Tuyến xe buýt trên sông Sài Gòn sắp chạy thử nghiệm: Có gì đặc biệt?

author 06:18 20/08/2017

(VietQ.vn) - Vào ngày 21/8 tới, tuyến xe buýt trên sông Sài Gòn sẽ chạy vận hành kỹ thuật để thử nghiệm.

Sắp vận hành thử nghiệm tuyến buýt trên sông Sài Gòn

Theo thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, vào ngày 21/8 tới, tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa số 1 trên sông Sài Gòn sẽ chạy vận hành kỹ thuật để thử nghiệm. Dự kiến đến khoảng tháng 10/2017, tuyến này sẽ chính thức đưa vào hoạt động.

Theo Sở GTVT TPHCM, tuyến buýt sông số 1 có lộ trình đi dọc sông Sài Gòn, bắt đầu từ bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé, quận 1) kết thúc tại bến Linh Đông (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) và ngược lại.       

Mô hình tàu được sử dụng trên hai tuyến buýt sông đầu tiên của TP HCM. Ảnh: VNE 

Trước kia tuyến buýt sông số 1 sẽ đi qua 9 bến nhưng nay tăng thêm 3 bến là bến Thủ Thiêm (khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2), bến Trường Thọ (quận 9), riêng bến Tân Cảng (quận 2) phải có nhà đậu xe. 7 bến nữa là Sài Gòn Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh), Bình An (phường Bình An, quận 2), Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2), Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh), Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), Bình Triệu và Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Thời gian di chuyển từ bến đầu đến bến cuối dài 12km khoảng 30 phút (chưa tính ra vào bến), rút ngắn 1/3 thời gian xe buýt đường bộ trên cùng một lộ trình, với giá vé 15.000 đồng/người/lượt. Trong quá trình hoàn thiện sẽ có 1 tàu chạy thử nghiệm ra vào 5 bến: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông.

Các hạng mục phục vụ tuyến buýt vận hành đã cơ bản xong

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, 5 tuyến bến nêu trên đã có trạm cho tàu cập vào, đường dẫn lên xuống và đang hoàn thiện các hạng mục trên bờ có nhiều chức năng phục vụ mỹ quan đô thị từ mảng xanh, nhà vệ sinh, điểm giữ xe… để phục vụ hành khách.

Nhiều bến nằm ngoài mặt tiền đường rất thuận tiện cho hành khách sử dụng tàu buýt sông như bến Bạch Đằng, Bình An. Riêng bến Thanh Đa nằm sâu trong cư xá Thanh Đa từ ngoài đường vào khoảng 1km, bến Hiệp Bình Chánh đi Phạm Văn Đồng vào đường 25 đến đường số 10 mới đến, bến Linh Đông nằm cuối đường số 36 nhưng từ đầu đường Kha Vạn Cân đi vào cũng hơn 1km.

Tuy nhiên, buýt đường sông cần phải kết nối với xe buýt đường bộ để nhiều người đi hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Nhưng nhiều bến xe buýt sông nằm cách xa trục đường chính khiến nhiều người ngại đi xa.

Bên cạnh đó, tuyến buýt sông sẽ lợi thế phát triển du lịch. Bởi các tuyến du lịch đường sông hiện nay có giá quá cao, tuyến buýt sông có giá bình dân sẽ thu hút nhiều công ty du lịch đưa khách trong và ngoài nước lên tàu để tham quan cảnh sông nước TP.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, chạy vận hành kỹ thuật để thử nghiệm đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Trong thời gian này, chủ đầu tư tiếp tục nhanh chóng thi công các hạng mục còn lại và khắc phục những lỗi kỹ thuật trên tàu.

Đồng thời, sở đã giao cho Trung tâm Điều hành và Quản lý vận tải hành khách công cộng phối hợp với chủ đầu tư để khảo sát đưa xe buýt đường bộ đi vào bên trong bến thủy để phục vụ hành khách đi tàu buýt sông.

Nếu hạ tầng đáp ứng được sẽ điều chỉnh nắn tuyến để xe buýt đường bộ đi vào. Đối với những đường nhỏ thì chủ đầu tư phải có xe buýt nhỏ hoặc xe điện để đưa đón khách ra ngoài trạm xe buýt đường bộ.

Tàu buýt sẵn sàng nổ máy

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Vietnamnet, ông Phạm Công Bằng - Trưởng phòng quản lý vận tải đường thủy nội địa (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, tàu buýt đầu tiên của tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đã lắp đặt xong và đang triển khai thi công, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đường thủy, kết nối và sẽ hạ thủy trong sáng 21/8 tới.

Ông Bằng cho biết, Cục Đăng kiểm đang kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện này rất chặt chẽ. Các quy định hoạt động phải tuân thủ theo hoạt động vận tải hành khách đường thủy. Về mặt vận hành sẽ có quy trình giao trách nhiệm cho từng bộ phận như thủy thủ, tiếp viên.

Vị trưởng phòng này cho biết thêm, các vị trí buýt sông đều có bố trí giữ xe máy cho hành khách, một số bến đã có kết nối với đường bộ bằng xe buýt như Bạch Đằng, Linh Đông.

Xe buýt chạy trên sông đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: hatika travel 

Một số bến chưa có phương tiện buýt bộ kết nối trực tiếp thì nhà đầu tư đề xuất kết nối bằng xe buýt điện hoặc liên hệ với một đơn vị vận tải đường bộ bố trí buýt đường bộ vào đó.

“Theo quy định loại hình này không phải mặc áo phao. Tuy nhiên, trên buýt đường sông vẫn trang bị áo phao. Tối thiểu mỗi hành khách có một áo phao; ngoài ra còn trang bị thêm phao tròn”, ông Bằng cho hay.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc công ty TNHH Thường Nhật - đơn vị đầu tư, thi công tuyến buýt đường sông cho biết, trước khi chính thức đi vào hoạt động khai thác, tuyến buýt sông được vận hành kỹ thuật (chạy thử nghiệm) trong thời gian 1 tháng, từ ngày 30/6 đến 30/7. Theo đó, toàn tuyến gồm năm tàu (mỗi tàu 80 chỗ), trong đó bốn tàu vận chuyển hằng ngày và một tàu dự bị.

Xe buýt chạy trên sông là một loại hình giao thông đã xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới. Loại phương tiện vừa có thể vừa chạy dưới nước vừa chạy được trên cạn này thường được gọi là xe lưỡng cư, xe lội nước hay "Amphibious".

Trong đó, xe buýt trên sông chạy được cả trên cạn và dưới nước để phục vụ du lịch được sử dụng phổ biến ở khá nhiều quốc gia trên thế giới bởi tính cơ động như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Khác với những chiếc xe buýt thông thường, những chiếc xe buýt lưỡng cư được đóng kín phần thân dưới. Để tránh nước lọt vào cabin, các bánh xe và khung gầm được bọc kín. Xe có thể di chuyển cả ở trong môi trường nước ngọt và cả nước mặn. Mỗi xe có thể chở được từ 46 - 55 hành khách.

Vỏ xe được làm từ nhôm dày 6 - 12mm hoặc thép không rỉ dày từ 3 - 6mm có khả năng ổn định thân khi nổi. Thiết kế thân kín đáy gồm các vách ngăn giúp xe buýt không bị chìm. Ngay cả khi có lỗ thủng vào bên trong, chiếc xe vẫn có thể cân bằng và nổi trên mặt nước. Mỗi ngăn có hệ thống bơm hút nước hoặc chèn xốp.

Nguyên lý hoạt động của xe buýt lưỡng cư là sử dụng hai hệ thống truyền. Khi ở trên mặt đất, dẫn năng lượng từ động cơ tới các bánh xe và hoạt động như các xe buýt bình thường khác. Khi xuống nước, chân vịt hoặc bơm áp lực gắn bên dưới sàn xe hoạt động do được động cơ truyền năng lượng.

Xe buýt chạy dưới nước được đánh giá là một trong những phương tiện vận chuyển hành khách an toàn nhất trên thế giới. Hiện nay, những chiếc xe buýt lưỡng cư có giá thành rẻ hơn, tốn ít nhiên liệu hơn và tốc độ cao hơn, chúng có thể đạt tới 140km/h khi ở trên cạn và 15km/h khi ở dưới nước.

Phong Lâm (T/h)

 

Yêu cầu tạm dừng triển khai thí điểm dịch vụ xe buýt 2 tầng(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu 7 tỉnh, thành phố tạm dừng việc triển khai thí điểm dịch vụ xe buýt du lịch hai tầng, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT ban hành quyết định mới liên quan đến dịch vụ xe buýt này.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang