Tuyến metro số 2 TP.HCM: Đội vốn 800 triệu USD, xin giãn tiến độ hoàn thành

authorĐỗ Thu Thoan 11:31 12/11/2017

(VietQ.vn) - Mới đây, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã phải xin điều chỉnh mức đầu tư từ 1,3 tỷ USD lên hơn 2,1 tỷ USD và giãn tiến độ hoàn thành vào năm 2024 thay vì 2020 như kế hoạch được duyệt trước đây.

Sự kiện: Thời sự

Cụ thể, theo Zing, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng về chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. TP.HCM kiến nghị điều chỉnh tăng mức đầu tư dự kiến từ 1,374 tỷ USD thành 2,173 tỷ USD, và lùi thời gian hoàn thành dự án vào năm 2024.

Theo đề xuất trước đây, dự án dự kiến hoàn thành năm 2018, sau đó được Thủ tướng gia hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, theo văn bản này, thành phố trình điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2024 để đảm bảo tiến độ thực tế công việc đang triển khai. Văn bản cũng cho biết thời gian này đã được thống nhất với các nhà tài trợ dự án.

tuyen-metro-so-2-tphcm-doi-von-800-trieu-usd-xin-gian-tien-do-hoan-thanh

Lộ trình tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ảnh: Zing

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để tiếp tục là cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia.

Thành phố nhấn mạnh việc dự phòng trượt giá tới năm 2024 (do thời gian thực tế triển khai dự kiến đến năm 2024 mới hoàn thành), thay vì trước đây trong dự án được duyệt năm 2010 chỉ tính dự phòng đến năm 2016.

UBND TP.HCM cũng trình bày lý do tăng tổng mức đầu tư là nằm ở khâu thiết kế cơ sở. Cụ thể, theo báo Dân trí, thiết kế cơ sở được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông vận tải thực hiện vào năm 2010.

Trong quá trình triển khai dự án, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là liên danh tư vấn IC (đứng đầu là tư vấn Đức) thực hiện các bước tiếp theo với mục đích rà soát và triển khai thiết kế chi tiết hơn so với thiết kế cơ sở. Thiết kế (FEED) này sẽ là cơ sở để tổ chức lựa chọn các nhà thầu thi công và cung cấp thiết bị dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn quốc tế phát hiện nhiều nội dung sai sót và chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở (tương tự quá trình thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, trước đây).

‘Đói’ vốn, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên xin ứng gần 1.200 tỷ trả nợ nhà thầu(VietQ.vn) - Ban quản lý đường sắt đô thị tiếp tục gửi văn bản "khẩn" đề nghị UBND TP.HCM tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để thanh toán cho nhà thầu thi công dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Các nội dung được điều chỉnh gồm: Điều chỉnh mặt bằng và nhà ga ngầm (tăng kích thước chiều dài nhà ga, tăng độ dày kết cấu); điều chỉnh kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm kết nối với các dự án đường sắt đô thị khác.

Ngoài ra, theo báo Dân trí, việc cập nhật lại đơn giá cho các hạng mục xây lắp, đơn giá công nhân tăng so với thời điểm được duyệt năm 2010, chi phí dự phòng tăng, tỷ lệ trượt giá, thay đổi giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn... dẫn đến tăng tổng mức đầu tư.

Theo dự án được duyệt thì từ năm 2011-2013 thực hiện khảo sát và thiết kế kỹ thuật, năm 2014-2017 tổ chức thi công và đưa vào vận hành vào năm 2018.

Do việc lập lại tổng mức đầu tư và thiết kế cơ sở nên thời gian hoàn thành dự án là 2024. Trong đó, năm 2017 - 2018 sẽ tổ chức đấu thầu song song với điều chỉnh dự án, năm 2019 thực hiện khảo sát và thiết kế kỹ thuật, thời gian thi công là từ năm 2020 - 2023.

Theo báo Vnexpress, tuyến metro số 2 là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP.HCM, chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Tổng số hộ ảnh hưởng trên toàn dự án là 679 hộ dân.

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự kiến tháng 8 năm tới mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, tuyến metro số (tuyến metro đầu tiên của TP.HCM) hiện cũng đang gặp khó khăn do nguồn vốn ODA từ trung ương cấp phát nhỏ giọt. UBND TP.HCM đang phải tạm ứng vốn từng tháng để trả tiền cho các nhà thầu để đảm bảo tiến độ dự án. Tính đến nay, sau 3 lần thành phố đã tạm ứng hơn 2.200 tỷ đồng để trả cho các nhà thầu.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang