Tuyển nhân tài cần điều kiện gì?

author 13:11 19/07/2016

(VietQ.vn) - Lâu nay khi tuyển dụng và bổ dụng, các nơi đều nói rất hay, thậm chí phải đảm bảo: công khai, công bằng, cạnh tranh và thành tích.

Trung Quốc đang thành lập văn phòng nhập cư tuyển nhân tài đầu tiên, theo một nguồn tin thông thạo về kế hoạch này.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm kiếm các nhân tài hải ngoại có khả năng giúp lèo lái chuyển tiếp sang một nền kinh tế tiêu dùng và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng An ninh Công cộng tiết lộ động thái này ngay từ đầu năm trong một cuộc họp nội bộ về một cuộc kiểm tra sâu rộng các dịch vụ an ninh trong nước, nguồn tin cho biết.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn nhân tài nước ngoài nhằm giúp họ thoát khỏi sự lệ thuộc vào chế tạo và đầu tư cũng như tránh khỏi rơi vào bẫy thu nhập trung bình vốn đã từng kìm hãm nhiều quốc gia từ châu Á cho đến Nam Mỹ.

Gần bốn thập niên vừa qua, sau chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, tới nay có khoảng 600.000 người nước ngoài sống tại đất nước này, một phần rất nhỏ so với dân số 1,4 tỷ.

Trong khi đó ở Nhật có tới 2,17 triệu người nước ngoài trong khi dân số khoảng 127 triệu người.

Chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam cũng được nói nhiều trong thời gian qua.

Chẳng hạn, ở TPHCM mới đây UBND thành phố đã bổ nhiệm Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang, một người ngoài đảng, giữ chức Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.

Bình luận về vấn đề này trên sggp.org, ông Phạm Chánh Trực, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, vẫn nhấn mạnh yếu tố đầu tiên là “yêu nước”.

So với mục tiêu tuyển dụng nhân tài hải ngoại của nước láng giềng phía bắc, điều kiện “yêu nước” sẽ là một sự kìm hãm lớn trong việc mưu cầu nguồn nhân tài giúp chúng ta vượt qua những căn bệnh mà Trung Quốc đang muốn vượt qua.

Đó là chưa kể, hiện nay, Việt Nam đang diễn ra tình trạng bê bối trong tuyển dụng và bổ nhiệm hàng loạt viên chức.

Như trường hợp ông Phan Hòa Bình, nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu dính nhiều tai tiếng nhưng không biết bằng cách nào lại chuyển về đảm nhiệm vị trí khá quan trọng là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hay vụ  ông Trịnh Xuân Thanh từng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam gây thua lỗ 3200 tỉ.

Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy nhưng vào tháng 9.2013 ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng, để sau đó là Vụ trưởng Vụ đổi mới doanh nghiệp của bộ này.

Đến tháng 5/2015, ông Thanh được luân chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016, thuộc diện “cán bộ nguồn” cấp chiến lược.

Vụ Dương Chí Dũng từ giám đốc Vinalines thua lỗ thất thoát khủng thành cục trưởng cục Hàng hải khi đang thanh tra.

Hay vụ thăng chức được giải thích là “đúng quy trình” của ông Vũ Quang Hải, con của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Cho dù được giải thích là "đúng quy trình", thì nhìn vào cũng dễ thấy có rất nhiều lỗ hổng. Ông Dương Chí Dũng thì đang là phạm nhân của một vụ đại án tham nhũng. Ông Trịnh Xuân Thanh thì vừa bị bác tư cách Đại biểu Quốc hội và đang chờ đợi điều tra...

Chính vì thể, để có thể thu hút được nhân tài thực sự, thì một cơ chế tuyển dụng và bổ dụng khoa học và minh bạch là yếu tố sống còn.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang