Tuyên Quang: Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc lấy cây mô

authorThảo Nguyên 10:00 27/10/2015

(VietQ.vn) - Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh mới để đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Việc thay đổi, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp bắt đầu từ việc chuyển sử dụng keo hạt nội sang ươm trồng keo hạt ngoại vào năm 1994. Từ năm 2000, các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất keo lai hom để tạo ra cây giống có những đặc tính ưu thế của cây mẹ. Phương pháp này có hệ số nhân giống lớn, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Ngay sau đó, phương pháp này nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trong sản xuất giống cây ở các công ty lâm nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, việc chú trọng, nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp được đánh dấu từ năm 2010 khi một số công ty lâm nghiệp bắt đầu sử dụng phương pháp lấy cây mô là cây mẹ đưa vào trồng rừng sản xuất. 

Tuyên Quang: Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc lấy cây môVườn keo cây mô tại Tuyên Quang

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 21 đơn vị đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Trong đó, có 10 vườn cấp keo hom giống, hàng năm cung cấp được trên 3 triệu keo hom giống phục vụ ươm cây giống keo lai giâm hom và các vườn ươm khác, cung cấp cho thị trường khoảng 16 triệu cây giống.

Một trong những phương pháp giúp chất lượng rừng trồng tại địa phương đạt hiệu quả tốt là do các đơn vị sản xuất lâm nghiệp đã rất coi trọng giống, chủ động tiếp cận giống mới. Hiện đã có 8 đơn vị sản xuất lâm nghiệp mua keo lai mô về trồng thử nghiệm với diện tích gần 180 ha. Kết quả bước đầu cho thấy, cây sinh trưởng tốt, năng suất rừng keo lai mô có lô đạt trên 159m3/ha.

Ngoài ra, không thể phủ nhận những nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT, đã tổ chức cho các đơn vị sản xuất lâm nghiệp học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây giống lâm nghiệp, nhất là học tập phương pháp nuôi cấy mô và trồng rừng keo lai mô tại nhiều tỉnh, thành và một số viện nghiên cứu đầu ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng làm nhiệm vụ kết nối giữa các công ty lâm nghiệp trong tỉnh với một số đơn vị cung ứng giống keo lai mô có chất lượng trong cả nước. 

Theo các chuyện gia lâm nghiệp, chất lượng giống cây trồng quyết định tới trên 60% năng suất, sản lượng gỗ rừng trồng. Vì vậy, nhiều công ty đã chú trọng khâu nhân giống cây tốt để đưa vào trồng rừng sản xuất cũng như cung ứng cho người dân.

Năm 2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương đã trồng thử nghiệm 2,2 ha cây keo mô, hiện nay cây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Riêng trong năm 2015, đơn vị này trồng mới 200 ha rừng, trong đó 80% rừng được trồng từ giống keo lai giâm hom. Để trẻ hóa rừng trồng, công ty đã rút ngắn thời gian khai thác keo hom xuống 1 năm. Năm 2016, Sơn Dương đã chuẩn bị gieo ươm gần 600 nghìn cây, trong đó keo lai giâm hom là 420 nghìn cây, keo mô là 25 nghìn cây (tương đương với việc trồng 15 ha cây keo mô), còn lại gieo ươm bạch đàn mô và keo hạt ngoại. Sử dụng keo mô vào trồng rừng sản xuất một cách đại trà đang là xu hướng một số công ty lâm nghiệp triển khai. 

Năm 2016, theo kế hoạch đăng ký của các công ty lâm nghiệp sẽ có 355 ha cây keo mô được trồng. Trong đó, đăng ký trồng nhiều nhất là Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên 80ha, Công ty lâm nghiệp Tân Thành và Tân Phong (Hàm Yên) trồng 50ha… Là đơn vị đầu tiên áp dụng phương pháp sản xuất giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi (Yên Sơn) hiện có 5.000 cây mô để sản xuất cây keo lai giâm hom. Năm 2016, công ty nhân rộng diện tích keo mô lên tới 5 ha. Để thực hiện kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta có nhu cầu sử dụng gần 88 triệu cây giống lâm nghiệp, bình quân hàng năm cần 17,6 triệu cây. Theo kế hoạch điều chỉnh cơ cấu giống thì giống keo lai mô, keo lai giâm hom chiếm trên 57%.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang