'Tuyên chiến' với thực phẩm không an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp

author 06:00 03/02/2018

(VietQ.vn) - Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

An toàn thực phẩm vẫn “nóng”

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, đến cuối năm 2017, cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử.

Việc thanh tra, xử lý trong lĩnh vực ATTP được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn. Trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; Xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tỷ lệ đạt yêu cầu tăng từ 91% (năm 2016) lên 97,3% (năm 2017).

Cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các mẫu thực phẩm không phát hiện có chứa chất cấm trên gần 10.000 mẫu tại các chợ, cơ sở giết mổ; Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06% giảm 2,05%. Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016.

Số tiền phạt vi phạm ATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân.

Tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh minh họa

Nâng cao hiệu quả việc quản lý an toàn thực phẩm

Trước tình hình trên, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.

Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả việc quản lý ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...) nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phối hợp với các Hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; phát triển mô hình "Mỗi làng một sản phẩm"...

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản theo hướng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng từng nhóm sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, phân loại, xử lý cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản theo quy định; tăng cường kiểm soát ATTP tại các chợ đầu mối, các cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản.

Tổ chức giám sát ATTP, tập trung vào thực phẩm rủi ro cao, tiêu thụ nhiều (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP theo quy định của pháp luật.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang