã xác định, không có căn cứ để cho thấy rằng đây là tài sản riêng của bà Lang, nên tuyên bố bác kiến nghị xin giải tỏa kê biên căn nhà này của bà Lang, để tiếp tục đảm bảo thi hành án.

Chủ tọa phiên tòa cũng đã xác định, bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng của 5 Công ty (Hưng Yên, SBBS, An Lộc, Phương Đông, Toàn Cầu) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đơn vị này.

Qua quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa này, kết hợp với các tài liệu, chứng cứ hồ sơ có liên quan, có thể thấy việc Hưng Yên gửi tiền là hợp pháp, và đã bị Huyền Như chiếm đoạt tại Vietinbank. Như vậy, có nghĩa rằng Huyền Như đã có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại Vietinbank để tham ô tài sản của Hưng Yên.

Từ đó, hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên bố: Hủy một phần bản án của cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Đi sâu vào phân tích cụ thể hơn, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã cho biết: Tài sản được gửi tiền vào ngân hàng Vietinbank là có thật, hợp pháp, và chính ngân hàng này cũng đã xác định điều như đã nói ở trên.

Sau đó, tài khoản này cũng đã có rất nhiều lần được Hưng Yên chuyển tiền vào. Như đã lập 24 lệnh chi, con dấu giả của Công ty Hưng Yên.

'Siêu lừa' Huỳnh Thị Huyền Như đang được dẫn tới phiên tòa phúc thẩm (ảnh: H.T)

Các nhân viên của Vietinbank chỉ làm theo mệnh lệnh của ;siêu lừa’, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi Huyền Như muốn chiếm đoạt tiền của khách. Với thủ đoạn này, chỉ riêng Huyền Như đã chiếm đoạt khoảng 200 tỳ đồng của Vietinbank -  chi nhánh Điện Biên Phủ.

Trong quá trình thực hiệm vụ của mình tại ngân hàng, Huỳnh Huyền Như đã làm hoàn toàn trái với các quy định của Nhà nước trong nghiệp vụ ngân hàng, vì đã thực hiện giao dịch xong rồi mới chuyển sang các bộ phận để thực hiện. Như vậy, Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại lợi dụng điều này để chiếm đoạt tiền của Hưng Yên và 4 công ty khác nữa.

Chính vì đã xác định sai tư cách tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Hưng Yên, nhưng vì cấp phúc thẩm không thể sửa bản án sơ thẩm, nên chỉ có thể đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là hủy một phần bản án, để điều tra lại theo đúng các quy định của pháp luật.

Cũng giống như của Hưng Yên, tại 4 công ty còn lại, hội đồng xét xử nhận thấy, Huyền Như đã có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, nên tuyên bố chấp nhận ý kiến của cơ quan công tố, bác bỏ ý kiến bào chữa của luật sư phía Vietinbank.

Tòa cũng đã bác đơn kháng cáo, đề nghị Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường tiền cho ngân hàng ACB, Navibank, và VIB. Chủ tọa cũng đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an làm rõ trách nhiệm hình sự của lãnh đạo Navibank ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào tài khoản của Vietinbank, lấy lãi suất cao, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm rõ các trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân là lãnh đạo của Vietinbank TP.HCM để tránh bỏ sót và lọt tội phạm.

Về phần kháng án của các bị cáo, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhấn mạnh: Một số bị cáo có phần ăn năn, hối cải, có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên đã chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần bản án cho các bị cáo: Huỳnh Hữu Danh, Đào Thị Tuyết Nhung, Phạm Anh Tuấn, Lương Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Trần Thanh Thanh, Tống Nguyên Dũng, Huỳnh Trung Chí, Bùi Ngọc Quyên, Nguyễn Vũ Xuân Tiên, Nguyễn Thị Phúc Ngân.

Bị cáo Lê Thị Ngọc Lợi bị tuyên mức án 3 năm tù, nhưng được cho hưởng án treo. Những bị cáo còn lại có kháng cáo, nhưng không có căn cứ để xét giảm nhẹ nên giữ nguyên mức án của bản án sơ thẩm

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang