Tuyên Quang: Tín hiệu tích cực từ chương trình nâng cao năng suất, chất lượng

author 05:57 04/04/2018

(VietQ.vn) - Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng của doanh nghiệp, kể từ tháng 11/2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang mà trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”.

Triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra đánh giá thực trạng các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa; điều tra, khảo sát 40 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu thử nghiệm sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý; điều tra về năng suất, chất lượng một số sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh và lựa chọn xây dựng mô hình ứng dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH 27-7, xã Tú Thịnh (Sơn Dương); Công ty TNHH MTV Tuấn Hưng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) và Công ty CP Mía đường Sơn Dương, xã Hào Phú (Sơn Dương). 

Kết quả, Sở đã hướng dẫn, hỗ trợ Công ty TNHH 27-7 xã Tú Thịnh (Sơn Dương) ứng dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào hoạt động sản xuất kinh doanh; giúp công ty xây dựng tiêu chuẩn chất lượng 2 sản phẩm gồm: Tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm đá dăm với tên tiêu chuẩn là TCCS01:2015/CT 27-7 Đá dăm - Yêu cầu kỹ thuật; tiêu chuẩn cho sản phẩm Barite, tên tiêu chuẩn là TCCS 02:2015/CT 27-7 Barite - Yêu cầu kỹ thuật. Hiện nay, 100% các phòng, phân xưởng của công ty áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008.

Sản phẩm đá dăm của Công ty TNHH 27-7 có các chỉ tiêu về độ mài mòn, độ nén đập đạt TCVN 7570:2006 - Cốt liệu bê tông và vữa, yêu cầu kỹ thuật; sản phẩm bột Barite sản xuất đạt tiêu chuẩn API SPEC13A của Viện dầu khí Hoa Kỳ. Sở hướng dẫn Công ty TNHH MTV Tuấn Hưng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) triển khai xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho sản phẩm gạch bê tông do công ty sản xuất…

Công ty đã thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và công bố hợp chuẩn, hợp quy, được Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) cấp Giấy chứng nhận phù hợp QCVN 16:2014/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Việc thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và áp dụng TCVN cho các sản phẩm của công ty sản xuất đã góp phần làm tăng uy tín, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tạo được niềm tin đối với khách hàng.

Không ít doanh nghiệp Tuyên Quang được hưởng lợi từ các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng do tỉnh phê duyệt triển khai. Ảnh: Tuyenquang.gov.vn 

Đối với Công ty CP mía đường Sơn Dương, nhóm đã hướng dẫn công ty xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty CP Mía đường Sơn Dương đã xây dựng và áp dụng TCVN cho sản phẩm đường mía của công ty và được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7968:2008 - Đường.

Theo đánh giá của ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Tuyên Quang, những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ đã được đẩy mạnh theo hướng tập trung phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với những thành tựu khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế…

Qua đó một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, đổi mới quản lý thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu thuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam, tạo ra những sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường.

Sở KH&CN đã hướng dẫn các doanh nghiệp quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện công tác công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng các cơ chế chính sách.

Kết quả, kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2015 là gần 15,2 tỷ đồng với 10 dự án; kinh phí hỗ trợ đề tài, dự án cấp tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 7 đề tài, dự án với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng…

Cũng theo ông Thanh, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh góp phần thúc đẩy các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như việc đầu tư đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bảo Lâm

Bình Dương: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm(VietQ.vn) - Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều dự án, chương trình nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa cho các doanh nghiệp tại địa phương.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang